Trang tin tức sự kiện
 
Các ngành đào tạo đại học tuyển sinh năm 2013 của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN

Năm 2013, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tuyển sinh 6 ngành đào tạo, gồm: Kinh tế, Kinh tế Phát triển, Kinh tế Quốc tế, Quản trị Kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng và Kế toán. Trong đó, ngành Kinh tế Quốc tế, Tài chính - Ngân hàng ngoài chương trình đào tạo chuẩn còn có chương trình đào tạo chất lượng cao; ngành Quản trị Kinh doanh đào tạo theo chương trình đạt chuẩn quốc tế. Chi tiết về các ngành như sau:



1. Ngành Quản trị Kinh doanh (chương trình đạt chuẩn quốc tế)

Ngành Quản trị Kinh doanh tuyển sinh chương trình cử nhân Quản trị Kinh doanh đạt chuẩn quốc tế. Chương trình được xây dựng trên cơ sở tham khảo chương trình Quản trị Kinh doanh của Trường Haas School of Business (HSB), Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ) - một trong những trường đại học hàng đầu thế giới về quản trị kinh doanh, và được giảng dạy hầu hết bằng tiếng Anh. Bên cạnh các môn học chính thuộc khối kiến thức Kinh tế và Lãnh đạo như Lãnh đạo, Quản trị nguồn nhân lực, Quản trị chiến lược, Quản trị và văn hóa công ty, Quản trị sáng tạo và sự thay đổi, Hành vi tổ chức…, sinh viên được lựa chọn thêm các môn học thuộc khối kiến thức chuyên sâu về Kế toán, Tài chính, Marketing, Quản trị sản xuất.

Sinh viên tốt nghiệp sẽ có trình độ tiếng Anh tốt (tương đương 6.0 IELTS); có khả năng thích ứng với môi trường công việc mang tính cạnh tranh cao; có khả năng tác nghiệp, kinh doanh, phân tích, đánh giá các chuyên môn trong lĩnh vực quản trị kinh doanh tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước như công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài, công ty đa quốc gia, tập đoàn nhà nước…; có thể tiếp tục tự học, tham gia học tập ở các bậc cao hơn; tích lũy kinh nghiệm để trở thành doanh nhân, nhà lãnh đạo, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực quản trị kinh doanh; có thể tự khởi sự và tạo lập doanh nghiệp.

* Những lợi ích đặc thù của chương trình

Ngoài những lợi ích chung, người học sẽ có được những lợi ích đặc thù sau:

- Giáo trình hiện đại, cập nhật và chủ yếu bằng tiếng Anh.

- Giảng viên tham gia giảng dạy có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn, hầu hết có học vị tiến sĩ trở lên, tốt nghiệp từ các nước có nền giáo dục tiên tiến với phương pháp giảng dạy hiện đại.

- Môi trường học tập tiếp cận chuẩn quốc tế: cơ sở vật chất, phương pháp dạy và học, các hoạt động ngoại khóa…

- Học phí: 967.000đ/tháng.
 2. Ngành Kinh tế Quốc tế
2.1. Ngành Kinh tế Quốc tế (chương trình đào tạo chuẩn)

            Chương trình đào tạo chuẩn ngành Kinh tế Quốc tế được thiết kế có tham khảo chương trình đào tạo cử nhân của Đại học Santa Cruz (Hoa Kỳ), có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung kiến thức cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nội dung chương trình gồm các khối kiến thức theo khối ngành, nhóm ngành, ngành, cũng như khối kiến thức lựa chọn chuyên sâu gồm hai lĩnh vực: Kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế và Kinh doanh có yếu tố nước ngoài nhằm giúp sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn định hướng nghề nghiệp. Đồng thời, chương trình cũng chú trọng các hoạt động ngoại khóa, thực tập, thực tế, đào tạo các kỹ năng mềm và các kỹ năng nghề nghiệp khác, giúp sinh viên có thể đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng tác nghiệp, phân tích và trợ giúp hoạch định, tổ chức thực thi các chính sách, cũng như lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các dự án về thương mại quốc tế, tài chính quốc tế và đầu tư nước ngoài tại các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài; có khả năng tham gia nghiên cứu và trợ giảng tại các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học; có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc cao hơn trong lĩnh vực kinh tế quốc tế và các lĩnh vực liên quan.

 
2.2. Ngành Kinh tế Quốc tế (chương trình đào tạo chất lượng cao )

Chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Kinh tế Quốc tế được thiết kế với yêu cầu về trình độ cao hơn, nội dung rộng hơn và sâu hơn theo hướng nâng cao so với chương trình đào tạo chuẩn ngành Kinh tế Quốc tế, đề cao tư duy sáng tạo, tự học, tăng cường kỹ năng thực hành, kiến thức thực tế, khả năng sử dụng tin học và tiếng Anh.

