Chu Nhường, Nghiên cứu viên - Trung tâm Thông tin và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Cựu sinh viên Khoa KTPT, Khóa QH-2008-E, Trường ĐHKT, ĐHQGHN
Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu tiên khi bước chân vào giảng đường Trường Đại học Kinh tế, Khu NTC. Vốn là sinh viên nguyện vọng hai, tôi nhập học muộn hơn so với các bạn đến gần 1 tháng. Cảm giác đầu tiên trong tôi khi đó là sự hồi hộp pha chút hụt hẫng. Đến lớp khi các bạn đã làm quen nhau từ trước, nhóm sinh viên nguyện vọng 2 chúng tôi có phần lạc lõng. Thêm vào đó, hình ảnh khu giảng đường cấp 4 với hai dãy nhà hiện ra trước mắt, trái ngược hoàn toàn với khuôn viên rộng lớn và bề thế của Đại học Quốc gia Hà Nội (trụ sở chính ở 144 Xuân Thủy).
Khi lần đầu lên Hà Nội, đến thăm ĐHQGHN, mặc dù tôi đang chuẩn bị để thi vào một trường khác (nguyện vọng 1) nhưng tôi nghĩ được học ở đây thật thích. Trường to, đẹp, và nhiều cây xanh. Thế nên, khi đăng ký nguyện vọng 2, tôi đã nghĩ ngay đến nơi này. Ấy vậy mà tôi lại phải học tại Khu NTC, tận sâu trong ngõ, khuôn viên vừa nhỏ lại chỉ có hai dãy nhà. Tôi thực sự có chút chán nản.
Ở một giảng đường “nhỏ bé” mang dáng dấp của một trường trung học như vậy,những tưởng tôi sẽ giữ mãi cảm giác chán nản và tìm cách “thoát thân”. Vậy mà ý định thi vào một trường khác của tôi đã hoàn toàn bị “đốn gục” chỉ sau 1 học kỳ. Tôi nhận ra rằng ở trong lớp học tưởng chừng “thiếu thốn” ấy lại rất tiện nghi. Các trang bị học tập đầy đủ và hiện đại, cơ sở vật chất không ngừng được hoàn thiện. Trường nhỏ, ở trong ngõ nên khá yên tĩnh, tạo cảm giác học tập rất thoải mái.
Nhà trường cũng làm rất tốt công tác hỗ trợ và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Khi đó, Trường ĐHKT mới thành lập, chúng tôi là những sinh viênmới, lại là sinh viên khóa đầu của Khoa Kinh tế Phát triển nên còn nhiều bỡ ngỡ và luôn có những trăn trở về con đường học tập và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Những câu hỏi như “Ngành Kinh tế phát triển là gì?” “Học ngành này sau khi ra trường sẽ làm gì?”... thường được chúng tôi đem ra trao đổi trong những buổi nói chuyện sau giờ học. Và như hiểu được những thắc mắc của sinh viên, Khoa Kinh tế Phát triển đã tổ chức rất nhiều buổi nói chuyện, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa thầy và trò. Các thầy cô còn mời những tấm gương thành công như cô Phạm Chi Lan, bác Lê Đăng Doanh đến để giải đáp những khúc mắc của sinh viên về nghề nghiệp và những đặc thù của ngành học và tư vấn nghề nghiệp. Chúng tôi dần hiểu rõ hơn về Khoa, về đặc thù ngành mình theo học và dần hình thành những hướng đi rõ ràng.
Vốn còn chút luyến tiếc ngôi trường mình dự thi ban đầu và một phần hờ hững với ngành học là lựa chọn thứ hai, vậy mà tôi đã nhanh chóng bị “thuần phục” bởi sự tận tâm của các thầy cô. Điều khiến tôi ấn tượng nhất về Trường ĐHKT là các thầy, cô đều có trình độ cao, tâm huyết và rất quan tâm tới sinh viên. Từng môn học đều mang lại cho chúng tôi cảm giác thật thú vị. Tôi nhớ những tiết học Kinh tế vi mô và Kinh tế vĩ mô tranh luận sôi nổi đầy hứng thú của thầy Phạm Quang Vinh. Không khí học tập rất thoải mái nhưng cũng không mất đi phần nghiêm túc trong các môn học Kinh tế công, Lựa chọn công cộng của thầy Bùi Đại Dũng. “Các em có thể ăn, ngủ trong lớp nếu không thích học nhưng tuyệt đối không được nói chuyện, làm ồn vì như thế là gây ảnh hưởng đến các bạn muốn nghe giảng, là gián tiếp “ăn cắp’ tiền học của các bạn ấy”. Đó là lời nhắc nhở sâu xa mà thầy Bùi Đại Dũng vẫn nói trong những môn học của thầy…. Hay những giờ thảo luận và làm việc nhóm tích cực, và rất nhiều sự hỏi đáp thú vị trong môn Kinh tế thế chế của thầy Nguyễn Quốc Việt - người nổi tiếng luôn đến lớp sớm trước cả sinh viên. Thầy cũng là người đã tận tình giúp đỡ cho tôi rất nhiều khi làm nghiên cứu khoa học và khóa luận. Tất cả đều gợi ra một môi trường học tập đáng nhớ và đêm đến nhiều động lực cho mỗi chúng tôi.
Bên cạnh những giờ học tập trên lớp, chúng tôi còn được tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, điều tra thực tế tại Bắc Cạn, Hà Tây, SaPa,... Chúng tôi được thực hành những kỹ năng và kiến thức đã học trong công việc thực tiễn. Qua việc học đi đôi với hành, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về ngành mình theo học và nhận thức những thiếu sót mà bản thân cần bổ sung và cải thiện để xây dựng hành trang vững chắc trước khi ra trường.
Trong bối cảnh giáo dục còn tồn tại nhiều vấn nạn như chạy trường, chạy điểm, tôi tự hào với lựa chọn của mình khi đã quyết định gắn bó với ngôi trường này - một môi trường học tập hiện đại, bình đẳng, và minh bạch, nơi chỉ có sự chuyên tâm dạy và học, nơi chúng tôi được học kiến thức, học các kỹ năng cần thiết và học rèn luyện nhân cách.
Giờ đây, sau hai năm ra trường, tôi vẫn còn mãi không quên thời sinh viên nhiều kỷ niệm. Và hơn hết, tôi hiểu rằng mình đã lựa chọn đúng. Một nơi chứa chan tình thầy trò, bạn bè. Một nơi đã tiếp cho chúng tôi động lực và hành trang trong những bước đầu của cuộc sống tự lập, giúp chúng tôi tự tin và trưởng thành hơn từng ngày. Tôi không bao giờ quên câu nói của một người thầy yêu quý trong buổi bế giảng, kết thúc 4 năm học đại học: “Chào mừng các em đến với cuộc đời thực!”,“Vâng, đúng là khi ra trường, chính thức bước đi bằng đôi chân của mình, chúng em mới thấm thía được cuộc đời thực là như thế nào. Khó khăn và thử thách nhiều lắm nhưng chúng em sẽ luôn phấn đầu hết mình như lời dạy của các thầy cô. Cảm ơn thầy cô, những người đã truyền cảm hứng và động lực cho chúng em!”.