Trang tin tức sự kiện
 
Gặp gỡ tân Bí thư Đoàn Trường ĐHKT nhiệm kỳ 2012 - 2014

Chị Nguyễn Thị Vũ Hà (phải) trao giải cho sinh viên ĐHKT trong "Hội thao UEB"
"Áp lực là điều đương nhiên đối với một Bí thư Đoàn, tuy nhiên, nếu đó là người có tâm huyết với các phong trào, hoạt động của sinh viên, được sinh viên tín nhiệm và hỗ trợ thì áp lực ấy sẽ không còn là vấn đề nữa” - đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Vũ Hà - Bí thư Đoàn Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong cuộc trao đổi với chúng tôi về công tác Đoàn trường nhiệm kỳ VI (2012 - 2014). Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:


- Chào chị, tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐHKT lần VI vừa qua, chị đã được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn trường, chị cảm thấy thế nào khi đảm nhận vị trí quan trọng này?
Chị Nguyễn Thị Vũ Hà:
Đây không phải là lần đầu tôi đảm đương cương vị Bí thư Đoàn thanh niên. Trước đây tôi đã có một thời gian khá dài gắn bó với hoạt động Đoàn thanh niên của Khoa Kinh tế - ĐHQGHN, tiền thân của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ngày nay. Đây thực sự là một công việc mang lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Trở lại làm Bí thư đoàn trường nhiệm kỳ 2012 - 2014
tôi có chút trăn trở: Sinh viên hiện nay rất năng động và cần được phát triển về mọi mặt. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tôi sẽ phải thật cố gắng để có thể tạo được các phong trào, hoạt động phù hợp và lôi cuốn sinh viên tham gia. Qua các hoạt động, sinh viên trong trường vừa có thể phát huy được vai trò, bản lĩnh của mình, vừa thể hiện được thương hiệu sinh viên ĐHKT. Bởi sinh viên ĐHKT có “đầu vào” tốt, tham gia và tổ chức nhiều hoạt động, nhưng thực tế mà nói thì vẫn chưa có nhiều cơ hội thể hiện được tôi trong những sân chơi lớn.
- Chị có nói làm lãnh đạo phong trào Đoàn mang lại cảm xúc khác nhau, vậy cảm xúc đó là gì?

Chị Nguyễn Thị Vũ Hà:
Mỗi chương trình đi qua đều để lại cho tôi những dư âm của nó. Đó là “niềm vui” khi sinh viên của tôi thành công và đạt được các giải thưởng cao trong các cuộc thi. Đó là “sự lo lắng” mỗi khi đội sinh viên tình nguyện làm nhiệm vụ tại những nơi vùng sâu vùng xa vùng khó khăn của Tổ quốc. Nhưng đó cũng là “nỗi buồn” khi sinh viên vì quá mải hoạt động và tổ chức phong trào mà không đạt được kết quả cao trong học tập, hay “trăn trở” mỗi khi tổ chức các hoạt động nhằm định hướng lối sống, cách suy nghĩ cho sinh viên…
- Vậy đảm nhiệm vị trí Bí thư Đoàn trường nhiệm kỳ này, chị đã có kế hoạch gì để giúp sinh viên ĐHKT thể hiện được bản lĩnh của
mình đồng thời cân bằng giữa hoạt động đoàn và học tập?

Chị Nguyễn Thị Vũ Hà:
Trong thời gian tới, trước hết, Đoàn Thanh niên Trường ĐHKT sẽ tập trung vào công tác tổ chức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ đoàn thông qua các hoạt động thực tế như giao cho các cán bộ đoàn, các liên chi đoàn đứng ra đảm nhiệm các công việc do đoàn trường tổ chức. Đồng thời, đào tạo đội ngũ cán bộ đoàn còn thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của các Liên chi đoàn. Có thể nói, phong trào hoạt động tại các liên chi đang diễn ra rất sôi nổi. Liên chi Đoàn Khoa TCNH đã tổ chức thành công cuộc thi “SV Tài chính - Ngân hàng”, Liên chi Đoàn Khoa KTPT tổ chức thành công cuộc thi “360º Kinh tế Phát triển”, Liên chi Đoàn Khoa KT&KDQT, Khoa QTKD và Khoa KTCT cũng đã lên kế hoạch cho một số chương trình hấp dẫn khác.
Tiếp đó, Đoàn trường sẽ chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động để sinh viên ĐHKT thể hiện bản lĩnh của
mình, đẩy mạnh thương hiệu sinh viên ĐHKT về học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Trong đó quan trọng nhất là làm chủ tri thức, đặc biệt là các kiến thức chuyên ngành. Tôi hy vọng rằng, sinh viên chương trình đạt chuẩn quốc tế, sinh viên chương trình chất lượng cao sẽ tích cực tham gia và là những người đi đầu trong các hoạt động này. Hiện tại, Đoàn đã lên kế hoạch khởi động lại cuộc thi “Eco Test and Games” sau một thời gian bị gián đoạn và dự kiến tổ chức vào năm học tới.
Bên cạnh đó, mảng nâng cao thể chất và phong trào thể thao cho sinh viên cũng sẽ được quan tâm với một số điểm mới. Trong học kỳ tiếp theo, Đoàn trường cũng cố gắng phối hợp với Nhà trường xây dựng cảnh quan tại khu giảng đường đẹp hơn, các chi đoàn cũng có thể đóng góp cho việc xây dựng này như tổ chức giảng đường xanh, lớp học xanh…

Các hoạt động sẽ được tổ chức xen kẽ nhau, phân bổ đều cho các Liên chi đoàn với thời gian hợp lý trong suốt năm học để không làm ảnh hưởng đến thời gian học và thi của sinh viên, đặc biệt là các cán bộ đoàn - những người phải chịu trách nhiệm nhiều nhất trong mọi hoạt động.  