Sinh viên tốt nghiệp là những cử nhân ưu tú, có trình độ chuyên môn cao, tiếng Anh tốt (đạt chuẩn tương đương IELTS 5.5), có năng lực tổng hợp, phân tích và trợ giúp hoạch định, tổ chức thực thi các chính sách, cũng như lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các dự án về thương mại quốc tế, tài chính quốc tế và đầu tư nước ngoài tại các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, tập đoàn, tổng công ty hay doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài; có năng lực tham gia nghiên cứu và trợ giảng tại các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học; có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc cao hơn trong lĩnh vực kinh tế quốc tế và các lĩnh vực liên quan.

Để trở thành sinh viên chương trình chất lượng cao ngành Kinh tế Quốc tế, thí sinh cần: (1) Trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với điểm trúng tuyển ít nhất bằng điểm trúng tuyển vào ngành Kinh tế Quốc tế; (2) Đạt điểm thi tiếng Anh theo quy định; và (3) Vượt qua kỳ thi phỏng vấn trực tiếp.

* Những lợi ích đặc thù của chương trình:

Ngoài những lợi ích chung, người học sẽ có thêm những lợi ích đặc thù sau:

- Chương trình được kiểm định đạt chuẩn chất lượng quốc tế do Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) đánh giá và công nhận.

- Giảng viên tham gia giảng dạy có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn, hầu hết có học vị tiến sĩ trở lên, tốt nghiệp ở các nước có nền giáo dục tiên tiến với phương pháp giảng dạy hiện đại.

- Nhiều môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh.

- Thực tập, thực tế từ năm thứ 2.

- Cơ hội thừa hưởng và tiếp nối truyền thống “chất lượng” của hoạt động sinh viên chất lượng cao: liên tục đoạt các giải thưởng nghiên cứu khoa học và các cuộc thi trong, ngoài nước (của Bộ Giáo dục và Đào tạo, SATU Business Competition, SIFE Competition...); dẫn đầu trong học tập, sinh hoạt ngoại khóa, phát triển nghề nghiệp; tích cực trong công tác xã hội và phát triển cộng đồng; giành được nhiều học bổng học tập ở bậc sau đại học tại các nước phát triển...

 
3. Ngành Tài chính - Ngân hàng

3.1. Ngành Tài chính - Ngân hàng (chương trình đào tạo chuẩn)

Chương trình đào tạo chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng được thiết kế có tham khảo chương trình của Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ), có điều chỉnh, bổ sung một số môn học phù hợp với đặc trưng của Việt Nam. Nhằm giúp sinh viên dễ dàng lựa chọn định hướng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cao của thực tiễn, các môn học tự chọn chuyên sâu về tài chính và ngân hàng được đưa vào giảng dạy với những kiến thức cập nhật chuẩn quốc tế, phù hợp với thực tiễn hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng và các doanh nghiệp ở Việt Nam. Bên cạnh đó, với các chương trình thực tập, thực tế và các khóa học ngoại khóa phong phú cùng sự hợp tác của các đối tác trong và ngoài nước, sinh viên được rèn luyện kỹ năng, cập nhật kiến thức nghề nghiệp, thích ứng và làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng có trình độ chuyên môn cao, có khả năng phân tích, trợ giúp hoạch định chiến lược và quản trị hoạt động tại: (1) Các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các định chế tài chính khác trong và ngoài nước; (2) Các cơ quan quản lý nhà nước: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan khác của Chính phủ; (3) Với những kiến thức, kỹ năng tích lũy được, những sinh viên có đam mê nghiên cứu và giảng dạy có thể phát triển nghề nghiệp tại các viện nghiên cứu hay trường đại học trong nước.

3.2. Ngành Tài chính - Ngân hàng (chương trình đào tạo chất lượng cao)

Chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Tài chính - Ngân hàng được thiết kế với yêu cầu về trình độ cao hơn so với chương trình đào tạo chuẩn ngành Tài chính - Ngân hàng. Chương trình đề cao tư duy sáng tạo, tự học, tăng cường kỹ năng thực hành, kiến thức thực tế, khả năng sử dụng tin học và tiếng Anh.

Sinh viên tốt nghiệp chương trình chất lượng cao Tài chính - Ngân hàng là những cử nhân ưu tú có trình độ chuyên môn cao và tiếng Anh thành thạo (đạt chuẩn tương đương IELTS 5.5).

Để trở thành sinh viên chương trình chất lượng cao ngành Tài chính - Ngân hàng, thí sinh cần: (1) Trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với điểm trúng tuyển ít nhất bằng điểm trúng tuyển vào ngành Tài chính - Ngân hàng; (2) Đạt điểm thi tiếng Anh theo quy định; và (3) Vượt qua kỳ thi phỏng vấn trực tiếp.

* Những lợi ích đặc thù của chương trình:

Ngoài những lợi ích chung, người học sẽ có được những lợi ích đặc thù sau:

- Giảng viên tham gia giảng dạy có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm thực tiễn, hầu hết có học vị tiến sĩ trở lên, tốt nghiệp ở các nước có nền giáo dục tiên tiến với phương pháp giảng dạy hiện đại; các báo cáo viên là các chuyên gia thực tiễn, giàu kinh nghiệm trong nước và nước ngoài trong ngành tài chính - ngân hàng.

