Trang tin tức sự kiện
 
Thông tin Luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Thị Minh Phương

Tên luận án: Đánh giá tác động dự kiến của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam


1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Minh Phương
2.Giới tính: Nữ

3. Ngày sinh: 29/06/1986

4. Nơi sinh: Hà Nội

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh: Quyết định số 61/QĐ-ĐHKT ngày 13/01/2015 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo:

- Điều chỉnh tên đề tài luận án tiến sĩ: Theo Quyết định số 1283/QĐ-ĐHKT ngày 11/05/2017 về việc điều chỉnh tên đề tài luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Minh Phương.

- Kéo dài thời gian đào tạo: Theo Quyết định số 877/QĐ-ĐHKT ngày 28/04/2017 về việc cho phép nghiên cứu sinh kéo dài thời gian trong chương trình đào tạo.

7. Chuyên ngành: Kinh tế quốc tế

8. Mã số: 9310106.01

9. Cán bộ hướng dẫn khoa học: Hướng dẫn chính: PGS. TS. Nguyễn Anh Thu

Hướng dẫn phụ: PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Chi

10. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:

- Thứ nhất, luận án xây dựng khung phân tích tác động của Hiệp định thương mại tự do đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước thành viên, bao gồm các kênh tác động, các yếu tố quyết định tác động và tác động tổng thể của FTA đối với FDI.

- Thứ hai, luận án đánh giá tác động của EVFTA đến FDI nói chung vào Việt Nam dựa trên khung phân tích tác động và phỏng vấn chuyên gia. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng EVFTA có cả tác động tích cực và tiêu cực đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Một mặt, EVFTA làm gia tăng số lượng FDI từ cả các đối tác trong và ngoài EU; cải thiện chất lượng dòng vốn FDI; nâng cao vị thế và mức độ tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị khu vực; cải thiện cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp và thúc đẩy tác động lan tỏa của dòng vốn FDI. Luận án cũng nhận diện được các ngành, phân ngành có cơ hội thu hút FDI nhiều nhất nhờ các cam kết trong EVFTA. Mặt khác, EVFTA có thể làm giảm FDI theo chiều ngang từ EU và sự gia tăng FDI từ EU có thể không chắc chắn do chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như khủng hoảng kinh tế, triển vọng ký kết FTA giữa EU với các nước ASEAN khác và dịch COVID-19. EVFTA cũng tạo ra áp lực và chi phí liên quan tới cạnh tranh và cải cách thể chế, chính sách đối với Việt Nam. Nếu không có sự điều chỉnh chính sách thu hút FDI một cách hợp lý thì trên thực tế Việt Nam khó có thể thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao và phần lớn lợi ích từ FTA có thể rơi vào các doanh nghiệp của một nước thứ ba. Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và khoảng cách địa lý cũng là những yếu tố gây cản trở đối với FDI từ EU vào Việt Nam. Luận án cũng chỉ ra rằng trong ngắn hạn các cam kết về thuế quan và dịch vụ là các kênh tác động chính của EVFTA đến FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong dài hạn việc cải cách về thể chế, chính sách và cải thiện môi trường đầu tư mới là kênh tác động chính trong dài hạn và có tác động quan trọng trong việc cải thiện chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam.

- Thứ ba, luận án xác định các yếu tố nước chủ nhà tác động đến đầu tư của EU sang các nước đang phát triển; từ đó đưa ra dự báo tác động của EVFTA đối với FDI từ EU vào Việt Nam. Kết quả từ mô hình kinh tế lượng chỉ ra rằng việc cùng tham gia FTA, quy mô thị trường nội địa và khu vực của nước chủ nhà cũng như FDI sẵn có là những yếu tố quan trọng khi các nhà đầu tư EU quyết định đầu tư sang các nước đang phát triển. Điều này cho thấy triển vọng thu hút FDI từ EU có nhiều thuận lợi trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết FTA với EU, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, đồng thời Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào rất nhiều FTA song phương và đa phương khiến quy mô thị trường khu vực mà nhà đầu tư EU có thể tiếp cận thông qua đầu tư vào Việt Nam được gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, với quy mô nền kinh tế nhỏ hơn nhiều nước ASEAN khác đang đàm phán FTA với EU, Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng các cơ hội mà EVFTA mang lại trước khi các lợi thế bị triệt tiêu.

- Thứ tư, luận án chỉ ra các cơ hội và thách thức, từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách để Việt Nam có thể tận dụng các cơ hội và hạn chế các thách thức từ EVFTA trong thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam. Một số giải pháp được đưa ra bao gồm: (i) tăng cường công tác nghiên cứu, tuyên truyền và phổ biến về EVFTA; (ii) rà soát, điều chỉnh về pháp luật, thể chế đồng thời nâng cao khả năng thực thi của các quy định pháp lý; (iii) xây dựng chiến lược và các chính sách chủ động thu hút FDI có chọn lọc; (iv) cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao trình độ công nghệ và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; (v) nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng liên kết của doanh nghiệp trong nước; và (vi) tiếp tục theo đuổi chiến lược đa dạng hóa trong hội nhập kinh tế quốc tế.

11. Khả năng ứng dụng thực tiễn:

Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp về các tác động dự kiến của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU; từ đó các đối tượng này có sự chuẩn bị tốt hơn nhằm tận dụng các cơ hội và hạn chế những thách thức mà EVFTA mang lại.

12. Các hướng nghiên cứu tiếp theo:

Các hướng nghiên cứu tiếp theo mà nghiên cứu sinh dự kiến thực hiện bao gồm: (i) Đánh giá tác động của các FTA như CPTPP, VKFTA,... đối với dòng vốn FDI vào Việt Nam; (ii) Đánh giá tác động của các FTA thế hệ mới đối với FDI vào một số ngành cụ thể; (iii) Đánh giá tác động của các FTA đối với FDI từ các đối tác đầu tư cụ thể.

13. Các công trình công bố liên quan đến luận án:

[1] Nguyễn Thị Minh Phương (2014), “Một số đề xuất cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với FDI hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”, Trong Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Quốc Việt (chủ biên), Môi trường đầu tư hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2] Vũ Thanh Hương, Nguyễn Thị Minh Phương (2015), “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Một góc nhìn về cơ hội và thách thức”, Tạp chí Cộng Sản, Số 104, tháng 08/2015, trang 117-120.

[3] Vũ Thanh Hương, Nguyễn Thị Minh Phương (2015), “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Cơ hội song hành cùng thách thức”, Trong Nguyễn Anh Thu, Andreas Stoffers (Chủ biên), Triển vọng đối với Việt Nam và Đức trong bối cảnh hội nhập kinh tế ASEAN và EU, NXB Tri thức, Hà Nội.

[4] Vũ Thanh Hương, Nguyễn Thị Minh Phương (2016), “Đánh giá tác động theo ngành của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Sử dụng các chỉ số thương mại”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 32, số 3 (2016), trang 28-38.

[5] Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Thị Minh Phương (2016), “Dự báo tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương tới đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, tập 32, số 1 (2016), tháng 04/2016, trang 1-10.

[6] Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Thị Minh Phương (2016), “Taiwanese Investment in Vietnam: Current Development and Issues”, VNU Journal of Science, Vol. 32, No. 1S, 2016, 218-227.

[7] Nguyen Anh Thu, Vu Thanh Huong, Nguyen Thi Minh Phuong (2018), “Services Liberalization in Vietnam: The Case of FDI in Logistics Sector”, trong Tham Siew Yean and Sanchita Basu Das (Chủ biên), Services liberalization in ASEAN for Foreign Direct Investment in Logistics, ISEAS Publishing House, Singapore.

[8] Nguyễn Thị Minh Phương (2019a), “Thực trạng và triển vọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào Việt Nam”, Tạp chí Cộng Sản, số 924 (8-2019), trang 102-106.

[9] Nguyễn Thị Minh Phương (2019b), “Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào ASEAN và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 9 (228) 2019, trang 80-91.

[10] Nguyễn Thị Minh Phương, Nguyễn Minh Trang, Đỗ Việt Phương Linh, Vũ Thị Thùy Dương (2019), “Các yếu tố nước chủ nhà tác động đến đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào các nước đang phát triển và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế dành cho các nhà khoa học trẻ khối kinh tế và kinh doanh 2019, Huế 11/2019.

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN