Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Hội thảo “Hợp tác vùng Đông và Đông Nam Á: Vai trò và sự tham gia của Việt Nam và Đài Loan”

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia nghiên cứu Việt Nam và Đài Loan
Sáng ngày 29/7/2013, trong khuôn khổ đề tài cấp nhà nước “Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á trong bối cảnh thế giới mới và sự tham gia của Việt Nam”, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Hợp tác vùng Đông và Đông Nam Á: Vai trò và sự tham gia của Việt Nam và Đài Loan”.


Đây là đề tài do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT chủ trì, triển khai từ tháng 5/2013 đến tháng 10/2014.
Trong hội thảo này, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQHGN và GS. Len-kuo Hu, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Quốc tế Chung Hua (Đài Loan) cùng tham dự với vị trí chủ tọa.
Tham dự hội thảo có
30 đại diện các giáo sư ở Hiệp hội Thương mại Quốc tế Chung Hua; TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới và TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Viện Hàn lâm KHXHVN; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT, đại diện Ban chủ nhiệm các khoa: Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Kinh tế Phát triển cùng nhiều giảng viên khác của Trường ĐHKT.
Mở đầu buổi hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn có bài phát biểu khai mạc chào đón đoàn học giả từ Đài Loan và các vị khách mời tham gia hội thảo, khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc hợp tác giữa Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và Hiệp hội Thương mại quốc tế Chung Hua trong việc tổ chức buổi hội thảo, đóng góp vào sự trao đổi học thuật và hợp tác kinh tế vùng Đông và Đông Nam Á. Hiệu trưởng Trường ĐHKT nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội để các chuyên gia trao đổi những vấn đề kinh tế khu vực với sự tham gia của Việt Nam và Đài Loan, các yếu tố ảnh hưởng đến dòng vốn FDI trong ASEAN, tự do hóa thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan vào Việt Nam.
Bài phát biểu cho thấy, sự hội nhập kinh tế của Việt Nam đã có những bước ngoặt quan trọng trong thời gian qua: (i) Việt Nam trở thành thành viên ASEAN năm 1995 và tiến hành đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng của ASEAN như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ; (ii) Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại song phương với với Mỹ năm 2001, và (iii) Việt Nam chính thức gia nhập WTO sau 10 năm chuẩn bị và đàm phán (CIEM, 2010; MUTRAP, 2011c) cùng các hiệp định đối tác kinh tế với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với Liên minh châu Âu. Đồng thời, Đài Loan cũng không nằm ngoài sự hội nhập kinh tế khu vực, theo phát biểu của Tổng thống Ma Ying-jeou trong Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Đài Loan, Đài Loan sẽ theo đuổi các chính sách hội nhập với thế giới, thông qua việc ký kết các hiệp định hợp tác với Trung Quốc năm 2010, hiệp ước đầu tư với Nhật Bản năm 2011, đang trong quá trình đàm phán các hiệp ước kinh tế với Singapore và New Zealand (thành viên của TPP)... Nền kinh tế Việt Nam và Đài Loan có nhiều nét tương đồng và đang vươn lên mạnh mẽ trong nền kinh tế khu vực cũng như thế giới.


PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQHGN và GS. Len-kuo Hu, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Quốc tế Chung Hua (Đài Loan) chủ tọa hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia nghiên cứu Việt Nam và Đài Loan.

Tiếp tục hội thảo là lời phát biểu của ông Len-Kuo Hu với phần giới thiệu các học giả trong đoàn đến từ nhiều trường đại học khác nhau tại Đài Loan và Trung Quốc, như Trường Đại học Giáo dục Taichung - Đại học Quốc gia Taichung, Đại học Quốc gia Chengchi, Đại học Khoa học và Công nghệ Takming, Đại học Khoa học và Công nghệ Minghsin, Đại học Hsing Wu, Đại học Ling Tung, Đại học Feng Chia, Đại học Kinh tế và Kinh doanh (Trung Quốc), Đại học Văn hóa Trung Quốc và Tập đoàn Glory. Ông hy vọng rằng buổi hội thảo sẽ là cơ hội để giao lưu, trao đổi và tăng cường mối quan hệ và sự hiểu biết của học giả hai nước.

