Trang Nghiên cứu
 
Tác động của tình trạng manh mún đất đai đến an ninh lương thực vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ, Việt Nam

Việc tìm hiểu tình trạng đất đai manh mún ảnh hưởng như thế nào tới an ninh lương thực có ý nghĩa quan trọng đối với việc thiết kế các chính sách liên quan, tuy nhiên ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này. Bài báo của tác giả Trần Quang Tuyến và Vũ Văn Hưởng với tiêu đề “The impact of land fragmentation on food security in the North Central Coast, Vietnam” đăng trên tạp chí Asia & the Pacific Policy Studies, Volume 8, Issue 2 được coi là nghiên cứu tiên phong nhằm đánh giá thực trạng đất đai manh mún ảnh hưởng đến an ninh lương thực, từ đó đề xuất các hàm ý chính sách nhằm giúp các hộ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, từ đó tự đáp ứng tốt hơn nhu cầu lương thực và thực phẩm.


Thông qua bộ dữ liệu khảo sát 2.500 hộ gia đình tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ Anh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, sử dụng các mô hình kinh tế lượng vi mô, nhóm nghiên cứu đã đánh giá tác động của tình trạng đất đai manh mún. Trong nghiên cứu này, mức độ an ninh lương thực của các hộ gia đình được đo bằng hai chỉ số: đo lường sự thiếu hụt thực phẩm trong 12 tháng trước đó; đo lường sự thiếu hụt thực phẩm giàu protein trong khẩu phần ăn của các hộ gia đình trong 7 ngày gần nhất.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng dân tộc Kinh có năng lực thích ứng tốt hơn giúp họ vượt qua được khó khăn trong việc tự đáp ứng nhu cầu lương thực. Hơn nữa, người dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn nghèo và vùng sâu sẽ rất khó có khả năng chuyển đổi sinh kế sang các hoạt động phi nông nghiệp. Do vậy, nhóm các hộ dân tộc thiểu số bị tác động tiêu cực nhiều hơn từ nguồn lực tự nhiên là đất nông nghiệp bị manh mún.

Nhóm tác giả cũng cho biết tác động chính của đất đai manh mún tới an ninh lương thực ở khía cạnh chất lượng đất. Có mối tương quan lớn giữa mức độ manh mún đất đai và chất lượng đất. Đất đai manh mún sẽ làm giảm chất lượng đất, từ đó làm giảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp và dẫn tới nguy cơ thiếu đói cao hơn.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy các hộ gia đình có các thành viên được học hành tốt hơn và làm công việc tự do phi nông nghiệp (chủ yếu là người Kinh/Hoa) cũng sẽ đảm bảo an ninh lương thực tốt hơn.

Từ các phát hiện nghiên cứu trên, nhóm tác giả đề xuất các hàm ý chính sách như giảm thiểu mức độ manh mún đất đai nhằm giúp các hộ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, từ đó tự đáp ứng tốt hơn nhu cầu lương thực và thực phẩm. Đặc biệt, các chính sách trợ giúp lương thực nên ưu tiên trực tiếp cho các hộ thiểu số ở các vùng nghèo này. Cùng với đó, gia tăng tiếp cận giáo dục và cơ hội phi nông nghiệp cũng là chiến lược lâu dài và căn bản để nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhóm dân tộc thiểu số.

 

>> Thông tin bài báo: Tuyen Quang Tran, Huong Van Vu (2021), “The impact of land fragmentation on food security in the North Central Coast, Vietnam”, Asia & the Pacific Policy Studies, Volume 8, Issue 2, 327–345. 

 


 

Về tác giả bài báo:

- Nhóm tác giả:

  • TS. Trần Quang Tuyến: Khoa Quốc tế - ĐHQGHN
  • TS. Vũ Văn Hưởng: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
 - Trong đó, tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN:

TS. Vũ Văn Hưởng: Nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế tại Đại học Tổng hợp Waikato - New Zealand. Hiện ông là Chủ nhiệm Bộ môn Thống kê và Phương pháp nghiên cứu kinh tế, Khoa Kinh tế Phát triển - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN; thành viên hội đồng khoa học ngành Kinh tế của NAFOSTED. Các hướng nghiên cứu chính: Kinh tế lượng vi mô ứng dụng; Tài chính, hiệu quả doanh nghiệp; Sinh kế, đất đai và phúc lợi hộ gia đình.