Là ý kiến trả lời phỏng vấn của TS. Nguyễn Quốc Việt ( Chủ nhiệm Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế- ĐHQGHN) khi theo dõi Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa diễn ra từ ngày 9-14/10. Khoa Kinh tế phát triển xin giới thiệu nội dung ý kiến đóng góp nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển nền kinh tế - xã hội của TS. Nguyễn Quốc Việt đã được đăng tải trên trang tin tức của Thông tấn xã Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế thời gian tới, trong đó cần ưu tiên các biện pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đòi hỏi các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh: Để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách tạo môi trường kinh doanh tự do và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời phải tạo lập hành lang pháp lý chặt chẽ hơn chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại, làm hàng giả và tiến tới cần dự phòng các biện pháp kiểm soát các hành vi thâu tóm, độc quyền có thể phát triển trong tương lai gần.
Mặt khác, nhằm đảm bảo các biện pháp cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh có hiệu quả, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo từng ngành và trong toàn bộ nền kinh tế. Ưu tiên hàng đầu nhiệm vụ thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong từng ngành, lĩnh vực, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chú trọng khâu đột phá về chất lượng nguồn nhân lực
Phân tích về ba khâu đột phá nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt đánh giá: Trong số 3 khâu đột phá này, khâu đột phá về chất lượng nguồn nhân lực là ít động thái nhất trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, đây được coi là khâu quan trọng nhất trong ba khâu đột phá, có vai trò chi phối việc thực hiện các đột phá khác, vì chính con người tạo ra và thực thi thể chế, xây dựng bộ máy, quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng. Thực hiện tốt đột phá này sẽ làm tăng sức mạnh mềm của quốc gia, tạo ra sức mạnh tổng hợp, có ảnh hưởng quyết định đến việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng - một quan điểm quan trọng mà Đại hội XI đã xác định.
Thực tế kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy quốc gia nào xây dựng và phát huy tốt nguồn lực con người thì hoàn toàn có thể thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn. Những năm qua, chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập, tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề không hợp lý.
Để khắc phục tình trạng này, Tiến sĩ Việt đề xuất một số giải pháp, cụ thể là cần tổng kết lại các chủ trương, chính sách về phân bổ nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đi đôi với chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công nói chung và trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề nói riêng. Trong thời gian tới, cần tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, hội nhập quốc tế với lộ trình phù hợp; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tự chủ và chính sách tài chính các đơn vị sự nghiệp công cho phù hợp với nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thị trường lao động, trong bối cảnh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.