TS. Nguyễn Thị Phương Dung trình bày tại hội thảo
Sáng ngày 23/8/2016, Hội thảo quốc tế “Kế toán quản trị, kinh nghiệm quốc tế và thực trạng ở Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội do Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam (VAA) và Hội Kế toán quản trị công chứng Anh Quốc (CIMA) tổ chức. Giảng viên Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo.
Đến tham dự hội thảo có PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, ông Rick Yvanovich (CIMA, CGMA, CPA Úc) - Thành viên Hội đồng khu vực CIMA Đông Nam Á, ông Vũ Đức Chính - Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán Kiểm toán - Bộ Tài chính, cùng nhiều học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên của các trường đại học, viện nghiên cứu, các kế toán trưởng, người phụ trách tài chính, kế toán viên của một số tập đoàn, công ty lớn trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh thành khác.
TS. Nguyễn Thị Phương Dung, Giảng viên Khoa Kế toán - Kiểm toán Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN được mời trình bày tham luận về chủ đề “Điều kiện áp dụng phương pháp tính giá thành theo chi phí mục tiêu (Target costing) tại doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.”
Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Phương Dung, trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với những cạnh tranh gay gắt và khốc liệt từ các doanh nghiệp trên thế giới. Phương pháp tính giá thành theo chi phí mục tiêu được coi là một trong những vũ khí sắc bén để chiến thắng trong cạnh tranh mà rất nhiều công ty sản xuất trên thế giới đã sử dụng để trở thành các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Phương pháp này là một phương pháp kế toán quản trị chi phí và giá thành hiện đại, chủ động, hiệu quả và có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp tính giá thành truyền thống.
Tham luận của TS. Nguyễn Thị Phương Dung phân tích sâu về nội dung, trình tự và bài học thành công của doanh nghiệp Nhật Bản, Tập đoàn Tata Motors Ấn Độ, Tập đoàn IKEA Thụy Điển và thực trạng các phương pháp tính giá thành tại Việt Nam, từ đó đề xuất các điều kiện để áp dụng thành công phương pháp tính giá thành theo chi phí mục tiêu tại doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Tham luận đã nhận được nhiều quan tâm của khán giả và các nhà nghiên cứu.
Bên cạnh đó còn có các tham luận đến từ ông Đỗ Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Cty Kiểm toán và Tư vấn AASC với chủ đề “Ngân sách dựa trên hoạt động”, ông Trịnh Hiệp Thiện - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM với chủ đề “Thiết kế hệ thống Kiểm soát Quản lý trong mối quan hệ với phát triển bền vững”, hay tham luận của TS. Phạm Thị Thủy - Viện Kế toán - Kiểm toán (Đại học Kinh tế Quốc dân), ông Hoàng Long - Giám đốc Công nghệ Thông tin (P&G Bank), ông Rick Yvanovich (CIMA, CGMA, CPA Úc)…
Sự tham dự và trình bày nghiên cứu tại các hội thảo quốc tế, các diễn đàn khoa học lớn có tính chuyên môn cao của các giảng viên đã và đang góp phần khẳng định thương hiệu của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.