Ngày 14/5/2021, trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) đồng tổ chức workshop quốc tế có tên “Sức mạnh của giáo dục trực tuyến: Cơ hội và chiến lược cho giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh Covid-19”. Kết thúc buổi workshop, PGS.TS. Vũ Minh Khương, đại diện nhóm nghiên cứu tại Singapore, kết luận 4 chiến lược mũi nhọn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt nam trong thời gian tới.
Chiến lược thúc đẩy thứ nhất: Các quy định quản lý
Đầu tiên, các quy định quản lý đóng vai trò trung tâm trong việc dẫn dắt những sáng
kiến quốc gia nhằm nâng cao năng lực ứng dụng hiệu quả các công nghệ số vào
giáo dục bậc cao tại Việt Nam. Thứ nhất, với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động
đẩy nhanh thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai, Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục
đào tạo nên giữ vai trò của cơ quan điều phối trung tâm để hỗ trợ Bộ Giáo dục
và Đào tạo trong việc thông tin những mục tiêu cụ thể của chương trình và theo
dõi những chỉ số hoạt động có liên quan như xếp hạng năng lực cạnh tranh số của
người học và người dạy, mức độ hài lòng của người dùng và mức độ ứng dụng công
nghệ thông tin.
Thứ ba, Ủy ban nên được trao quyền để thực hiện những chương trình đánh giá độc lập
và minh bạch.
Thứ tư, Ủy ban cũng có thể được trao quyền để thực hiện vai trò kiểm tra và thi
hành thay mặt cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo việc đảm bảo tuân thủ với các
quy định của Chính phủ và các tiêu chí được đề ra, bao gồm các chương trình đào
tạo bắt buộc về năng lực tin học, công nghệ thông tin cơ bản cho người học và
người dạy ở các cơ sở đào tạo bậc cao.
Chiến lược thúc đẩy thứ hai: Chiến dịch quốc gia
Đến năm 2021, sự phát triển của thời đại số đã đặt trình độ công nghệ thông
tin, kỹ thuật số trở thành một kỹ năng “đọc viết” cơ bản mới. Tuy nhiên, nhận
thức chung về nhu cầu dạy và học công nghệ thông tin cũng như về các ích lợi của
việc dạy học trực tuyến vẫn còn rất thấp. Do đó, việc đưa ra một Chiến dịch nâng
cao trình độ công nghệ thông tin là cấp thiết. Cụ thể hơn, Chiến dịch này nên tạo ra lối tư duy đón nhận việc
học tập trực tuyến và những chương trình đào tạo công nghệ thông tin để có thể
nâng cao năng lực ứng dụng giảng dạy trực tuyến và làm giảm đi chênh lệch về
giáo dục gây ra bởi COVID-19. Trong dài hạn, Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc một
chiến dịch quốc gia quy
mô lớn hơn để đưa hiểu biết về công nghệ thông tin vào chương trình giảng dạy ở
cấp học cơ sở, phổ thông để có thể xây dựng một nền tảng giáo dục cho thế hệ
tương lai tốt hơn sau COVID-19.
Chiến lược thúc đẩy thứ ba: Tiêu chuẩn theo dõi và đánh giá khách quan
Để tạo điều kiện cho quá
trình chuyển đổi số, chúng tôi đã phát triển Khung đánh giá sự sẵn
sàng số hóa (Digital Readiness Benchmarking framework - DRB) tập trung vào 5 tiêu chí chính (Hạ tầng
công nghệ thông tin; Đào tạo và theo kịp tiến trình phát triển công nghệ
thông tin; Nội dung chương trình giáo dục điện tử; Quản lý; An ninh
mạng). Khung này được phát triển dựa theo Chỉ dẫn của Ủy ban
Châu Âu về thúc đẩy giáo dục trong thời kỳ số 2015 (European Commission
Guideline on Promoting Effective Digital-Age Learning 2015). Mỗi tiêu chí chuyển
đổi bao gồm những chỉ tiêu mô tả cung cấp thông tin về các yêu cầu cụ thể cần
được đáp ứng. Khung này có thể được quản lý trực tiếp bởi Ủy
ban Quốc gia thông qua vai trò đánh giá, hoặc có thể được sử dụng bởi các cơ sở
đào tạo để tự đánh giá sự sẵn sàng cho chuyển đổi số và báo cáo cho Ủy ban để
theo dõi.
Chiến lược thúc đẩy thứ tư: Đào tạo và huấn luyện
Tổng quan nghiên cứu của chúng tôi về thực tiễn thành công tại các quốc gia
như Singapore hay Hàn Quốc đã chỉ rõ rằng việc chuyển đổi số thành công cần dựa
trên nền tảng đầu tư vào đào tạo và đào tạo liên tục. Tuy nhiên, vai trò của
đào tạo vẫn là yếu tố bị xem nhẹ bởi các nghiên cứu đã cho thấy rằng hầu hết
các tổ chức đều không có kế hoạch cho việc liên tục đào tạo và phát triển cho
nhu cầu của nhân viên. Chúng tôi cho rằng lỗ hổng trong đào tạo này là nguyên
nhân chính cho nhận thức kém về giáo dục trực tuyến, do sự thiếu hụt hiểu biết
về công nghệ trong tối ưu hóa tương tác giữa người dạy và người học. Do đó, nhằm
đạt được những kết quả toàn diện, thống nhất và bền vững, chúng tôi đề xuất Ủy
bản Quốc gia phát triển các tiêu chuẩn đào tạo quốc gia.
*
Trong các khuyến nghị trên, ông nhấn mạnh: “Trong thiết kế và thực thi chính sách cần tiến
hành đồng bộ cả 4 khuyến nghị (4 chiến lược thúc đẩy phát triển), tuy nhiên
khuyến nghị tại chiến lược thứ 3 về Benchmarking có tác
động lan tỏa lớn nhất về cả nhận thức và chiến lược.”
PGS.TS
Vũ Minh Khương là giảng viên Trường Chính
sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), thành viên Tổ Tư vấn kinh
tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kỳ 2016-2021.
Nghiên
cứu của ông tập trung vào tăng trưởng kinh tế, năng suất, tính cạnh tranh và
các vấn đề liên quan tới tác động của công nghệ thông tin, chính phủ điện tử và
hội nhập kinh tế. PGS.TS Vũ Minh Khương đã đăng nhiều bài viết trên các tạp chí
quốc tế như Scandinavian Journal of Economics, German Economics Review, Energy
Policy và Journal of Policy Modeling. Ông cũng từng làm tư vấn cho Quỹ Tiền tệ
Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Công ty Tài chính Quốc tế, USAID, KPMG, Ngân hàng
Trung ương Singapore và Cơ quan Truyền thông Singapore. |
___________
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
- Cơ hội và chiến lược cho giáo dục đại
học Việt Nam trong bối cảnh Covid-19