Trang tin tức sự kiện
 
Tết với những sinh viên ở lại trường

Ảnh: IT
Sinh viên không về quê, ở lại TP.HCM ăn tết không phải là quá hiếm, chủ yếu là sinh viên miền Bắc vào Nam học. Lý do chủ yếu là do kinh tế của gia đình quá khó khăn. Với họ, những ngày tết sắp đến rồi sẽ dài đằng đẵng...


Mới rằm tháng chạp nhưng cơ hồ nắng ấm giêng hai đã bò qua cửa sổ. Sắc xuân ấm áp đã bắt đầu len lỏi trong cái se sắt của buổi sáng cuối đông. Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh viên thuộc Thành đoàn TNCS TP.HCM từ giữa tháng 12 âm lịch, 3.000 vé xe giúp sinh viên nghèo về tết đã được trao gần hết.
Không thiếu những khuôn mặt rạng rỡ, những niềm vui, hạnh phúc bất ngờ của những người được cầm tấm vé trên tay. Nhiều nhóm sinh viên vừa hoàn tất kỳ thi học kỳ, đang tíu tít rủ nhau đi sắm tết, nôn nao đợi ngày về quê sum họp với gia đình.
Nhưng cũng có đôi người len lén quay đi, len lén giấu một tiếng thở dài: "Tôi có chờ đâu, có đợi đâu...”. Với họ, những ngày tết sắp đến rồi sẽ dài đằng đẵng. Họ là những sinh viên, vì nhiều lý do, sẽ không về quê ăn tết... "Quê nhà xa lắc, xa lơ"
Nguyễn Trọng Thắng - sinh viên năm thứ 5, Khoa Bác sĩ thú y Trường Đại học Nông lâm vừa đi phụ đám cưới về. Thở hổn hển vì mệt, Thắng tiếp chuyện tôi trong phòng trọ thiếu ánh sáng với những dãy giường tầng đặc trưng.
Quê Thắng ở Hải Dương. Cả 4 cái tết trước, Thắng đều ăn tết tại TP.HCM. Tết năm nay, quê nhà với anh vẫn sẽ chỉ là nỗi nhớ. Hỏi sao không về, Thắng không trả lời thẳng vào câu hỏi mà chợt buồn buồn: "Chưa bao giờ có ai hỏi những chuyện ấy. Bây giờ bạn hỏi, giống như khơi lại một góc đã ngủ quên, nghĩ cũng thú vị mà cũng buồn buồn!".
Nhà Thắng có bốn người, bố về hưu, mẹ già yếu, một mình Thắng vào TP.HCM ăn học, lúc nào cũng canh cánh lo ở nhà không ai đỡ đần bố mẹ. Học xong phổ thông thi không đậu đại học, Thắng xin vào làm công nhân. Thắng nói: "Đi làm như một lao động thực thụ, mình mới biết rõ giá trị của đồng tiền. Đêm đầu tiên sau buổi nhận lương tháng đầu, mình đã khóc, hiểu và thương bố mẹ hơn rất nhiều".
Thắng trở thành sinh viên khi đang là một công nhân, vừa học vừa làm thêm. Học kỳ đầu kết thúc, đã áp tết, không có tiền về quê, Thắng theo bạn xuống Biên Hòa làm lơ xe tải luôn. Vui nhiều mà mệt cũng nhiều. Đi cả ngày, xe tải chở hàng lại xóc như cưỡi ngựa, Thắng không quen, thế là ngủ gà ngủ gật, bị la suốt.
Năm đó 19 tuổi, buồn thì có buồn, nhưng cầm được đồng tiền do chính mình làm ra, nghĩ về gia đình mình, chàng sinh viên lại thấy tự tin và vững vàng lên nhiều. Có điều nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè, nhớ không khí tết ở quê quay quắt.
Nhớ thì nhớ, nhưng tết năm sau chàng vẫn không về mà ở lại đi trông xe ở siêu thị để kiếm tiền. Công việc kéo dài từ sáng sớm đến tận khuya, cuối năm siêu thị đông khách, mệt bã cả người. Có lúc mệt quá làm đổ xe, bị khách la um lên, bị trừ tiền lương, càng thấy cực.
Tết nhất cũng muốn tiêu hoang một chút, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Thắng bảo: "Đồng tiền thấy quý trọng lắm, mồ hôi nước mắt của mình làm ra, đóng học phí, phải dành đề đóng tiền nhà, không hoang phí được”.
Sinh viên không về quê, ở lại TP HCM ăn tết không phải là quá hiếm, chủ yếu là sinh viên miền Bắc vào Nam học. Lý do chủ yếu là do kinh tế của gia đình quá khó khăn. Để nuôi con ăn học bằng bạn, cả nhà có khi phải vay nợ khắp nơi nhịn ăn nhịn mặc.
“Ở quê, một người vô đại học, mỗi năm tiêu tốn đến cả mấy tấn lúa. Nhà nào con cái học càng cao thì nhà càng nghèo đi trông thấy". Nguyễn Thị Phương (Khoa Lưu trữ, sinh viên năm 3, Trường ĐHKHXH&NV) bảo thế. Đó là nói những nhà có đất, có ruộng. Nhà Phương thậm chí càng khó khăn hơn. Nhà 4 miệng ăn nhưng không có đất, cả gia đình sống nhờ tài buôn khôn bán khéo của mẹ.
