Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Tọa đàm “Các sản phẩm tài chính không có bảo lãnh Chính phủ của ADB/IFC/AIIB cho cơ sở hạ tầng với sự tham gia của các trung gian tài chính”

Quang cảnh Tọa đàm
Ngày 29/01/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Các sản phẩm tài chính không có bảo lãnh Chính phủ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) cho cơ sở hạ tầng với sự tham gia của các trung gian tài chính” nhằm mục đích tạo cầu nối hiệu quả giữa các tổ chức tài chính quốc tế và các định chế tài chính trung gian, tạo cơ hội cho các bên liên quan tìm hiểu khả năng hợp tác, các sản phẩm tài chính có thể sử dụng mà không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, cách thức giải quyết các khó khăn có thể gặp phải khi triển khai cách tiếp cận mới…


Tham dự tọa đàm về phía NHNN có Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cùng đại diện Lãnh đạo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Quản lý Ngoại hối, Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Truyền thông,… Về phía các tổ chức tài chính quốc tế có sự góp mặt của Bà Pamela Bracey – Chuyên gia cap cấp, Vụ Đầu tư Tư nhân của ADB, Ông Kyle Kelhofer – Giám đốc quốc gia IFC tại Việt Nam, Ông Achim Fock – Giám đốc phụ trách xây dựng các chương trình/ dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và Ông Dong Ik Lee – Vụ trưởng Vụ Đầu Tư III (đầu tư khu vực tư nhân) của AIIB.

Đặc biệt, Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của gần 100 đại diện đến từ các NHTM trong nước có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng (CSHT), một số quỹ, doanh nghiệp đầu tư của các địa phương trực thuộc trung ương và các tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực CSHT như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC),…

 

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc phụ khuyết đại diện cho Việt Nam tại các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế nhấn mạnh, Việt Nam đã bước vào giai đoạn đổi mới mô hình tăng trưởng với gắn với các chương trình tái cơ cấu để tránh bẫy thu nhập trung bình và để phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, phát triển CSHT có nghĩa rất quan trọng và vốn dành cho lĩnh vực này phải đủ lớn để có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư và tăng trưởng. Cải thiện CSHT có thể giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài. Lợi ích từ việc này là hết sức to lớn khi Việt Nam được xem là trung tâm sản xuất của khu vực với nhiều lợi thế cạnh tranh và vị trí địa chiến lược.

Theo đánh giá của ADB, đầu tư cho CSHT ở cả hai nhánh Nhà nước và tư nhân của Việt Nam đang đạt tỷ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 2 tại châu Á chỉ sau Trung Quốc. Có thể khẳng định rằng, bức tranh tổng thể về phát triển CSHT của Việt Nam thể hiện rõ nét nhu cầu to lớn về vốn trong cả trung hạn và dài hạn. Đã có nhiều giải pháp về vốn cho phát triển CSHT, tuy nhiên, các giải pháp truyền thống về tăng các yếu tố nguồn đầu tư công hiện đang gặp trở ngại do ngân sách Việt Nam không thể tiếp tục mở rộng đầu tư.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tháng 11/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Để tiếp tục khai thác nguồn lực cần thiết cho đầu tư phát triển trong bối cảnh tăng cường hiệu quả quản lý nợ công và đảm bảo an toàn bền vững nền tài chính quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị các tổ chức tài chính và các đối tác phát triển quốc tế xem xét hỗ trợ Việt Nam thông qua khu vực ngoài Nhà nước, khu vực tư nhân mà không cần bảo lãnh của Chính phủ nhằm huy động/khai thác nguồn lực của khu vực này cho đầu tư phát triển CSHT, đồng thời giảm tải gánh nặng nợ công.

 

Bà Pamela Bracey – Chuyên gia cap cấp, Vụ Đầu tư Tư nhân của ADB trình bày tại Tọa đàm

 

Ông Kyle Kelhofer – Giám đốc quốc gia IFC tại Việt Nam trả lời tham luận

 

Ông Dong Ik Lee – Vụ trưởng Vụ Đầu Tư III (đầu tư khu vực tư nhân) của AIIB phát biểu tại Tọa đàm

Trên bình diện quốc tế, một mô hình huy động vốn đã rất thành công tại nhiều quốc gia là khuyến khích tư nhân và hệ thống NHTM, quỹ đầu tư trong nước tham gia mạnh mẽ vào các dự án đầu tư CSHT. Tại Việt Nam, việc các NHTM, các quỹ đầu tư tham gia vào các dự án CSHT vẫn còn hạn chế về cả số lượng lẫn quy mô, có thể xuất phát từ những nguyên nhân như: Các dự án CSHT không phải lúc nào cũng dựa trên hiệu quả tài chính mà còn dựa trên các mục tiêu chiến lược hoặc an sinh xã hội của Nhà nước (trong khi chiến lược kinh doanh của các NHTM tập trung chủ yếu vào hiệu quả và lợi nhuận); tiềm lực tài chính trung và dài hạn của các NHTM trong nước để cho vay CSHT còn hạn chế; các NHTM cũng bị hạn chế trong giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đảm bảo tiêu chuẩn quản lý rủi ro và an toàn hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, với vai trò là cơ quan đại diện của Chính phủ tại các tổ chức tài chính quốc tế, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc khai thác nguồn vốn cho khu vực tư nhân đầu tư CSHT mà không cần bảo lãnh Chính phủ, NHNN đã chủ động làm việc với các đối tác quốc tế để tìm kiếm cơ hội và phương thức hợp tác phù hợp với tình hình mới, qua đó khai thác tốt hơn nguồn vốn đa dạng của các tổ chức này phục vụ cho phát triển.

Bên cạnh phương thức tài trợ truyền thống (tức cho Chính phủ vay và giải ngân dự án vốn ODA thông qua các NHTM với tư cách là ngân hàng phục vụ dự án), thời gian tới, các tổ chức tài chính quốc tế đều có định hướng sẽ đẩy mạnh việc cho vay và hợp tác thông qua các định chế tài chính trung gian là các NHTM, các quỹ đầu tư tại nước hội viên.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã nhiều lần nhắc tới vai trò ngày càng quan trọng của vốn cho đầu tư CSHT, đặc biệt là các nguồn vốn mới, đa dạng tạo đà cho phát triển bền vững. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Trong công cuộc tìm kiếm nguồn vốn mới này, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động tiền tệ - ngân hàng tại Việt Nam, NHNN sẽ luôn luôn đồng hành và hỗ trợ tích cực các bên liên quan để hiện thực hóa các mục tiêu trên.”

Tại Tọa đàm, các đại biểu tham gia đã thảo luận tích cực, đặt ra nhiều câu hỏi khó cho các nhà tài trợ về những thách thức/ khó khăn sẽ gặp phải trong cách tiếp cận mới qua đó cùng đề xuất các sản phẩm tài chính/cơ chế hợp tác phù hợp, cũng như phương hướng hợp tác bền vững trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu giải quyết nhu cầu vốn đầu tư dài hạn cho CSHT tại Việt Nam… Các đại biểu cũng đề nghị NHNN tiếp tục tổ chức các Tọa đàm tương tự, có thể là với mục tiêu tập trung hơn cho từng lĩnh vực thuộc CSHT để từ đó có được giải pháp phù hợp, tạo nguồn vốn cần thiết cho phát triển từng ngành, từng địa phương…


Nguồn: https://www.sbv.gov.vn