Hoạt động tại các liên chi đoàn sẽ được đẩy mạnh


- Ban Chấp hành mới vừa đi vào hoạt động một thời gian ngắn nhưng Đoàn trường đã tổ chức khá nhiều chương trình như: cuộc thi “Tài sắc - Hương sắc UEB”, “Hội thao UEB”, cuộc thi “Cán bộ Đoàn giỏi”… Có vẻ như Đoàn trường đang hướng tới đẩy mạnh các hoạt động Văn - Thể - Mỹ cho sinh viên?

Chị Nguyễn Thị Vũ Hà:
Thực ra, những cuộc thi này không chỉ hướng tới các hoạt động Văn - Thể - Mỹ mà còn nhằm mục đích nâng cao nghiệp vụ công tác đoàn cho sinh viên như tôi đã nói. Trong Đại hội Đoàn trường vừa rồi có một tham luận của sinh viên cho rằng: cán bộ đoàn hiện nay dường như đều trưởng thành từ phong trào là chính, chứ không qua lớp đào tạo. Vì vậy, những chương trình này, đặc biệt là cuộc thi “Cán bộ đoàn giỏi” với những câu hỏi liên quan đến Đoàn Thanh niên, nghiệp vụ đoàn, Trường ĐHKT và về BCH Đoàn trường hiện tại, hay các phần chơi về kỹ năng hoạt động nhóm… sẽ giúp các cán bộ đoàn có thể hiểu biết hơn vai trò, nhiệm vụ của mình, từ đó đề ra phương hướng hoạt động cho chi đoàn.
Hầu hết các chương trình vừa qua đều do các cán bộ đoàn là sinh viên ĐHKT đảm nhiệm. Các em tự lên kế hoạch, tự triển khai thực hiện. Bản thân những người làm lãnh đạo như chúng
tôi, với tư cách là người đã có kinh nghiệm chỉ tham gia hướng dẫn thêm cho các em mà thôi. Tôi cho rằng, qua các hoạt động đó, chính các em sẽ trưởng thành hơn trong công tác Đoàn.
- Các hoạt động vừa qua của Đoàn thu hút được đông đảo sinh viên tham gia và nhận được phản hồi tốt. Chị có nghĩ đây là bước khởi đầu thuận lợi?

Chị Nguyễn Thị Vũ Hà: Đây là một bước khởi đầu tốt nhưng cũng là một thách thức lớn vì mọi người đều kỳ vọng là chương trình sau sẽ phải tốt hơn chương trình trước.
- Vậy chị nghĩ sinh viên ĐHKT liệu có “khó chiều”?

Tôi sẽ không gọi đó là “khó chiều”, bởi mỗi hoạt động của Đoàn khi lên kế hoạch và triển khai đều có sự đóng góp ý kiến của các em, đặc biệt là các cán bộ Đoàn nên diễn ra khá suôn sẻ. Sau mỗi hoạt động, BCH Đoàn đều họp và rút ra những ưu điểm và hạn chế, từ đó có hướng khắc phục để những hoạt động sau được chất lượng hơn.
- Việc vừa làm giảng viên, vừa làm Bí thư Đoàn có giúp chị thuận lợi gì trong công việc không?
Chị Nguyễn Thị Vũ Hà: Chắc chắn là thuận lợi rồi. Vì là giảng viên nên tôi có cơ hội tiếp xúc với sinh viên nhiều, hiểu được tâm tư tình cảm của sinh viên nên việc xây dựng và triển khai hoạt động Đoàn cũng thuận lợi và đúng với nguyện vọng của các em hơn. Đặc biệt, nhiều cán bộ Đoàn vừa gọi tôi là chị vừa gọi là cô ấy chứ. Việc khó khăn nhất bây giờ với tôi có lẽ là sắp xếp hợp lý thời gian để vừa hoàn thành tốt vai trò giảng viên và Bí thư Đoàn trường, và đương nhiên là cả vai trò của người phụ nữ trong gia đình nữa!
- Một câu hỏi riêng tư nhé, chị có cảm thấy “áp lực” khi là một thủ lĩnh  Đoàn?
Chị Nguyễn Thị Vũ Hà:
Tôi cũng nghĩ rằng, áp lực là điều đương nhiên đối với một Bí thư Đoàn, tuy nhiên, nếu đó là người có tâm huyết với các phong trào, hoạt động của sinh viên, được sinh viên tín nhiệm và hỗ trợ thì áp lực ấy sẽ không còn là vấn đề nữa.
- Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị! Chúc Đoàn  Thanh niên Trường ĐHKT sẽ hoạt động ngày càng hiệu quả, đóng góp hơn nữa vào sự phát triển chung của nhà trường!


Đỗ Đỗ (Thực hiện)