Trang tin tức sự kiện
 
"Đầu ra - Đó mới là vấn đề của các bạn"

Ông Hà Việt Quân chia sẻ với các ứng viên
Đó là lời khuyên, đồng thời cũng là nhắc nhở của Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 135 - Ủy ban Dân tộc miền núi, ông Hà Việt Quân nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc thi đầu vào Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý công tại Trường ĐHKT với Bộ môn Ngoại ngữ.


Theo ông, những khó khăn trong việc thi đầu vào ngoại ngữ không phải là vấn đề của học viên mà quan trọng, học viên có quyết tâm theo học hay không. Ông Quân chia sẻ: “Tôi cũng là người dân tộc thiểu số, tôi cũng từng nghĩ rằng việc học ngoại ngữ là khó khăn. Nhưng tôi đã nỗ lực và nhận ra rằng, khi các anh chị đã có tiếng dân tộc của mình, học thêm được tiếng Kinh, thì việc học thêm 1 ngoại ngữ nữa là hoàn toàn không khó. Hơn nữa, đây là một chương trình đào tạo quốc tế, học viên không có lý gì lại không sử dụng tốt được tiếng Anh”.


TS. Nguyễn Quốc Việt giới thiệu về các chương trình liên kết đào tạo và truyền thống của Trường ĐHKT
Trước đó, tại buổi gặp mặt trao đổi thông tin về chương trình đào tạo Thạc sĩ quản lý công, liên kết giữa Trường ĐHKT với ĐH Uppsala, Thụy Điển đã chào đón đông đảo ứng viên đăng ký theo học chương trình này. Tại buổi gặp mặt, TS. Nguyễn Quốc Việt (đại diện Trường ĐHKT) và GS. Sven - Erik Svard (đại diện ĐH Uppsala) đã có bài phát biểu giới thiệu về hai trường đại học và chương trình liên kết đào tạo. Các ứng viên ngoài việc hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo còn nhận được nhiều thông tin bổ ích về đời sống, văn hóa của Thụy Điển cũng như truyền thống của Trường ĐHKT.

GS.
Sven - Erik Svard giới thiệu về ĐH Uppsala và những nét văn hóa Thụy Điển


Đáng chú ý nhất là phần trao đổi, hỏi đáp giữa các ứng viên, học viên đang theo học và các giảng viên, điều phối viên chương trình. Ngoài các vấn đề liên quan đến hồ sơ đăng ký, thời gian học… vấn đề khiến các học viên quan tâm nhất chính là ngoại ngữ. Nhiều ứng viên cho rằng, do một thời gian quá dài không dùng tiếng Anh nên họ gặp nhiều khó khăn trong việc thi đầu vào. Đặc biệt, đối với những chiến sĩ biên phòng người dân tộc được cử đi học, tiếng Kinh nói có khi còn thiếu từ này từ kia thì việc đòi hỏi thi đầu vào tiếng Anh với điểm chuẩn cao là quá khó.
Về vấn đề này, ngoài chia sẻ của ông Quân như trên, điều phối viên của chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ quản lý công của Trường ĐHKT cũng đã khẳng định, việc thi đầu vào có môn tiếng Anh là bắt buộc. Phía UBDTMN cũng đã cố gắng tạo điều kiện về kinh phí, đồng thời cũng ưu tiên hạ mức điểm chuẩn môn tiếng Anh xuống còn 4.5. Tuy nhiên, việc đánh giá các ứng viên theo học chương trình này quan trọng nhất là qua phỏng vấn để tìm hiểu về khả năng, kinh nghiệm công việc của người học. Tiếng Anh đầu vào có thể thấp nhưng chương trình sẽ kiểm tra gắt ở đầu ra.
Đông đảo ứng viên đã tham gia Ngày hội thông tin về Chương trình ĐT Thạc sĩ Quản lý công khóa 4 tại Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Chị Phạm Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Quốc tế, Trường ĐHKT, điều phối viên của chương trình khẳng định: “Học viên có hơn 1 năm để rèn luyện tiếng Anh cho tốt hơn. Và tôi khẳng định rằng, đầu ra của chương trình sẽ đòi hỏi trình độ tiếng Anh của học viên cao hơn đầu vào. Nếu không đáp ứng được yêu cầu đó, học viên sẽ không thể hoàn tất khóa học”.
Không khí của buổi gặp mặt trở nên vui vẻ hơn khi các vấn đề liên quan đến chất lượng học tập được đặt ra. Sự góp mặt của các học viên khóa 1, khóa 2 cùng các giảng viên đã giúp cho các ứng viên sáng tỏ nhiều vấn đề. Nhiều học viên khóa 1, sắp hoàn thành khóa học cho rằng, chương trình đào tạo có chất lượng cao, đó là điều không thể bàn cãi. Vấn đề đáng nói đó chính là độ “mở” của chương trình. Học theo chương trình quốc tế, học viên và giảng viên trao đổi rất cởi mở. Mọi góp ý của học viên từ cơ sở vật chất cho đến giáo án giảng dạy đều được tiếp thu. Đó là sự khác biệt.
Kết thúc buổi gặp mặt, các ứng viên đã được hướng dẫn đăng ký hồ sơ, khai thông tin và làm các thủ tục đăng ký thi đầu vào. Đây sẽ là chương trình đào tạo khóa 4, Chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ Quản lý công giữa Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và ĐH Uppsala (Thụy Điển).

M.T