Từ ngày 16/7 đến 18/7/2014, Đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN do PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và khảo sát thực tế tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Trường ĐHKT đã tổ chức Hội nghị giao ban mở rộng với sự hiện diện của Ban Giám hiệu cùng các cán bộ là trưởng, phó các phòng, ban, bộ phận, trung tâm và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể của Trường.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Báo cáo tổng kết năm học 2013-2014, Kế hoạch nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 và năm 2015 để trình Hội nghị đại biểu cán bộ, viên chức và tổng kết kế hoạch nhiệm vụ năm học 2013-2014 dự kiến tổ chức vào cuối tháng 8 tới. Các ý kiến đã tập trung làm rõ những thành tựu và các vấn đề còn tồn đọng trong năm học 2013-2014, nguyên nhân và giải pháp để khắc phục những hạn chế đó; đồng thời cũng đi vào phân tích rõ cơ hội, thách thức đang đặt ra trước mắt nhằm xác định rõ những nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà trường cần thực hiện trong năm học tới. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết của đơn vị trong 6 tháng cuối năm 2014 và cả năm 2015.
Phó Hiệu trưởng PGS.TS Trần Anh Tài trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết năm học 2013-2014, Kế hoạch nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 và năm 2015 tại hội nghị
Đại diện các đơn vị, các tổ chức đoàn thể báo cáo, đóng góp ý kiến tại hội nghị.
Tiếp đó, Đoàn công tác của Trường ĐHKT đã thăm làm việc tại Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình và khảo sát thực tế một số xã ở tỉnh Quảng Bình. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Buổi làm việc của Đoàn công tác Trường ĐHKT - ĐHQGHN tại UBND tỉnh Quảng Bình
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo Trường ĐHKT đã giới thiệu vắn tắt về trường, trong đó nhấn mạnh các tiềm năng, thế mạnh của trường ở các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và cung cấp các dịch vụ khác. Hiệu trưởng Trường ĐHKT - PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: Hiện nay Trường ĐHKT đã và đang triển khai hợp tác nghiên cứu với một số tỉnh như: Hà Nam, Ninh Bình và Đắc Nông. Quảng Bình có nhiều lợi thế về tự nhiên và cần được khai thác bền vững, vì vậy, vai trò của nguồn nhân lực là hết sức quan trọng. Ông khẳng định, Trường Đại học Kinh tế có đủ nguồn lực, thực tiễn và kinh nghiệm để hỗ trợ tỉnh trong việc đào tạo, nâng cao năng lực lãnh đạo các cấp của tỉnh; đồng thời phối hợp nghiên cứu, giải quyết các vấn đề tỉnh đang phải đối mặt như môi trường, biến đổi khí hậu, xóa đói - giảm nghèo, thu hẹp chênh lệch giàu - nghèo, hợp tác đầu tư, hội nhập khu vực v.v.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh đã cảm ơn sự quan tâm của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN dành cho tỉnh; đồng thời giới thiệu một số nét cơ bản về tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ông cho rằng, Quảng Bình là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch, dịch vụ, tuy nhiên nguồn nhân lực còn thiếu và chất lượng thấp nên chưa phát huy được hiệu quả tiềm năng vốn có. Ông bày tỏ mong muốn Trường ĐHKT hỗ trợ tỉnh trong việc nghiên cứu, tư vấn; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực phục vụ du lịch, quản lý doanh nghiệp… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn giới thiệu và tặng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình một số sản phẩm nghiên cứu đặc thù của nhà trường
Đoàn công tác Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và lãnh đạo UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm
Buổi làm việc đã diễn ra trong không khí cởi mở và hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và tỉnh Quảng Bình.
Chuyến công tác và khảo sát thực tế lần này đã cung cấp cho cán bộ, giảng viên Trường ĐHKT nhiều dữ liệu để phục vụ hoạt động nghiên cứu và giảng dạy; đồng thời cũng khẳng định mong muốn của lãnh đạo Nhà trường trong việc mở rộng hợp tác với các địa phương nhằm góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung.
_________________
TIN LIÊN QUAN: