Trang tin tức sự kiện

Các nhân tố tác động tới việc ứng dụng phương pháp kế toán chi phí dựa trên hoạt động: Nghiên cứu thực nghiệm tại một quốc gia đang chuyển đổi

Kế toán chi phí dựa trên hoạt động (ABC) đã được chứng minh là một phương pháp mới, tiên tiến để đo lường chi phí và hiệu quả của các hoạt động, sản phẩm/dịch vụ trên cơ sở các nguồn lực được sử dụng để tạo ra sản phẩm/dịch vụ. Nghiên cứu của TS. Trần Thị Hiền (Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) và cộng sự với tiêu đề “Factors of application of activity-based costing method: Evidence from a transitional country” đăng trên tạp chí Asia Pacific Management Review có những đóng góp giá trị trong việc ứng dụng phương pháp ABC tại một quốc gia đang chuyển đổi như Việt Nam.



Trên cơ sở xem xét các nhân tố tác động tới việc ứng dụng phương pháp ABC, nghiên cứu nhằm mục đích kiểm định các nhân tố ảnh hưởng tới việc áp dụng phương pháp này trong các công ty ở nền kinh tế chuyển đổi. Các tác giả sử dụng mô hình hồi quy Logit và pool OLS để kiểm định giả thuyết. Dữ liệu dùng để ước lượng mô hình lấy từ một mẫu nghiên cứu gồm 71 công ty cổ phần ngành dược phẩm tại Việt Nam năm 2017, trong khuôn khổ khảo sát doanh nghiệp dược cho luận án tiến sĩ của tác giả đầu. Đây là năm ra đời Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu cho thấy tỷ trọng chi phí gián tiếp, áp lực cạnh tranh về giá cả, chất lượng và sự đa dạng hóa sản phẩm ảnh hưởng đáng kể đến quyết định có thực hiện phương pháp ABC trong các doanh nghiệp dược vào năm 2017. 

Tại thời điểm khảo sát, hầu hết các công ty dược phẩm ở Việt Nam đều thuộc sở hữu nhà nước. Bài báo đưa ra một bối cảnh nghiên cứu thú vị về một quốc gia chuyển đổi khi xem xét một ngành đặc thù có sự can thiệp lớn của Chính phủ là ngành dược. Việc sử dụng bối cảnh nghiên cứu này là một đóng góp độc đáo cho cơ sở lý luận. Kết quả nghiên cứu góp phần khẳng định tư tưởng dựa vào nguồn lực (RBV) (Barney 1991; Wernerfelt, 1984, 1995) dùng để giải thích các hiện tượng trong quá trình tư nhân hóa tại các nền kinh tế chuyển đổi. Các tác giả cho rằng lý thuyết RBV góp phần giải đáp cách thức các nguồn lực ảnh hưởng đến hành vi và kết quả của doanh nghiệp dược từ phụ thuộc vào nhà nước chuyển đổi sang tư nhân hóa. 

Để đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp địa phương tại các quốc gia đang chuyển đổi nhằm quản lý chi phí tốt hơn, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, nghiên cứu đề xuất hàm ý quản trị và các khuyến nghị chính sách trong việc sử dụng phương pháp ABC hiệu quả hơn như sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp nên khai thác triệt để lợi ích của phương pháp ABC và kết hợp ABC với quản lý dựa trên hoạt động. Việc áp dụng ABC cho đến nay mới chỉ dừng lại ở giai đoạn cung cấp thông tin về kiểm soát giá cả và chi phí. Tuy nhiên, các chức năng khác về hỗ trợ hoạt động như cải tiến TQM, hệ thống kiểm soát JIT, cải tiến quy trình và chất lượng sản phẩm vẫn chưa được áp dụng. Các doanh nghiệp cần sử dụng thông tin do phương pháp ABC cung cấp để kiểm soát việc phân bổ chi phí hoạt động chung và phân tích lợi nhuận để đưa ra các quyết định kịp thời. Mặt khác, các doanh nghiệp cần có khả năng đánh giá năng suất và hiệu suất của từng bộ phận sản xuất để phân tích thông tin kỹ lưỡng hơn, làm tăng thêm giá trị cho hành động đưa ra quyết định. Để làm được điều này, trước hết, các doanh nghiệp phải xác định hoạt động nào tạo ra nhiều lợi ích hơn và hoạt động nào tạo ra ít hơn. Họ có thể áp dụng phương pháp ABC để xác định và loại bỏ các hoạt động tiêu tốn chi phí nhưng không tạo ra giá trị cho sản phẩm.

