Trang Nghiên cứu
 
Tác động tương tác giữa các yếu tố kinh tế vĩ mô và kết quả hoạt động của tổ chức đến giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam

Trong giai đoạn 2009-2020, giá cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết tại Việt Nam diễn biến khá phức tạp cùng với tình hình kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế một mặt có tác động tích cực đến biến động giá, mặt khác được thúc đẩy hoặc bị suy yếu đi trong khi tương tác với kết quả hoạt động của tổ chức, thu nhập và rủi ro thị trường của cổ phiếu ngân hàng. Vấn đề này đã được TS. Nguyễn Phú Hà đề cập trong bài báo “Impact of macroeconomic factors and interaction with institutional performance on Vietnamese bank share prices” đăng trên tạp chí Banks and Bank Systems, Scopus.


So với các nghiên cứu trước, nghiên cứu này cho thấy việc ứng dụng kết hợp giữa các biến đại diện cho tình hình kinh tế vĩ mô với kết quả hoạt động kinh doanh ngân hàng và thu nhập - rủi ro thị trường của cổ phiếu định vị được một bức tranh rõ nét hơn. Khi mô hình hồi quy bình phương nhỏ nhất hai giai đoạn (2SLS) được sử dụng cùng với số liệu bảng trong 43 quý trong giai đoạn 2009-2020, 4 biến công cụ đại diện cho tình hình kinh tế vĩ mô bao gồm GDP, giá vàng, VnIbor và tỷ giá hối đoái USD/VND, còn các biến đại diện kết quả hoạt động kinh doanh ngân hàng bao gồm quy mô vốn chủ sở hữu, quy mô tiền gửi, cho vay, nợ xấu, đòn bẩy tài chính, hệ số an toàn vốn, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, thu nhập, rủi ro thị trường của cổ phiếu sẽ giúp xác định được quy mô và mức độ tác động tích cực, tiêu cực của chúng đến biến động giá cổ phiếu ngân hàng.

Thông qua nghiên cứu này, một số khuyến nghị được rút ra cho các ngân hàng niêm yết tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, đối với các ngân hàng niêm yết, việc tăng vốn điều lệ không phù hợp thời điểm sẽ kéo theo những diễn biến xấu trong giá cổ phiếu, do đó một chiến lược tăng vốn hiệu quả luôn phải bám sát các chuyển động trong giá. Thời điểm phát hành bổ sung cần được cân nhắc triệt để với tăng trưởng GDP, diễn biến tình hình lãi suất thị trường, cung cầu ngoại tệ, giá vàng cũng như khả năng kiểm soát tín dụng và các tỉ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Việc tìm kiếm cấu trúc vốn tối ưu theo các nguồn tài trợ cũng là điều kiện tiên quyết giúp cổ phiếu ngân hàng vững giá, tạo tâm lý tốt cho đối tác chiến lược và nhà đầu tư.

Thứ hai, về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc duy trì chính sách tiền tệ hợp lý, đảm bảo sự can thiệp kịp thời, đúng lúc vào thị trường vàng, thị trường ngoại hối góp phần tích cực duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, thúc đẩy tác động tích cực đến biến động giá cổ phiếu ngân hàng.

 

>> Xem bài báo:

Nguyen Phu Ha (2021), “Impact of macroeconomic factors and interaction with institutional performance on Vietnamese bank share prices”, Banks and Bank Systems, 16(1), 127-137.

 


 

Thông tin tác giả:

 

TS. Nguyễn Phú Hà: Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. TS. Nguyễn Phú Hà tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Kyushu Nhật Bản; tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học State Malolos Bulacan, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh. Cô đã công bố 6 bài báo quốc tế (trong đó có 4 bài Scopus) và 20 bài báo trong nước, với hướng nghiên cứu chính là tín dụng, quản trị rủi ro, đầu tư tài chính.





Các tin khác

<123>