Trang tin tức sự kiện
 
Tự hào là đại sứ truyền thông của Dự án Thriive Hà Nội

Anh Hà hiện đang là Phó chủ tịch Hội người khuyết tật thủ đô Hà Nội
Là chủ doanh nghiệp của Dự án Thriive Hà Nội 2013, thuộc Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, anh Nguyễn Hồng Hà (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồng Hà) đi đến đâu cũng quảng bá hình ảnh của Thriive như một người "đại sứ không lương".


Anh Hà quê tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, không may anh bị bại liệt chân trái ngay từ nhỏ làm hạn chế khả năng đi lại. Không đầu hàng số phận, anh quyết chí đi học cùng chiếc xe lăn, học để hòa nhập, học để lao động. Và đến năm 2005, anh tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Hà Nội.

 
Gia đình hạnh phúc của chủ doanh nghiệp dán Thriive Hà Nội 

Tự bản thân có thể lo được kinh tế nuôi sống mình bằng nghề dạy tiếng Anh nhưng anh Hà không muốn dừng lại ở đó. Bản thân là người khuyết tật anh thấu hiểu hết nỗi cơ cực, tự ti, mặc cảm của những số phận cùng cảnh ngộ “khiếm khuyết” một phần cơ thể. Vì vậy, anh Hà đã hùn vốn, cộng thêm sự giúp đỡ của gia đình để thành lập Trung tâm May công nghiệp Hồng Hà năm 2006 với mục đích tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng rồi, doanh nghiệp đi vào khó khăn sau mấy năm hoạt động khi không có vốn để mở rộng sản xuất cũng như quảng bá để kết nối thị trường. Sản phẩm làm ra chưa có tính cạnh tranh cao với các doanh nghiệp may tiên tiến, người lao động có thu nhập chưa ổn định điều này làm cho anh Hà đau đáu nhiều tháng liền.

Sau đó, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Nội, anh Hà biết đến Dự án Thriive Hà Nội, thuộc Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN qua kênh truyền thông mạng xã hội Facebook. Đây là dự án cho vay không lãi suất và trả nợ cho cộng đồng thông qua việc dạy nghề và tặng sản phẩm, đối chiếu các tiêu chí được tuyển chọn, anh Hà vô cùng mừng rỡ vì thấy Trung tâm của mình đáp ứng các yêu cầu của dự án. Năm 2013, Trung tâm của anh Hà chính thức trở thành doanh nghiệp vay vốn của Dự án Thriive Hà Nội, chỉ sau đó không lâu Trung tâm được nâng cấp thành Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Hà.

 
 Xưởng may của anh Hà phát triển nhờ nguồn vốn từ Thriive Hà Nội

Tổng số tiền mà dự án hỗ trợ cho Trung tâm anh Hà 200 triệu đồng, với số tiền khá lớn này anh Hà đã đầu tư mua thêm 20 máy khâu, mở thêm một xưởng tại quận Long Biên và chủ động đi tìm các bạn khuyết tật trên khắp thành phố “thu gom” về để đào tạo nghề.

Qua hai năm vay vốn và nâng Trung tâm lên một tầm cao mới từ chỗ chỉ giúp đỡ được khoảng 20 người khuyết tật có công ăn việc làm ổn định đến nay Công ty của anh Hà đã đào tạo nghề cho gần 100 bạn và trao tặng trên 700 chiếc áo rét cho các bạn khuyết tật khắp thành phố Hà Nội.

Trong suốt qua trình dùng vốn để phát triển doanh nghiệp, anh Hà luôn được Ban điều phối dự án hỗ trợ thêm về chiến lược, tư vấn và kết nối bao tiêu sản phẩm, quá trình trả nợ của doanh nghiệp thuộc vào hàng nhanh nhất của dự án Thriive Hà Nội từ trước tới nay và với ý nghĩa cộng đồng thì không thước đo nào có thể đo được.

Với cương vị là Phó chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Nội, anh Hà có mỗi quan hệ với rất nhiều các doanh nghiệp xã hội. Đi đến đâu anh đều quảng bá hình ảnh dự án đến chủ doanh nghiệp, tháo gỡ, động viên họ lập hồ sơ để ứng tuyển, không những thế anh còn giúp đỡ họ trong suốt quá trình phát triển doanh nghiệp với tâm niệm “Mình là người đi trước đã có kinh nghiệm thì trách nhiệm giúp đỡ họ thuộc về mình”.

Tuy là doanh nghiệp Thirve Hà Nội từ năm 2013, nhưng đến nay mối quan hệ của anh với Ban điều phối vẫn vô cùng gắn bó. Chúng tôi đến thăm doanh nghiệp của anh một ngày mưa bão mà trong doanh nghiệp bình yên đến lạ. Đó là nụ cười nở nhẹ của các bạn khuyết tật đã có thể hòa nhập với cộng đồng nhờ lao động, đó là lời cảm ơn bằng ánh mắt trìu mến của các bạn không nói được. Không khí làm việc khẩn trương, chuyên nghiệp của một doanh nghiệp đa phần là người khuyết tật không khác gì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Gần 20 mươi năm gắn bó với công tác xã hội, anh Hà chỉ có mong ước duy nhất đó là tất cả người khuyết tật được hòa nhập với cộng đồng. Và để làm được điều đó thì sẽ cần rất rất nhiều dự án như Thriive nữa vì còn rất nhiều doanh nghiệp xã hội khó khăn đang cần nguồn vốntừ Thriive.

 

Thriive Hà Nội là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Tổ chức Thriive, Hoa Kỳ từ năm 2005 nhằm giúp doanh nghiệp phát triển, tạo thêm việc làm mới và tạo những tác động xã hội tích cực.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chương trình Thriive không giới hạn ngành nghề, lĩnh vực và có chung mục tiêu phát triển và giúp đỡ cộng đồng. Đến năm 2016, Thriive Hà Nội đã giúp đỡ 116 doanh nghiệp vay vốn của chương trình. Dự án đã giúp tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 1.446 lao động mới và hơn 120.000 người dân nghèo tại 21 tỉnh phía Bắc đã nhận được sản phẩm, dịch vụ từ thiện của chương trình. Đối tượng được hưởng lợi từ hoạt động trả nợ là những cộng đồng yếu thế như: người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người già, trẻ mồ côi…

Mọi thông tin chi tiết liên hệ:
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
Nhà G4, số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: http://ceds.ueb.edu.vn

Văn Công