Thứ hai, kế toán quản trị chi phí nên được các doanh nghiệp dược phẩm đầu tư thỏa đáng. Để áp dụng phương pháp ABC một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần thiết lập một hệ thống kế toán quản trị đáng tin cậy, hệ thống này sẽ được vận hành song song với hệ thống kế toán tài chính.

Cuối cùng, các doanh nghiệp nên thành lập một nhóm chuyên trách chịu trách nhiệm về việc áp dụng phương pháp ABC. Do việc lập kế hoạch và áp dụng thành công phương pháp ABC khá phức tạp, nên cần có một nhóm chuyên trách về phương pháp ABC. Nhóm này nên bao gồm các thành viên sau: trưởng nhóm, kế toán chi phí, giám sát sản xuất và kỹ sư kỹ thuật.

Ngoài ra, nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị đối với Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam: ABC không phải là một phương pháp phổ biến ở Việt Nam, trong khi các nguồn kiến ​​thức chuyên sâu như sách báo, hội thảo về ABC lại khan hiếm. Hơn nữa, việc thiếu sự hỗ trợ từ các nhà điều hành cấp cao và thiếu sự đồng thuận giữa các bộ phận doanh nghiệp một phần là do chưa hiểu đầy đủ về những lợi ích thiết thực của ABC. Vì vậy, Hiệp hội nên phổ biến thông tin về việc áp dụng phương pháp ABC cho các thành viên của mình. Một khi việc áp dụng phương pháp ABC trong các doanh nghiệp dược phẩm đạt thành công, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh thì Chính phủ sẽ có thêm nguồn lực để theo đuổi mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

>> Về bài báo: Uyen Tu Tran, Hien Thi Tran, “Factors of application of activity-based costing method: Evidence from a transitional country”, Asia Pacific Management Review (Available online 14 March 2022). https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1029313222000021

------------

Nhóm tác giả:

  • TS. Trần Tú Uyên, Trường Đại học Ngoại thương (tác giả đầu)
  • TS. Trần Thị Hiền, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (tác giả liên hệ)

Trong đó, tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN

TS. Trần Thị Hiền hiện là giảng viên thuộc Bộ môn Văn hóa doanh nghiệp, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội. Bà nhận bằng Tiến sĩ Quản trị (PhD in Management) tại Trường Kinh doanh, Đại học Southampton, Vương quốc Anh năm 2016. Hướng nghiên cứu chính của TS. Trần Thị Hiền là: trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, quản trị công ty, quản trị kinh doanh quốc tế, nguồn nhân lực, văn hóa doanh nghiệp. Bà đã công bố nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín trong ngành như: Journal of Business Research, Multinational Business Review, Corporate Governance: An International Journal of Business in SocietyAsia Pacific Management Review… 

Bà đồng thời là Trưởng ban biên tập cuốn sách Human Resource Development in Vietnam: Research and Practice, thuộc bộ sách Palgrave MacMillan Asian Business Series (Springer Nature). Sách nằm trong cơ sở dữ liệu Scopus. Sách đoạt Giải thưởng “R. Wayne Pace HRD Book of The Year 2021” của Hiệp hội chuyên môn Academy of Human Resource Development Hoa Kỳ.

Email: hientt.hsb@vnu.edu.vntranhienftu@gmail.com

Google Scholar: https://scholar.google.com/citations?hl=en&user=b1OX7jQAAAAJ

 http://orcid.org/0000-0002-4749-5536

 



Tag:


Các tin khác
Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành