Trang Nghiên cứu
 
Đề xuất chính sách đối với việc hình thành và phát triển CBEZ tại Việt Nam

Đây là các nội dung được đề cập trong nghiên cứu thuộc phạm vi đề tài “Luận cứ khoa học cho sự hình thành và phát triển các khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam” (KX.01.09/16-20) do PGS.TS. Nguyễn Anh Thu (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) là chủ nhiệm. Đề tài đã đề cập đến cơ sở lý luận và thực tiễn quốc tế của việc hình thành và phát triển các CBEZ; đánh giá chính sách và thực trạng hợp tác kinh tế cửa khẩu và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam, trên cơ sở đó đánh giá các điều kiện hình thành và phát triển các CBEZ ở Việt Nam.


Thống nhất quan điểm về CBEZ

Trong nghiên cứu này, chúng tôi xác định CBEZ là khu hợp tác kinh tế hướng tới thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, và yếu tố quan trọng là có sự hợp tác, hài hoà chính sách giữa hai bên. CBEZ không nhất thiết là một khu chung giữa hai quốc gia, trong đó có cơ quan điều hành, có chính sách chung mà có thể là hai khu riêng biệt, nhưng được quy hoạch dựa trên lợi thế của cả hai bên và có sự hợp tác, hài hoà về chính sách giữa hai bên. Quan điểm này rộng hơn rất nhiều so với mô hình hợp tác mà phía Trung Quốc đề xuất, đó là mô hình “Hai nước một khu, tự do thương mại, vận hành khép kín”. Việc thống nhất quan điểm về nội hàm rộng hơn và linh hoạt hơn của CBEZ sẽ khiến mô hình này khả thi hơn, đặc biệt hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo được các yếu tố về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Với quan điểm như vậy, mô hình CBEZ sẽ là mô hình “hai khu, hai nước”, đặc biệt, tên tiếng Việt có thể thống nhất là “Khu Kinh tế qua biên giới”, thay vì “Khu Kinh tế xuyên biên giới”.

Với quan điểm như trên, việc thành lập CBEZ là cần thiết, có ý nghĩa thiết thực nhằm thúc đẩy trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động qua biên giới; từ đó phát triển kinh tế của các tỉnh biên giới; cải thiện đời sống người dân biên giới. CBEZ, nếu thực sự xuất phát từ sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước sẽ phát huy được thế mạnh của các tỉnh biên giới, góp phần phát triển vùng, liên vùng và các chuỗi giá trị sản phẩm, cũng như tăng cường tính kết nối trong quốc gia và khu vực.

Mô hình CBEZ

Đề tài đề xuất mô hình khu kinh tế qua biên giới mang tính chất kết nối hai khu kinh tế giữa hai bên cửa khẩu. Mô hình này gần tương tự như mô hình đối xứng hai bên, tuy nhiên cấu phần của khu kinh tế của hai bên có thể khác nhau, dựa trên thế mạnh của mỗi bên. Các cấu phần quan trọng của một CBEZ hoàn chỉnh sẽ bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng cứng như hệ thống giao thông vận tải, kho bãi, các khu thương mại và sản xuất; và hệ thống cơ sở hạ tầng mềm liên quan đến cơ chế chính sách quản lý khu; dịch vụ tài chính, thông tin.

Đề tài đã tổng hợp các nghiên cứu trước đây cũng như các khảo sát thực tế và đề xuất một mô hình CBEZ nền tảng, bao gồm 8 nhóm cấu phần cụ thể được xây dựng dựa trên cơ sở các nghiên cứu của Lord và Tangtrongjita (2014), Lalkaka và cộng sự (2011), Wallack và cộng sự (2011) và một số nghiên cứu khác và được phát triển trong Nguyễn Anh Thu và Nguyễn Thị Thanh Mai (2017). Tám cấu phần trong mô hình bao gồm: (1) Điểm cửa khẩu tiên tiến; (2) Kết nối hạ tầng hiện đại; (3) Khu thương mại; (4) Khu doanh nghiệp; (5) Khu dịch vụ logistics; (6) Các chính sách ưu đãi; (7) Cơ chế quản lý hợp tác chung giữa hai nước; (8) Doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị và mạng lưới liên kết vùng.

