Trang tin tức sự kiện
 
Hội thảo quốc tế “Giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt Nam”

Các diễn giả chính tại hội thảo
Sáng ngày 23/3/2018, tại Phòng hội thảo quốc tế, nhà E4, 144 Xuân Thủy, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHKT) phối hợp với Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt Nam (Vietnam Financial Literacy Network) và Viện Kế toán Công chứng Anh quốc và Xứ Wales (ICAEW) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt nam”.


Mục tiêu chính của Hội thảo là kết nối các nhà khoa học, chuyên gia trong ngành, nhà hoạch định chính sách và những bên liên quan khác để thảo luận những nghiên cứu và quan điểm về các vấn đề lý thuyết và thực tế liên quan đến giáo dục tài chính, hiểu biết tài chính và phổ cập tài chính.

 
Quang cảnh hội thảo

Hội thảo được tiến hành với sự tham gia của gần 200 đại biểu là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục tài chính và tài chính ngân hàng, đại diện của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Tổ chức phát triển Đức (GIZ), UNDP Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Đại học New York, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng, các nhà khoa học, giảng viên, NCS, sinh viên và một số cơ quan truyền thông tới dự và đưa tin.
 PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu khai mạc hội thảo

Năm bài tham luận được trình bày tại hội thảo của các diễn giả là các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực giáo dục tài chính và tài chính ngân hàng trong nước và quốc tế bao gồm (i) Ông Alwaleed Alatabani, Chuyên gia trưởng trong lĩnh vực tài chính của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam trình bầy những bài học kinh nghiệm và thông lệ quốc tế về phát triển năng lực hành vi tài chính; (ii) TS. Cấn Văn Lực, Phó Tổng Giám đốc BIDV tổng kết, đánh giá những thành tựu, tồn tại và định hướng tương lai cho giáo dục tài chính tại Việt nam; (iii) TS.Koh Noi Keng, Chủ tịch mạng lưới hiểu biết tài chính cho giáo viên, Viện giáo dục quốc tế, Đại học công nghệ Nanyang, Singaprore chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo nâng cao hiểu biết tài chính cho giảng viên; (iv) Bà Magdalena Segre, Chuyên gia tư vấn Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) phân tích vai trò của hiểu biết tài chính trong việc phát triển bảo hiểm vi mô tại Việt Nam; (v) TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Trưởng nhóm nghiên cứu, Đồng sáng lập Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt Nam trình bày nghiên cứu về đo lường hiểu biết tài chính của một số nhóm đối tượng mục tiêu theo chuẩn mực quốc tế xây dựng bởi Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD).


 
Đặc biệt TS. Vân cũng giới thiệu về Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt Nam là tổ chức thành lập từ năm 2015 với mục đích tìm kiếm và kết nối các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn, các nhà hoạch định chính sách cùng mối quan tâm, thực hiện các hoạt động như nghiên cứu, đào tạo và tư vấn về tài chính cá nhân, nhằm tăng cường trình độ hiểu biết tài chính cho Việt Nam. Ngoài nghiên cứu, nhóm Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt nam đã thiết kế và giảng dạy về tài chính cá nhân cho nhiều học sinh phổ thông, các hộ gia đình nghèo và tham gia tư vấn cho một số dự án của USAID và UNDP về đào tạo tài chính.
 TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cao cấp
Nhiều câu hỏi và ý kiến hữu ích đã được trao đổi trong phiên thảo luận của Hội thảo. Theo đại diện của Ngân hàng thế giới ông A.Alatabani, mỗi quốc gia cần căn cứ theo đặc điểm của mình để xây dựng một chiến lược quốc gia nâng cao năng lực hành vi tài chính cho phù hợp. Việc triển khai chiến lược đó có thể do một cơ quan chuyên trách thực hiện tuy nhiên điểm cốt yếu là cần thiết lập được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành và các đơn vị có liên quan. TS. Cấn Văn Lực cũng chung quan điểm về sự cần thiết phải có một chiến lược quốc gia dài hạn về đào tạo tài chính vì theo TS. Lực những chương trình đào tạo tài chính hiện nay ở Việt Nam có quy mô còn nhỏ và chưa được tổ chức thành một hệ thống. 
 Một vị khách nước ngoài rất chăm chú tới sách do TS. Đinh Thị Thanh Vân viết
Theo PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm Khoa TCNH, Trường Đại hoc Kinh tế - ĐHQGHN mặc dù hiện tại NHNN Việt Nam đang giữ vai trò là cơ quan đầu mối xây dựng chiến lược quốc gia về đào tạo tài chính tuy nhiên cần tăng cường hơn nữa sự tham gia và vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động này. Liên quan tới nội dung đào tạo cụ thể, TS. E.Mayer - nguyên giáo sư Trường Đại học New York thì chương trình cần thiết kế đơn giản và rõ ràng. TS. A.Malagardis - Giám đốc chương trình khu vực về thúc đẩy khung pháp lý đối với thị trường bảo hiểm dành cho người nghèo ở châu Á của GIZ nhấn mạnh do đào tạo về những sản phẩm và dịch vụ tài chính là nhiệm vụ khó khăn nên chương trinh đào tạo cần phải xây dựng theo hướng người học, cụ thể là cần xác định những vấn đề căn bản mà người học cần biết, xem xét cách thức sử dụng công nghệ để thực hiện đào tạo, đặc biệt cần chú trọng tới việc bảo vệ khách hàng nhất là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. 
 Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp cũng như đề xuất nhiều ý kiến tư vấn hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức có liên quan. Ban tổ chức hy vọng sau buổi hội thảo, các chuyên gia tài chính, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đào tạo và các bên liên quan sẽ cùng nhau hợp tác để xây dựng các chương trình giáo dục tài chính hiệu quả nhằm đẩy mạnh phổ cập tài chính cho Việt Nam.
 
 Các đại biểu chụp lưu niệm 

Vân Anh (TCNH)