Đại diện thành viên nhóm nghiên cứu liên ngành trả lời các câu hỏi của đại biểu tại hội thảo
Trong hai ngày 21-22/8/2013, tại Ba Vì - Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp, liên ngành, dài hạn, đa mục đích để đánh giá biến động kinh tế - xã hội, môi trường Việt Nam”. Hội thảo do TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT cùng nhóm nghiên cứu liên ngành chủ trì.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực về kinh tế, xã hội học, môi trường như: Tiến sĩ Steven Uriq - Giám đốc dự án nghiên cứu dài hạn hộ gia đình tại Anh Quốc thuộc Viện Kinh tế Xã hội, Đại học Essex; Giáo sư Sarah Turner - Đại học McGill University (Canada); GS.TS Mai Trọng Nhuận - Cố vấn cao cấp, nguyên Giám đốc ĐHQGHN; GS.TS Trương Quang Hải (Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển - ĐHQGHN); và nhiều đại diện là lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Viện Xã hội học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Khoa Xã hội học (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQGHN), Viện Dân số và các vấn đề xã hội (thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân), Viện Tâm lý học, Trung tâm nghiên cứu biến đổi toàn cầu - ĐHQGHN, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen… Ngoài ra hội thảo còn có sự tham dự của một số nghiên cứu sinh đến từ Đại học Portland (Hoa Kỳ), Đại học Pau (Pháp) và một số học viên và sinh viên trong ĐHQGHN.
Các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế
Hội thảo đã tập trung vào 4 nội dung lớn trong suốt hai ngày làm việc: (1) Kinh nghiệm quốc tế trong dự án điều tra hộ gia đình; (2) Nội dung và các tham số trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường trong bảng hỏi; (3) Thiết kế dự án; (4) Tổ chức dự án và Kế hoạch điều tra khảo sát thử nghiệm.
GS.TS Mai Trọng Nhuận phát biểu khai mạc hội thảo
Trong phần khai mạc, GS.TS Mai Trọng Nhuận đã nhấn mạnh đến tính chất, vai trò và tầm quan trọng của dự án nghiên cứu này. Ông đặc biệt chỉ rõ dự án có liên quan đến nhiều mặt của xã hội, các số liệu được lấy liên tục phục vụ nghiên cứu dài hạn vì vậy cần khai thác nguồn lực và có một hội đồng cố vấn cho dự án - trong đó hộ gia đình có vai trò như một “trạm quan trắc”.
TS. Vũ Anh Dũng phát biểu và chủ trì hội thảo
Tại hội thảo, Tiến sĩ Steven Uriq đã trình bày chi tiết về dự án điều tra hộ gia đình được thực hiện ở nước Anh từ những nét khái quát chung, các mục đích, sự phát triển qua các giai đoạn của dự án, nguyên tắc khi triển khai dự án, nội dung điều tra… Qua đó, hội thảo đã hiểu rõ hơn về dự án và có những trao đổi, chia sẻ với Tiến sĩ Steven Uriq để học hỏi kinh nghiệm áp dụng cho dự án này.
TS. Steven Uriq trình bày về kinh nghiệm của Anh Quốc trong xây dựng bộ CSDL hộ gia đình trong 24 năm qua
Các nội dung tiếp theo liên quan đến mục đích và nội dung, tham số các nhóm câu hỏi trong bảng hỏi đã được nhóm liên ngành trong ĐHQGHN như Trường Đại học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Trường Đại học Giáo dục, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Trường Đại học Kinh tế; và ngoài ĐHQGHN như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày bao gồm: kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, sức khỏe, tâm lý, môi trường…
TS. Nguyễn Anh Thịnh trình bày về tham số/ nội dung mảng môi trường trong dự án CSDL
TS. Nguyễn Cẩm Nhung trình bày về tham số/ nội dung mảng kinh tế trong dự án CSDL
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao sự chuẩn bị của nhóm liên ngành đối với nội dung câu hỏi, đã thể hiện được các vấn đề cần điều tra và phù hợp với mục đích của dự án. Các chuyên gia cũng đã có nhiều góp ý quý báu về việc một số nhóm nội dung cần làm rõ hơn, tránh sự trùng lặp giữa các nhóm câu hỏi. GS.TS Trịnh Duy Luân (Viện Xã hội học) cho rằng cần điều chỉnh nội dung để tiếp cận được với nhiều đối tượng người dân trong xã hội Việt Nam khi có nhiều khác biệt trong hình thức thu nhập - thu nhập tiền mặt hoặc có thể thu nhập dưới các dạng sản lượng nông sản. Đồng quan điểm về tính đặc thù của Việt Nam, PGS.TS Đặng Nguyên Anh (Viện Xã hội học) chỉ ra một số nội dung cần được quan tâm hơn như: sự di cư, tình trạng hôn nhân, bạo lực gia đình, nỗi sợ hãi, bất bình đẳng xã hội, phân cấp giàu nghèo. Theo các chuyên gia, ngôn ngữ và cách thức đặt câu hỏi cần tường minh, đơn giản.
Đại diện Nielsen trình bày tham luận về thiết kế dự án và kế hoạch điều tra khảo sát thử nghiệm
Tham luận về nội dung về thiết kế dự án và điều tra thử nghiệm do chuyên gia của Nielsen trình bày (bao gồm: khung lấy mẫu, đơn vị lấy mẫu, thời gian phỏng vấn, quy trình lấy mẫu, xử lý số liệu…) cũng nhận được nhiều đóng góp của các chuyên gia. Trong đó, đặc biệt là các vấn đề liên quan cách chọn mẫu ngẫu nhiên, hay phân tầng, cách thức đảm bảo được các hộ được phỏng vấn sẽ liên tục tham gia vào các cuộc điều tra hàng năm của dự án, thống nhất định nghĩa hộ gia đình được tiếp cận trong dự án, quy trình kiểm tra mẫu, cách đảm bảo số mẫu, và số bảng hỏi chính xác… Giáo sư Sarah Turner nhấn mạnh đến các nhóm dân tộc thiểu số trong đối tượng điều tra; GS.TS Trương Quang Hải lưu ý tránh các tỉnh tương đồng trong số tỉnh được điều tra. PGS. TS Nguyễn Thị Thiềng từ Viện Dân số và các vấn đề xã hội phân tích sự phức tạp trong một dự án điều tra xã hội, yêu cầu đối với những người đi phỏng vấn, cách giữ liên lạc và đảm bảo sự tham gia của đáp viên…
Các đại biểu và chuyên gia đóng góp ý kiến tại hội thảo.