Về cách thức hợp tác, đề tài đề xuất cụ thể như sau:

  • Mô hình hai khu riêng biệt ở hai nước, mỗi bên tự quản lý trên cơ sở đảm bảo, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, có sự tương thích và kết nối giữa hai bên trên các lĩnh vực quy hoạch hạ tầng, cơ chế chính sách, tổ chức quản lý, thủ tục và thuận lợi hoá tại cửa khẩu.
  • Hai bên hợp tác trong việc quy hoạch, thiết kế các phân khu chức năng của hai khu phù hợp với thế mạnh của mỗi bên và bổ trợ cho nhau.
  • Hai bên hợp tác trong việc hài hoà hoá chính sách, đặc biệt chính sách thương mại, xúc tiến đầu tư và chính sách di chuyển lao động nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế.
  • Thành lập một Uỷ ban hỗn hợp gồm các thành phần thuộc các chức năng quản lý của hai bên cùng đại diện cộng đồng doanh nghiệp họp hàng tháng nhằm tháo gỡ các vấn đề khó khăn, bất cập trong hợp tác.
  • Thành lập một cơ chế trao đổi thông tin liên tục giữa hai bên
  • Mỗi bên tự chịu trách xây dựng, quản lý và khai thác CBEZ trên lãnh thổ nước mình.
  • Việc thực hiện CBEZ tại các tỉnh cần có lộ trình, ưu tiên các nội dung phù hợp với nhu cầu và thực tế phát triển trên thực tiễn của từng tỉnh. Mô hình xây dựng cho từng tỉnh cần có sự khác biệt dựa trên lợi thế và đặc thù của từng địa phương.

Xét về các tỉnh nghiên cứu, tiềm năng phát triển thương mại qua biên giới của các tỉnh biên giới phía Bắc rất lớn. Tuy nhiên, sự phát triển của doanh nghiệp chính là điểm hạn chế của các tỉnh biên giới phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng. Riêng đối với Quảng Ninh, các điều kiện chung và riêng cho phát triển CBEZ đều khá hơn các tỉnh còn lại, do đó, có thể nói Quảng Ninh là tỉnh đáp ứng tốt nhất các điều kiện hình thành CBEZ. Việc hợp tác kinh tế qua biên giới tại các tỉnh giáp với Lào và Campuchia cho thấy các tỉnh có thể tập trung nhiều hơn vào việc hợp tác sản xuất giữa doanh nghiệp hai nước, đồng thời phát huy thế mạnh là cầu nối trung chuyển tới các khu vực cảng biển, đặc biệt khu Lao Bảo - Densavanh.

Kiến nghị với Chính phủ:

CBEZ là bước phát triển tiếp theo của các hoạt động hợp tác kinh tế khu vực biên giới. Tuy nhiên, không có một mô hình chung cho tất cả các khu vực cửa khẩu nên cách tiếp cận là Chính phủ đưa ra chủ trương với mô hình rất mở, các địa phương xây dựng đề án theo đặc thù của địa phương mình, có sự tham gia ý kiến của các bộ ngành và phê duyệt của Chính phủ.

Chính phủ cần: (i) Xác định rõ CEBZ là mô hình hai khu ở hai nước, không phải một khu với chính sách chung. Các tỉnh nghiên cứu hiện nay đều chưa đạt được tất cả các điều kiện cho sự hình thành và phát triển CBEZ nên các tỉnh này cần có thời gian để hội đủ các điều kiện; (ii) Có sự phối hợp chính sách với các nước có chung đường biên giới thông qua tăng cường cơ chế trao đổi chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách giữa các tỉnh biên giới đặc biệt là chính sách về thương mại, du lịch, thuế, hải quan, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ các địa phương trong việc hài hòa hóa chính sách, tạo một hành lang pháp lý minh bạch hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; xây dựng kênh thông tin thường xuyên và cập nhật về các chính sách thương mi biên giới của các nước láng giềng; (iii) Có sự đánh giá, rà soát về các nội dung của Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng; (iv) Có các biện pháp tổ chức lại việc buôn bán biên giới tiểu ngạch với các nước láng giềng, khuyến khích xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và thanh toán theo thông lệ quốc tế; (v) Quan tâm hỗ trợ nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế cửa khẩu cho các tỉnh biên giới và (vi) Phối hợp nghiên cứu các chính sách chung thúc đẩy hợp tác song phương.

