Trang tin tức sự kiện
 
Nâng cao hiểu biết quản lý tài chính cá nhân và khởi nghiệp

Tiền bạc – niềm đam mê bất tận và nỗi đau cùng cực, chủ đề cực độ nhạy cảm nhưng tột cùng cuốn hút của nhân loại. Ai cũng muốn kiếm nhiều tiền để được tự do tài chính, nhưng bạn thực sự dành bao nhiêu tâm huyết cho nó? Bạn muốn khởi nghiệp, song làm sao để kiếm ra tiền và quản lý được nó. Đó là một câu hỏi lớn, một nghệ thuật.


Việc nâng cao hiểu biết tài chính có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, của từng cá nhân và của từng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Xuất phát từ thực tiễn đó, cuốn sách chuyên khảo Quản lý tài chính cá nhân và khởi nghiệp của nhóm tác giả TS. Đinh Thị Thanh Vân, TS. Nguyễn Đăng Tuệ và các thành viên Nhóm nghiên cứu Tài chính cá nhân Việt Nam góp phần nâng cao hiểu biết tài chính và tư duy khởi nghiệp cho các cá nhân/hộ gia đình định hướng khởi nghiệp nói riêng và mở rộng phổ cập tài chính cho người dân Việt Nam nói riêng.

Trong cuộc sống, các cá nhân đều phải đưa ra các quyết định tài chính khác nhau như vay mượn, đầu tư và chuẩn bị cho nghỉ hưu. Bên cạnh đó, cùng với sự phức tạp của thị trường tài chính đang phát triển không ngừng, các cá nhân cần có kiến thức về các sản phẩm tài chính khác nhau được cung cấp cho họ. Đẩy mạnh phổ cập tài chính là một giải pháp hiệu quả, kích thích các hoạt động tạo thu nhập, giúp người dân kiểm soát tình hình tài chính của mình, từng bước vượt khỏi đói nghèo. Nâng cao hiểu biết tài chính của người dân sẽ tác động tới nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính, giúp mở rộng phổ cập tài chính.

Ở cấp độ quốc gia, nâng cao hiểu biết tài chính giúp nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính và góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước. Mặt khác, hiểu biết về tài chính ở mức thấp có thể cản trở sự phát triển của một quốc gia.

Dưới góc độ khởi nghiệp, các cá nhân/nhóm khởi nghiệp thường phải chịu trách nhiệm đối với sự tồn tại của doanh nghiệp mới thành lập của mình trong khi chưa hiểu rõ được các nhu cầu về tài chính. Sự thiếu hụt các kỹ năng tài chính thường được coi là một lý do chính dẫn đến sự suy sụp của nhiều cá nhân/nhóm khởi nghiệp. Cải thiện hoạt động tài chính cũng giúp tăng khả năng của cá nhân/hộ gia đình hướng tới khởi nghiệp trong việc tìm kiếm và sử dụng nguồn lực tài chính bên ngoài. Đồng thời, trong giai đoạn đầu tiên của quá trình khởi nghiệp, rủi ro tài chính tập trung nhiều nhất vào người khởi nghiệp và gia đình, bạn bè của họ, do vậy có thể ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, hoạt động xã hội của bản thân các cá nhân/nhóm khởi nghiệp.

Trên cơ sở phân tích các nội dung chính bao gồm những vấn đề lý luận về quản lý tài chính cá nhân và khởi nghiệp, kinh nghiệm quốc tế về nâng cao hiểu biết tài chính cá nhân và khởi nghiệp, đào tạo quản lý tài chính cá nhân và khởi nghiệp tại Việt Nam, nhóm tác giả đã đề xuất một số kiến nghị và giải pháp nâng cao trình độ quản lý tài chính và khởi nghiệp tại Việt Nam.

Thứ nhất, thiết kế chương trình đào tạo tài chính cho cá nhân/hộ gia đình có hướng khởi nghiệp: Xác định rõ mục tiêu của chương trình đào tạo; Thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với đối tượng được đào tạo; Sử dụng các hình thức đào tạo đa dạng.

Thứ hai, định hướng nội dung các chương trình quản lý tài chính cá nhân và quản lý tài chính cá nhân định hướng khởi nghiệp.

Thứ ba, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động giáo dục tài chính và khởi nghiệp.

Thứ tư, thu thập và chia sẻ thông tin liên quan đến giáo dục tài chính và giáo dục khởi nghiệp.

 

 

Thông tin về cuốn sách:

Tác giả: TS. Đinh Thị Thanh Vân, TS. Nguyễn Đăng Tuệ (Đồng chủ biên)

Số trang: 268

Loại bìa: Bìa mềm

Giá: 168.000đồng

Khổ sách: 16cm x 24 cm

Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật

 


GIỚI THIỆU TÁC GIẢ


 

TS. Đinh Thị Thanh Vân: Giảng viên, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN, đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt Nam. Bà đã có hơn 15 năm nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, với các hướng nghiên cứu chính: tài chính cá nhân, quản trị tài chính doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dịch vụ ngân hàng hiện đại và các vấn đề quản trị ngân hàng. Ngoài ra, bà còn tham gia tư vấn cho các tập đoàn/ngân hàng về tài chính.

 

TS. Nguyễn Đăng Tuệ: Giảng viên Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng sáng lập Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt Nam. Hiện ông đang thực hiện các dự án nghiên cứu về tài chính cá nhân và giáo dục tài chính.