- Nhiều môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh.

- Thực tập, thực tế từ năm thứ 2.                               

- Có nhiều cơ hội tham gia và lãnh đạo các câu lạc bộ (CLB) sinh viên như CLB tiếng Anh, CLB Nhà nghiên cứu trẻ, CLB Doanh nhân, CLB Giám đốc Tài chính, CLB CPA hoặc ACCA nhằm phát huy tối đa năng lực và tư duy sáng tạo.

- Được tham gia miễn phí các khóa học ngoại khóa cung cấp kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp, giúp sinh viên có thể thích ứng và làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp.

 
4. Ngành Kế toán (chương trình đào tạo chuẩn)

Chương trình đào tạo chuẩn ngành Kế toán được thiết kế có tham khảo chương trình đào tạo cử nhân Kế toán của Trường Đại học Queensland, Australia, có điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tế Việt Nam. Nội dung chương trình gồm các khối kiến thức chung, khối kiến thức theo lĩnh vực, theo khối ngành - nhóm ngành, khối kiến thức chuyên sâu và bổ trợ, và khối thực tập - khóa luận tốt nghiệp. Ngoài ra, các chương trình thực tập, thực tế và các khóa học ngoại khóa giúp sinh viên có cơ hội thâm nhập thực tiễn công tác kế toán - kiểm toán tại các doanh nghiệp, từ đó sinh viên có thể củng cố kiến thức và rèn luyện các kỹ năng mềm để thích ứng và làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp.

Chương trình đào tạo chuẩn ngành Kế toán còn tăng cường hợp tác với Công ty Cổ phần MISA trong việc hỗ trợ đào tạo sinh viên thực hành trên phần mềm kế toán chuyên dụng, hợp tác với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) trong việc cung cấp học bổng cho sinh viên và các tài liệu hướng dẫn phát triển nghề nghiệp (Career Pathway Guidebook) do ACCA phát hành trên phạm vi toàn cầu.

Mục tiêu chung của chương trình là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán theo định hướng chuyên gia. Sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn định hướng nghề nghiệp như: (1) nhân viên kế toán, tương lai có thể phát triển thành chuyên gia kế toán, chuyên gia quản lý quỹ hoặc kiểm toán viên nội bộ; (2) nhân viên phân tích và tư vấn về kế toán - thuế - tài chính; (3) trợ lý kiểm toán, tương lai có thể phát triển thành kiểm toán viên chính, kiểm toán viên cao cấp; (4) nghiên cứu viên và giảng viên về kế toán - kiểm toán.

 

5. Ngành Kinh tế (chương trình đào tạo chuẩn)

Chương trình đào tạo chuẩn ngành Kinh tế được thiết kế theo hướng cơ bản, hệ thống, hiện đại, vừa có khả năng kế thừa những thành tựu phát triển lâu dài của khoa học kinh tế, vừa có khả năng liên thông và hội nhập quốc tế. Chương trình bao gồm các môn học chung, các môn học thuộc khối ngành kinh tế và các môn học chuyên sâu về kinh tế chính trị và thể chế kinh tế.

Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc tại các cơ sở nghiên cứu kinh tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan hoạch định và tư vấn chính sách kinh tế của Nhà nước, các tổ chức hành chính - sự nghiệp; có thể tiếp tục học ở bậc cao hơn.

 

6. Ngành Kinh tế Phát triển (chương trình đào tạo chuẩn)

Chương trình đào tạo chuẩn ngành Kinh tế Phát triển được thiết kế bao gồm các môn học thuộc khối kiến thức theo khối ngành, nhóm ngành và ngành, gồm các môn học như Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Kinh tế lượng, Kinh tế phát triển, Phương pháp nghiên cứu kinh tế… và các môn học chuyên sâu về Chính sách công và Kinh tế môi trường như Lựa chọn công cộng, Hoạch định chính sách phát triển, Hạch toán môi trường, Đánh giá tác động môi trường...

Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực phân tích, đánh giá, tổng hợp, nghiên cứu, giảng dạy về các vấn đề kinh tế phát triển và mang tính liên ngành trong các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phát triển, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở nghiên cứu; có thể tiếp tục học ở bậc cao hơn. 


Trường ĐHKT tổ chức tư vấn trực tuyến cho các thí sinh quan tâm đến các thông tin tuyển sinh của trường tại địa chỉ
www.ueb.edu.vn từ 9h00 đến 12h00 ngày 24/3/2013 (Chủ nhật). Thí sinh quan tâm có thể gửi các câu hỏi theo địa chỉ email: news_ueb@.vnu.edu.vn

 Liên hệ:
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Điện thoại: 043 7547506 (305, 315, 325)

Hotline: 016.9790.2050

Trường ĐHKT - ĐHQGHN