Kiến nghị với địa phương:

Các địa phương cần sớm rà soát lại các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh biên giới, xác định các định hướng lớn gắn kết hoạt động trao đổi thương mại với phát triển sản xuất, kinh tế, đô thị tại địa phương. Các địa phương cần xác định thế mạnh của địa phương mình trong hợp tác kinh tế với nước láng giềng nhằm có các khuyến khích đầu tư trọng điểm, thu hút các doanh nghiệp lớn trong nước khai thác các thế mạnh đó.

Trước mắt, các địa phương cần tiếp tục phát huy thế mạnh này thông qua việc thúc đẩy các hoạt động thương mại, thuận lợi hoá thương mại, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ logistics, siêu thị, trung tâm thương mại, thanh toán... Chuyển hướng mạnh sang thương mại chính ngạch, cần thay đổi phương thức sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng hàng hóa và khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đi đôi với các chính sách về tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại qua biên giới thông qua xây dựng hạ tầng, cải tiến thủ tục… cần có các chính sách về phát triển sản xuất, phát triển thị trường để tăng xuất khẩu hàng hóa đặc biệt sang Trung Quốc, tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, các ưu đãi thương mại và tối đa hóa hiệu quả tổng thể của việc đầu tư vào hạ tầng kết nối từ phía Việt Nam.

Các bộ, ngành phối hợp với các tỉnh biên giới của Việt Nam trong việc triển khai thí điểm xây dựng các khu hợp tác du lịch qua biên giới tại những nơi có cặp cửa khẩu thuận lợi cho phát triển du lịch. Xác định và phân loại điểm đến thu hút khách, đặc biệt khách du lịch Trung Quốc hợp lý để vừa bảo đảm số lượng, vừa bảo đảm chất lượng dịch vụ và lợi nhuận bền vững.

Cần tiếp tục làm sâu sắc thêm cơ chế hợp tác giữa các địa phương trong quản lý, sử dụng lao động qua biên giới, tiến tới tăng cường hợp tác đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động, trước mắt là đào tạo tiếng Trung, tiếng Việt và nâng cao trình độ, kỹ năng cho lao động phổ thông; coi hợp tác lao động là một trong những lĩnh vực then chốt trong hợp tác kinh tế song phương những năm tới. Đối với vấn đề lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc, các chính quyền địa phương cần phối hợp với lực lượng liên ngành như: Công an, biên phòng, các đoàn thể... tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn trên nhiều lĩnh vực; thực hiện tốt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, tổ chức nắm tình hình, phát hiện và xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần mở thêm các lớp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu tạo việc làm mới cho lao động; hỗ trợ các trường hợp được trao trả về vay vốn ưu đãi lập các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống... Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp cò mồi, môi giới người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê; cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc cấp giấy thông hành, hộ chiếu nhằm hạn chế tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép.

Các địa phương cũng cần chủ động có các trao đổi, đàm phán với nước láng giềng trong việc hài hoà hoá chính sách, thủ tục, đặc biệt liên quan đến thương mại, du lịch, vận tải, di chuyển lao động qua biên giới. Cần tích cực phối hợp để xây dựng và thực thi hàng rào kỹ thuật minh bạch nhằm mục đích nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu; tăng cường giám sát, đánh giá thực hiện các nội dung hoạt động kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Đồng thời cần chủ động có cơ quan nắm bắt thông tin và cung cấp thông tin chính sách của nước láng giềng cho các doanh nghiệp; xác lập một cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên với địa phương của nước láng giềng.

Một vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương là hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ đào tạo, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp. Đồng thời nâng cao công tác quản lý, tuyên truyền các doanh nghiệp tăng cường liên kết, tránh các hoạt động cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhau.


Thu Na (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN)