Trang tin tức sự kiện
 
Tuyển nhân lực: Thiếu cầu nối giữa doanh nghiệp và sinh viên

Theo Hội Sinh viên Việt Nam, hiện chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp làm đúng chuyên ngành được đào tạo, còn lại chịu cảnh thất nghiệp hoặc làm trái nghề.
Một thực tế đang diễn ra trong lĩnh vực tuyển dụng hiện nay là sinh viên và cử nhân mới ra trường rất khó khăn khi tìm việc làm, trong khi nhiều doanh nghiệp có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực cũng không hề dễ dàng tìm người ưng ý.


Sinh viên ít cơ hội cọ xát
PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sở dĩ tồn tại thực trạng trên là do đang thiếu sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nên thiếu cầu nối giữa doanh nghiệp và sinh viên. Hay nói cách khác, nhu cầu về việc làm của sinh viên rất lớn nhưng cơ hội để các em tiếp cận doanh nghiệp không nhiều.
Ông Nhạ lấy ví dụ, nếu một trường đại học quan tâm đến vấn đề này thì ngay từ những năm thứ 2, thứ 3, sinh viên đã được tạo cơ hội tiếp cận với môi trường việc làm tuỳ theo ngành của mình tại các doanh nghiệp để được cọ xát và có thêm kinh nghiệm trước khi ra trường và chính thức đi làm. Tuy nhiên, không phải trường đại học nào cũng tạo được sự gắn kết này.
Tại festival tuyển dụng của 8 trường đại học thuộc khối ngành kinh tế trên địa bàn Hà Nội gần đây do Câu lạc bộ Nguồn nhân lực thuộc Đoàn thanh niên Đại học Ngoại Thương Hà Nội tổ chức cũng đã cho thấy  nhu cầu về việc làm, nhu cầu thử sức, cọ xát thực tế của sinh viên sau những kiến thức sách vở của rất lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Đoàn trường Đại học Ngoại thương, tại ngày hội tuyển dụng mà trường này tổ chức, hàng nghìn cử nhân và sinh viên khối kinh tế lập tức có mặt để tiếp cận với những cơ hội việc làm mà các doanh nghiệp đưa ra.
Với khu vực tuyển dụng full-time, bảng thông tin tuyển dụng và nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp với 110 đầu việc ứng với 1214 vị trí của 20 doanh nghiệp  xem ra vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu của các sinh viên năm cuối và cử nhân kinh tế mới ra trường.
Còn với các bạn sinh viên năm 1, 2, 3, nhu cầu có một việc làm parttime và thực tập cũng đáng kể. Có 433 vị trí tuyển dụng với 43 đầu việc nhanh chóng được lấp đầy.
Thiếu cầu nối giữa doanh nghiệp và sinh viên
Theo Hội Sinh viên Việt Nam, hiện chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp làm đúng chuyên ngành được đào tạo, còn lại chịu cảnh thất nghiệp hoặc làm trái nghề. Sở dĩ như vậy, theo các nhà tuyển dụng, nguyên nhân chính cũng do nhiều sinh viên thiếu các kỹ năng bên ngoài giảng đường.
Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), đơn vị tài trợ cho festival tuyển dụng dành cho sinh viên khối kinh tế nói trên cho rằng,  với sinh viên, sự cọ xát thực tế sẽ giúp các em có kinh nghiệm trước khi rời ghế nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay sinh viên Việt Nam vẫn thiếu những kinh nghiệm đó. Đây cũng là một trong những hệ quả của việc thiếu cầu nối giữa doanh nghiệp và sinh viên.
Vì thế, theo ông Liên, các hình thức như tổ chức các siêu thị việc làm hay festival tuyển dụng dành cho sinh viên là rất cần thiết để tạo cơ hội cọ xát thực tế cho sinh viên trước khi ra trường.
Cùng quan điểm với ông Liên, bà Phạm Tú Phương, Giám đốc Nhân sự Ngân hàng Tiên Phong chia sẻ, nhiều bạn sinh viên rất tự tin, nhưng vẫn trượt trong phỏng vấn tuyển dụng do thiếu kinh nghiệm. Số sinh viên bị trượt theo bà Phuơng phần lớn là tham gia phỏng vấn trực tiếp lần đầu và không hề có một chút kỹ năng, kinh nghiệm nào khi trả lời những câu hỏi từ phía nhà tuyển dụng.
Bà Phương cho rằng, các trường đại học, các tổ chức đoàn thanh niên cần tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho sinh viên tiếp cận thực tế thông qua các buổi giao lưu với  CEO, các buổi tham gia phỏng vấn thử và xử lý tình huống nơi công sở…
Đối với sinh viên khối kinh tế, theo bà Trần Hương Giang, chuyên viên phụ trách bộ phận phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng PG Bank thì các em nên tìm cơ hội để cọ xát với công việc của mình tại các doanh nghiệp ngay từ năm thứ 3.
Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, bà Giang cho biết, các bạn sinh viên năm 2, năm 3 đều có thể thử sức trong ngân hàng bằng cách tham gia chưong trình Future Bankers, từ đó có thể ứng tuyển làm việc trong ngân hàng.
Đại diện Ngân hàng Tiên Phong cũng chia sẻ, với những chương trình cho sinh viên vào ngân hàng thực tập, các bạn có cơ hội được làm cùng các anh chị nhân viên trong ngân hàng, được thể hiện mình, chứng tỏ năng lực bản thân trước lúc rời ghế nhà trường để trở thành một nhân viên ngân hàng thực sự. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là những cơ hội nói trên không phải sinh viên nào cũng biết.


(Theo Vneconomy)