Trang Nghiên cứu
 
Nghiên cứu so sánh về thực hành quản lý chất lượng giữa các nhà máy sản xuất của Việt Nam và Nhật Bản

Nhằm mục đích điều tra tác động của thực hành quản trị chất lượng tới kết quả hoạt động của các nhà sản xuất Việt Nam và Nhật Bản, nhóm nghiên cứu gồm PGS.TS. Phan Chí Anh và cộng sự đã áp dụng kỹ thuật thống kê để phân tích dữ liệu thu thập được từ 25 nhà máy sản xuất của Việt Nam và 22 nhà máy sản xuất của Nhật Bản trong khuôn khổ dự án nghiên cứu quốc tế về Sản xuất hiệu suất cao (HPM) trong giai đoạn 2014 - 2015.


 Kết quả nghiên cứu cho thấy có tác động tích cực từ sự tham gia của nhà cung cấp trong cải tiến chất lượng và kiểm soát quá trình nhưng có tác động tiêu cực từ thông tin phản hồi chất lượng, cải tiến liên tục và học hỏi tới kết quả hoạt động. Tác động của việc nhà cung cấp tham gia vào cải tiến chất lượng và thực hành phản hồi là khác nhau đáng kể giữa các công ty sản xuất của Nhật Bản và Việt Nam. Kết quả này cung cấp bằng chứng thực nghiệm về thực hành quản trị chất lượng thực hiện ở các quốc gia khác nhau và cung cấp một số hiểu biết sâu sắc về cải tiến chất lượng ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Toàn văn nghiên cứu được công bố trong bài báo có tiêu đề “A comparative study of quality management practices between Vietnamese and Japanese manufacturing plants”, đăng trên tạp chí “Int. J. Productivity and Quality Management” Vol.33, No.1 năm 2021.

Trong trường hợp của Việt Nam và Nhật Bản, đóng góp của quản lý chất lượng vào hiệu quả hoạt động sẽ khác nhau do các giai đoạn phát triển khác nhau của quản lý chất lượng. Có sáu yếu tố của một chu kỳ chất lượng (Leonard và McAdam, 2003), gồm:

  • Chấp nhận/áp dụng: khi một sáng kiến ​​chất lượng mới được triển khai.
  • Tái tạo: sáng kiến ​​chất lượng mới được sử dụng đồng thời với các hoạt động hiện có để tạo ra hiệu quả và năng lượng mới.
  • Gia tăng sinh lực: khi tổ chức tập trung lại và cung cấp các nguồn lực mới cho sáng kiến ​​chất lượng hiện có.
  • Trưởng thành: chất lượng được liên kết và triển khai một cách chiến lược trong toàn tổ chức.
  • Đình trệ: chất lượng không còn được định hướng chiến lược hoặc phù hợp:
  • Suy thoái: khi hệ thống quản lý chất lượng có tác động hạn chế và đang chờ chấm dứt.

Quản trị chất lượng ở Việt Nam đã được quan tâm từ giai đoạn 1990 với Thập kỷ Chất lượng được khởi xưởng năm 1995. Hiện nay, các tổ chức của Việt Nam đang tiếp tục áp dụng các sáng kiến ​​chất lượng mới và sử dụng cùng với những cái hiện có để tạo ra lợi ích lớn hơn cho các tổ chức doanh nghiệp. Mặc dù quản trị chất lượng được áp dụng tại các tổ chức khác nhau có thời gian trải nghiệm khác nhau với các hoạt động chất lượng khác nhau, nhưng thường được xác định là trong giai đoạn tái tạo và cung cấp năng lượng của vòng đời chất lượng. Tương phản với Việt Nam, Nhật Bản đã bắt đầu khái niệm quản trị chất lượng toàn diện từ đầu thập niên 1960 và đã đạt được nhiều lợi thế về chất lượng trên thị trường toàn cầu trong thập niên 1980 - 1990. Các công ty Nhật Bản đang áp dụng rộng rãi các sáng kiến ​​chất lượng trong các tổ chức và thường được xác định là đang ở giai đoạn trưởng thành hoặc giai đoạn sau trưởng thành của vòng đời chất lượng ngày nay. Ở các giai đoạn khác nhau của vòng đời chất lượng, sự quan tâm và đầu tư vào quản lý chất lượng ở các công ty Việt Nam và Nhật Bản cũng khác nhau.

Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp Việt Nam dường như nhận được tác động mạnh mẽ hơn từ thông tin phản hồi chất lượng và sự tham gia của nhà cung cấp trong việc cải tiến chất lượng. Lý giải cho sự khác biệt về vai trò của quản trị chất lượng có thể đến từ khác biệt về vòng đời chất lượng tại doanh nghiệp của hai quốc gia. Các công ty Nhật Bản đang áp dụng rộng rãi các sáng kiến ​​quản trị chất lượng trong các tổ chức và được xem là ở giai đoạn trưởng thành của vòng đời chất lượng. Các doanh nghiệp Việt Nam thường được xem là đang trong giai đoạn phát triển của vòng đời chất lượng khi hầu hết các doanh nghiệp cung cấp nguồn lực để thực hiện các sáng kiến ​​chất lượng đồng thời với các thực hành chất lượng hiện có nhằm tạo ra hiệu quả và lợi ích mới. Do đó, chi phí và lợi ích từ hệ thống quản trị chất lượng cũng khác nhau ở hai quốc gia.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại chỉ ra rằng không có khoảng cách lớn giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Nhiều khả năng Việt Nam đang có lợi thế đi sau, được thừa hưởng những công nghệ và kiến ​​thức tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu,... Dự kiến ​​ảnh hưởng từ quản trị chất lượng ban đầu sẽ tốn kém hơn nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các tổ chức đang trong giai đoạn phát triển như các doanh nghiệp Việt Nam. Trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng bắt kịp các tiêu chuẩn toàn cầu trong tương lai gần theo quan điểm của thuyết hội tụ.

 

>> Xem chi tiết: Nguyen, M.H., Phan, A.C. and Matsui, Y. (2021), “A comparative study of quality management practices between Vietnamese and Japanese manufacturing plants,Int. J. Productivity and Quality Management, Vol. 33, No. 1, pp.127-156.

 


- Tác giả bài báo:

TS. Nguyễn Huệ Minh: Đại học Tổng hợp Quốc gia Yokohama, Nhật Bản

PGS.TS. Phan Chí Anh: Trường ĐHKT - ĐHQGHN

GS. Matsui Yoshiki: Đại học Tổng hợp Quốc gia Yokohama Nhật Bản

- Trong đó, tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN:

 
 

PGS.TS. Phan Chí Anh: Hiện công tác tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Ông có 25 năm kinh nghiệm thực hành, nghiên cứu, tư vấn, đào tạo về quản trị và cải tiến năng suất chất lượng tại doanh nghiệp.

Các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu của ông gồm: Quản trị sản xuất tác nghiệp, Quản trị chất lượng, Quản trị chuỗi cung ứng, Cải tiến năng suất doanh nghiệp.

Ông là tác giả của hơn 50 công bố nghiên cứu, trong đó có 23 công trình được đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế như: International Journal of Production Economics, Supply Chain Management: An International Journal, International Journal of Productivity and Quality Management,… với hơn 1.200 trích dẫn khoa học

(https://scholar.google.com/citations?user=p4LESeQAAAAJ&hl=vi)




Các tin khác

<1234>