TS. Nguyễn Quốc Việt

TS. Nguyễn Quốc Việt mở đầu phần trao đổi bằng bài thuyết trình về các yếu tố thu hút dòng vốn FDI tại các nước ASEAN. Trong những năm gần đây, khu vực ASEAN đã có những sự phát triển quan trọng trong các chính sách FDI với nền tảng là Hiệp định khu vực đầu tư ASEAN ký kết năm 1998, giúp ASEAN trở thành khu vực hấp dẫn và cạnh tranh nhất cho việc đầu tư và kinh doanh. Theo nghiên cứu, các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn vốn FDI vào ASEAN bao gồm các yếu tố truyền thông như nguồn nhân lực giá rẻ, tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số và sự ổn định chính trị, đồng thời, các yếu tố khác như chất lượng thể chế (kiểm soát tham nhũng). Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố truyền thống có ảnh hưởng tích cực đến FDI, đồng thời các nước ASEAN cần quan tâm hơn đến chất lượng thể chế trong dài hạn vì mức độ tham nhũng có ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút FDI.

Ông Chaang - Yung Kung

Tiếp đến, ông Chaang - Yung Kung (Trường Đại học Giáo dục Taichung - ĐHQG Taichung) thuyết trình về mô hình gia nhập đầu tư nước ngoài trong lý thuyết đầu tư nước ngoài trong mối quan hệ song phương Đài Loan - Việt Nam. Nghiên cứu này đánh giá các nguồn lực marketing bao gồm sản phẩm, giá cả, địa điểm và khuyến mại (4P), dựa trên khảo sát các doanh nghiệp Đài Loan có đầu tư vào Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của các yếu tố marketing trong lựa chọn đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan. Cuối bài thuyết trình, ông nhấn mạnh cơ hội nghiên cứu hợp tác song phương trong tương lai giữa ĐH Quốc gia Taichung và ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.

TS. Nguyễn Anh Thu thuyết trình tại Hội thảo

Tiếp tục hội thảo là bài thuyết trình của TS. Nguyễn Anh Thu với những đánh giá về tác động của sự hội nhập của Việt Nam trong bối cảnh AFTA và Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) đối với thương mại Việt Nam bằng cách tiếp cận mô hình trọng lực. Nghiên cứu chỉ ra rằng VJEPA có những tác động không rõ ràng đến thương mại Việt Nam, trong khi AFTA có những tác động tích cực với xuất khẩu của Việt Nam tới các nước ASEAN nhưng không rõ ràng với nhập khẩu. Đồng thời, GDP, khoảng cách và tỷ giá hối đoái có tác động đến XNK của Việt Nam và dự báo rằng thuế quan sẽ có cắt giảm trong lộ trình VJEPA.

Ông Kun - Ming Chen

Bài thuyết trình cuối cùng được trình bày bởi ông Kun - Ming Chen, thảo luận về tác động của tự do hóa thương mại Đài Loan. Bài nghiên cứu xoay quanh những thay đổi của quan hệ thương mại của thế giới và của Đài Loan, trong đó Hoa Kỳ và Nhật Bản trở thành những đối tác thương mại quan trọng nhất, trong khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu và thu hút FDI lớn nhất của Đài Loan. Đồng thời, ông Kun - Ming Chen nhấn mạnh sự dịch chuyển trong hội nhập kinh tế khu vực và tác động của FTAs lên các mối quan hệ kinh tế của các nước Đông Á, trong đó nhấn mạnh sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc sẽ đem đến sự hội nhập kinh tế nhanh chóng cho khu vực này.
Trong suốt buổi hội thảo, học giả hai nước đã có những trao đổi, thảo luận sôi nổi xoay quanh chủ đề hợp tác của các nước trong khu vực, đặt ra những câu hỏi sâu sắc, thú vị và những hướng nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.
Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đã cảm ơn đoàn học giả Hiệp hội Thương mại quốc tế Chung Hua, khẳng định mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa học giả hai nước trong các nghiên cứu sắp tới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước nói riêng, khu vực Đông và Đông Nam Á nói chung.


Thu Huyền (Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế) Ảnh: Thùy Dung