Nối tiếp thành công của Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam Quý 1 - 2020, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tiếp tục công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020 với những điểm chính sau:
Bức tranh nền kinh tế thế giới:
- Tăng trưởng kinh tế suy giảm tại nhiều nền kinh tế
trong Quý 1/2020 do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa
các nước xuất khẩu dầu vào tháng 4/2020 phần nào giúp hồi phục giá dầu.
- Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến hầu hết
các nền kinh tế lớn buộc phải đóng cửa biên giới gây đình trệ chuỗi cung ứng
sản xuất trên toàn thế giới.
- Kinh tế Trung Quốc trong Quý 2/2020 bắt đầu hồi phục
tăng trưởng ở mức 3,2%, sau khi sụt giảm mạnh vào Quý 1 ở mức âm 6,8%. Tính đến
tháng 5, PBoC đã ba lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương
mại, đồng thời cung cấp khoảng 1.800 tỷ CNY cho các ngân hàng thương mại để đảm
bảo khả năng cung cấp vốn cho nền kinh tế.
- FED tiếp tục giữ lãi suất ở mức 0-0,25%, đồng thời
tiếp tục mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp
trong các nỗ lực điều tiết thị trường.
- Tại châu Âu, ECB giữ nguyên lãi suất và chi thêm 120
tỷ EUR vào gói thu mua tài sản (APP) cho đến cuối năm và chi thêm 600 tỷ EUR
cho PEPP, nâng tổng trị giá của chương trình này lên mức 1.350 tỷ EUR.
Tình hình kinh tế Việt Nam:
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 lên kinh tế
toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng
trưởng kinh tế dương trong Quý 2/2020, đạt 0,36% (yoy). Tính chung 6 tháng đầu
năm, GDP tăng 1,81% (yoy). Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành
lập mới giảm 7,3%, tổng vốn đăng ký mới giảm 19% và tổng số lao động đăng ký
giảm 21,8% so với sáu tháng đầu năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh
có thời hạn tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu
tăng 3,17% (yoy), lạm phát bình quân sáu tháng đầu năm 2020 ở mức 4,19% do giá
lương thực, thực phẩm tăng. Ngoài ra, tỷ giá trung tâm gần như đi ngang trong
suốt Quý 2/2020. Trong khi đó, tại ngân hàng thương mại, tỷ giá có xu hướng
giảm. Tỷ giá có thể giữ mức thấp đến hết năm do đồng USD có xu hướng suy yếu.
Nhìn chung, giá vàng trong nước đang theo sát những bước tiến của giá vàng thế
giới. Với triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, dự báo trong quý tới giá vàng
trong nước vẫn ở mức cao. Dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam
nằm trong khoảng 2,2-3,8% khi triển vọng kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19
trong nửa sau của năm diễn ra thuận lợi như trong Quý 2. Tuy nhiên, nếu dịch
bệnh bùng phát trở lại trong năm, mức tăng trưởng nhiều khả năng sẽ là con số
âm.
Khuyến nghị đối với Việt Nam:
Thứ nhất, về chính sách an
sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp: (i) Tiếp tục cung cấp nguồn vốn đầy đủ và kịp thời
cho hoạt động sản xuất và kinh doanh, tăng cường cải cách hành chính, rút ngắn
thời gian xử lý hồ sơ vay vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng;
áp dụng các biện pháp hỗ trợ như gia hạn nợ, giảm lãi vay, không phân loại lại
nhóm nợ, giảm phí. (ii) Chính phủ đang sử dụng các quỹ dự phòng để hỗ trợ an
sinh xã hội, nhưng các quỹ này có thể là không đủ do số đối tượng chịu ảnh
hưởng thuộc diện được nhận hỗ trợ rất lớn, trong khi các ảnh hưởng của dịch
bệnh còn có thể kéo dài. Ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội,
giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.
Thứ hai, về phương diện sản xuất:
(i) Xét về nguyên tắc của
chính sách tài khóa mở rộng trong bối cảnh tổng cầu suy giảm như hiện nay, cần
lưu ý nguyên tắc rằng chính sách ấy không nhất thiết chỉ liên quan đến việc mở
rộng chi tiêu công (mà trong nhiều trường hợp rất lãng phí và kém hiệu quả, dù
trong trường hợp khẩn cấp), mà còn liên quan đến việc giảm các nguồn thu, nhờ
thế giúp giảm bớt gánh nặng tài khóa của các doanh nghiệp và hộ gia đình. Theo
chúng tôi, trong trường hợp của Việt Nam, việc chủ động cắt giảm các chi phí
bắt buộc như phí và hoãn/giảm thuế đối với doanh nghiệp có giá trị kích thích
và hỗ trợ kinh tế hiệu quả hơn so với cứu trợ hoặc tài trợ trực tiếp. (iii) Các
chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm
thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai do tác động
của giãn cách xã hội nên được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển
khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch
không đáng có. Đặc biệt, lao động trong khu vực phi chính thức cần được quan
tâm hơn khi chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác nặng nề nhất, và có
thể nằm ngoài phạm vi được thụ hưởng của các chính sách hiện tại.
Thứ ba, về chính sách tiền tệ:
Chính sách tiền tệ trong
thời điểm hiện nay được đánh giá là sẽ ít hiệu quả. Khi dịch bệnh còn tồn tại
thì một số nhu cầu đặc thù sẽ biến mất, theo đó các ngành kinh doanh phục vụ
các nhu cầu đó cũng sẽ không trở lại được, dù lãi suất có giảm cũng không tạo
được động lực để doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nói cách
khá, yếu tố lãi suất không hẳn quyết định hành vi đầu tư hoặc mở rộng kinh
doanh vào lúc này. Dư địa chính sách tiền tệ có thể còn, tuy nhiên việc tính
toán dùng vào thời điểm vào và mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ, vì chính
sách tiền tệ còn đối mặt với ràng buộc về lạm phát và giá trị đồng nội tệ (tỷ
giá).
Thứ tư, về các chính sách vĩ
mô: (i) Một cơ hội để phối
hợp chính sách lúc này là thúc đẩy các dự án xây dựng hạ tầng liên quan đến các
khu công nghiệp, thông qua chính sách tín dụng hướng tới lĩnh vực này. (ii)
Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để
chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập
khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số
đối tác kinh tế lớn. Trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính
sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện môi trường thể chế kinh
doanh cần tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng
bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19, hoặc
những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này, trong những năm tới.
>> Quý độc giả có thể xem toàn văn Báo cáo
kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020 tại đây.