Để đỡ đần, Phương phải tự lo cho mình. Phương không đắn đo lắm với quyết định ở lại ăn tết với TP.HCM. Nhưng cả nhà cô thì thật sự cũng hơi sốc trước quyết định của cô con gái lớn. Đứa em điện vào lo lắng: "Tết vắng chị Phương, việc chuẩn bị, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa ai lo?".
Năm trước, cô xin làm bưng bê phụ quán cơm tấm. Cận tết, quán nghỉ, Phương lại chạy khắp nơi tìm công việc mới, may nhờ một người bạn chỉ vào Suối Tiên bán bóng bay chứ không thì chắc không chịu được cảnh bó gối ngồi không ở ký túc xá.
Năm nay kinh nghiệm tìm việc đã "đầy mình", "chương trình hoạt động" (nói thẳng ra là làm thêm kiếm tiền), từ nay đến hết tết của Phương đã kín mít, cũng đỡ phải lo. Bán bóng bay cho mấy em nhỏ ở hội chợ, công viên thấy mình cũng vui lên. "Nhìn mấy đứa nhỏ ngây thơ nhí nhảnh, vậy buồn sao được!”, Phương cười, “nhưng cũng vì thế mà hay nhớ con em út ở nhà...".
Tết với ai cũng là một dịp quan trọng nhưng với Phương đó còn là cơ hội. "Dù gì ngày tết lương cũng thường cao hơn. Được hơn một triệu cũng đủ tiền đóng tiền ký túc xá kỳ hai, rồi mua sách...".
Lý do của Nguyễn Thành Đồng, sinh viên năm 3 Khoa Báo chí, ĐH KHXH &NV thì đơn giản hơn. Chạy đôn chạy đáo tìm việc nhưng không được, không có tiền về đành ở lại một mình trong phòng trọ ngột ngạt hết những ngày tết, thấy "ngày nào cũng dài như một thế kỷ...". Nhưng biết làm sao. Cả đi lẫn về hết ngót nghét một triệu, mất đứt tiền ăn tết của gia đình.
Thế là chẳng suy nghĩ nhiều, cậu quyết định ở lại, đỡ tốn tiền và có thể có một việc làm gánh đỡ phần nào cho bố mẹ. Quê Đồng ở miền biển Hà Tĩnh, hồi trước, biển không động, giá cả chưa tăng, bố mẹ còn lo nổi cho ba anh em cùng đi học. Từ ngày thất bát, bố mẹ phải chạy vạy khắp nơi, vẫn còn đang nợ ngân hàng 8 triệu đồng. "Mình về, chưa kịp vui bố mẹ lại phải lo", Đồng chùng giọng, nói nho nhỏ...
Hồi còn là sinh viên của Trường RMIT Nguyễn Thế Thanh, hiện đang làm việc tại Đại sứ quán Mỹ, đã có thâm niên 2 năm ở lại TP. HCM làm thêm, không về quê ăn tết. Thanh vừa học vừa làm phụ hồ, lương 60 ngàn/ngày cũng đủ để trang trải. Những ngày giáp tết, Thanh xin vào làm ở quán cà phê Sao Sài Gòn và sau tết trụ lại ở đó luôn, lương 1,2 triệu/tháng, cũng đủ để Thanh không phải xin đến tiền phụ cấp của bố mẹ.
Tết năm 2006, Thanh xin vào vũ trường, làm DJ (chỉnh âm thanh) nhạc cho khách nhảy. Công việc không nặng nhọc nhưng chiếm hết 2/3 quỹ thời gian. Bù lại Thanh học được rất nhiều, mở rộng được mối quan hệ, mở rộng được tầm mắt, và nâng cao được trình độ tiếng Anh, đó cũng là tiền đề cho công việc của mình bây giờ ở đại sứ quán. Với Thanh, ở lại tết, đi làm thêm chính là một dịp thử thách, tự khẳng định mình.
Cũng chung suy nghĩ ấy, Lê Văn Hùng, lớp K32 Sử, Trường Đại học Sư phạm đã có 3 năm ở lại thành phố, dù Hùng mới chỉ là sinh viên năm thứ 2. Lớn tuổi hơn những bạn cùng lớp nên cách nói năng của Hùng cũng có vẻ già dặn, chững chạc hơn.
"Chưa thành đạt chưa về", Hùng nói, "Năm nay Hùng cũng sẽ ở lại". Hùng sẽ phụ người bác chở hoa, cây cảnh về thành phố bán. Cảm giác đem xuân về cho người khác khiến anh chàng này cảm thấy hạnh phúc, buồn nhưng đổi lại Hùng thấy mình lớn lên nhiều.
Thật ra không phải ai ở lại cũng đều vì khó khăn. Hai lãng tử đang học ngành báo chí là Lan Phương, Lê V. Sơn chung ý tưởng ở lại để “thử một lần cho biết” để tìm sự tự do, tìm hiểu cuộc sống xung quanh. Sơn cười: “Về tết hả? Không! Sơn đã có một kế hoạch ở lại hoành tráng rồi. Chờ đi, sau tết biết đâu sẽ đọc được một tác phẩm mới của Sơn trên báo đấy”.
Với sinh viên Nguyễn Công Tường thì "tết cổ truyền nhạt đi nhiều quá”. Ba năm qua, Tường không về quê một lần, mà một mình phiêu bạt khắp Đà Lạt, Nha Trang, Đắk Lắk tìm thú cô đơn của kẻ lãng tử. Không nói ra, người ta cũng hiểu, những "lãng tử bất đắc dĩ" hình như là những người kém may mắn ở một góc độ chẳng liên quan gì đến chữ vật chất hay khái niệm khó khăn. Hiểu thôi, chứ không dám hỏi.


ST