Trang tin tức sự kiện
 
Văn hóa đọc của teen

Trong thời đại hiện nay sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet - một mạng lưới thông tin khổng lồ giúp ta dễ dàng tiếp cận được những thứ mình cần với khối lượng kiến thức khổng lồ bạn có thể tìm ở bất kì đâu, chỉ cần lên Google, gõ vào ô tìm kiếm những từ khóa mà bạn muốn, mọi thứ hiện ra nhanh chóng, 1 cú click bạn có thể có cả thế giới trong tầm tay. Vậy đó có phải là lí do mà văn hóa đọc ngày càng rời xa giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi teen 9x.


Trước hết, là sự bùng nổ của các sản phẩm văn hóa hiện đại như phim ảnh, băng đĩa, ca nhạc, internet, games... đã thâm nhập sâu sắc vào lĩnh vực giải trí của con người, đặc biệt là của thanh thiếu nhi, khiến cho văn hóa đọc đang có nguy cơ ngày càng bị mai một trong giới trẻ.

Văn hóa nghe nhìn là một “kênh thông tin” cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay. Nó khiến giới trẻ dễ dàng hơn trong việc tiếp thu những kiến thức mới nhưng đó cũng là lí do văn hóa nghe nhìn bị kết án đã lấn át văn hóa đọc. Giới trẻ thường chỉ đọc theo kiểu hưởng thụ hơn là nghiền ngẫm, thiếu đi sự sâu sắc và sự thụ động trong việc đọc sách của giới trẻ thường làm họ thấy khó tiếp cận với những tác phẩm kinh điển. Thêm vào đó, sự phát triển vũ bão của internet càng làm giới trẻ “lười” hơn với việc ngồi trong thư việc để đọc một quyển sách. “Chỉ riêng việc đọc giáo trình, nghiên cứu thêm một số tài liệu mà thầy giáo cho đọc thêm đã rất bận rồi. Rảnh rỗi, em lên thư viện đọc tạp chí Hoa Học Trò, báo Tuổi Trẻ hoặc lướt web kiếm thông tin giải trí. Đọc sách phải có hứng thú, không có hứng thì sao "nạp" được”. Như lời tâm sự của một bạn trẻ với chúng tôi. Dường như việc đọc sách ngày càng trở nên là thứ xa xỉ đối với học sinh, sinh viên.

Thứ hai, đó chính là việc đọc sách theo phong trào. Đọc theo trào lưu và nguy hiểm hơn là giới trẻ không có sự chọn lọc trong việc đọc sách, điều đó còn tạo nên một phong trào xấu hơn cả việc lười đọc sách nếu cuốn sách đó không mang nội đung giá trị phù hợp đối với văn hóa Việt sẽ tạo ảnh hưởng xấu đối với suy nghĩ tư tưởng và hành động của một bộ phận giới trẻ. Chúng ta hãy cứ thử nhìn vào các thể loại của các tác giả trong và ngoài nước cũng lập tức tạo được cơn sốt đối với giới trẻ như tập truyện ngắn Nhật ký son môi (2010) và Cho em gần anh thêm chút nữa (2009) của tác giả Gào hay những truyện Xin lỗi, em chỉ là con đĩ, Yêu anh hơn cả tử thần… của tác giả Tào Đình (Trung Quốc), Rừng Nauy của tác giả Murakami (Nhật Bản).

Chúng đã tạo thành một làn sóng mạnh trọng bộ phận giới trẻ nhưng đọc, cảm nhận một cách hời hợt và kéo theo đó là sự lãng quên giá trị của tác phẩm khi trào lưu qua đi, và những câu đối thoại về quyển sách đó chỉ đơn giản là câu hỏi: “Mày đọc quyển truyện kia chưa?” và trả lời: “Đọc rồi”. Đôi khi sự “thiếu trách nhiệm” trong việc đọc cũng khiến giới trẻ có những cái nhìn lệch lạc của tác phẩm, nhất là khi vấn đề “tình dục” đang được các tác giả hướng đến như một thứ “gia vị” để tăng sức hấp dẫn cho cuốn sách.

 Khi được hỏi lí do tại sao lại tìm đến những cuốn sách đang “làm mưa làm gió” trên thị trường, một bạn trẻ đã trả lời rất ”thật” với chúng tôi rằng: “Đọc những cuốn sách đó vì thấy nhiều người cũng tìm đọc, đọc để khi người ta bàn luận về chúng mình không bị “lép”. Và hơn nữa, phải đọc những cuốn sách đó mình mới cảm thấy bằng bạn bằng bè và cũng là cách để mình theo kịp thời đại” – chính những suy  nghĩ đó là một phần nguyên do khiến giới trẻ đọc sách và cảm nhận chúng một cách hời hợt.

Với tốc độ sống gấp gáp và việc cuốn theo những thú vui của cuộc sống, dễ dàng hơn so với việc đọc một cuốn sách. Nhiều bạn lại cho rằng các bạn có đọc nhưng truyện tranh, tiểu thuyết tình cảm, hay những cuốn sách về tình cảm dễ cuốn hút so với việc cảm nhận một tác phẩm văn học hay một cuốn sách khoa mang nặng tính phân tích tư duy có giá trị. Một số học sinh, sinh viên mà mình gặp cho biết, lúc rảnh rỗi, cô bạn chỉ thích đọc truyện ngắn đang hot trên mạng. Còn Phương Thảo (lớp 12) lại chỉ “kết” truyện tranh Nhật Bản vì vui nhộn. Hai bạn cũng cho biết truyện tranh ngoài ưu điểm dễ cảm nhận kết cấu truyện đơn giản, truyện tranh còn có hình ảnh minh họa tình tiết, sống động. Nhiều bạn sinh viên cho rằng giáo trình là quá đủ thậm chí còn chưa sờ đến huống gì là những cuốn sách tham khảo khác.

Còn với nhà viết sách, biên soạn sách, xuất bản sách góp phần đọc giả lười đọc, nhiều cuốn sách xuất bản với những giá trị nội dung chưa thực sự sâu sắc, nhiều tác phẩm chủ yếu sưu tầm, tập hợp các sách khác làm thị trường sách phong phú hơn nhưng lại thành hỗn độn, phức tạp hơn cho sự lựa chọn sách từ giới trẻ. Và vấn đề sách lậu vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối của thị trường sách hiện nay. Đó chính là nguyên nhân thứ ba ảnh hướng đến văn hóa đọc của giới trẻ VN.

 Nói đi thì cũng phải nói lại, không phải là không có những bạn trẻ yêu sách, không thiếu các bạn trẻ đi tìm giá trị đích thực của những cuốn sách với niềm say mê thích thú và ham muốn được học hỏi từ những cuốn sách mà các bạn đã đọc. Mỗi cuốn sách như một kho tàng tri thức nó chứa đựng những tinh túy của cuộc sống nếu chúng ta biết cảm nhận nghiền ngẫm một cách sâu sắc sau khi đọc xong một cuốn sách.

Thanh (HVNH) có một sở thích khi stress đó là mua và tìm đọc sách. Dù là một dân kinh tế nhưng bạn không chỉ tìm đọc những cuộc sách về chuyên ngành của mình đang học mà còn tìm đọc thêm những cuốn sách về kĩ năng sống, sách văn học VN, văn học nước ngoài kể cả những cuốn sách được coi là “cổ“ bạn cũng cố tìm để đọc nhưng điều quan trọng nhất. Thanh luôn có sự chọn lọc các tác phẩm mà mình đọc. Qua những cuốn sách, Thanh đã học hỏi được rất nhiều về ngôn ngữ, giá trị nội dung, giá trị cuộc sống, tri thức của những cuốn sách mà bạn đã đọc qua. Nó tích lũy thêm cho Thanh những bài học kinh nghiệm quí báu sau khi rời ghế giảng đường và bắt đầu với cuộc sống tự lập.

Học tập là một quá trình lâu dài, đọc sách cũng vậy, đó là một quá trình từ việc đọc, nghiền ngẫm và rút ra cho mình những chiêm nghiệm của bản thân từ sách. Không chỉ là tích lũy về kiến thức mà nó còn tăng cho chúng ta khả năng tư duy, khả năng sử dụng ngôn ngữ và kĩ năng sống cho mỗi thanh niên của thế hệ trẻ Việt Nam. Hãy đọc sách để nâng cao tầm hiều biết và tích lúy cho vốn kiến thức của mình, các bạn nhé!


Lê Thu Hà