Trang tin tức sự kiện

Trích lập dự phòng của ngân hàng trong thời kỳ đại dịch: Bằng chứng trong giai đoạn COVID-19

Trích lập dự phòng cho khoản vay rất quan trọng đối với sự ổn định của ngân hàng khi chúng đóng vai trò làm bộ đệm an toàn giúp giảm thiểu rủi ro vỡ nợ và rủi ro hệ thống của các ngân hàng. Sử dụng dữ liệu ngân hàng Hoa Kỳ trong từ Quý 1/2020 đến Quý 2/2021, nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Trâm Anh (Viện Kinh tế và Quản lý Chiến lược), Nguyễn Phú Hà, Lưu Ngọc Hiệp, Cù Nguyễn Hà Trang và Nguyễn Thị Phương Anh (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) khai thác bản chất ngoại sinh của đại dịch COVID-19 như một bối cảnh để kiểm tra xem các ngân hàng có khai thác quyền quyết định của họ đối với các khoản dự phòng khoản vay để đối phó với cuộc khủng hoảng hay không và ở mức độ nào. Toàn văn nghiên cứu “Bank Provisioning Practice During the Pandemic: Evidence from the COVID-19 Outbreak” được công bố trên tạp chí International Journal of Disclosure and Governance (2023).



Trích lập dự phòng cho khoản vay rất quan trọng đối với sự ổn định của ngân hàng khi chúng đóng vai trò làm bộ đệm an toàn giúp giảm thiểu rủi ro vỡ nợ và rủi ro hệ thống của các ngân hàng. Sử dụng dữ liệu ngân hàng Hoa Kỳ trong từ Quý 1/2020 đến Quý 2/2021, nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Trâm Anh (Viện Kinh tế và Quản lý Chiến lược), Nguyễn Phú Hà, Lưu Ngọc Hiệp, Cù Nguyễn Hà Trang và Nguyễn Thị Phương Anh (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) khai thác bản chất ngoại sinh của đại dịch COVID-19 như một bối cảnh để kiểm tra xem các ngân hàng có khai thác quyền quyết định của họ đối với các khoản dự phòng khoản vay để đối phó với cuộc khủng hoảng hay không và ở mức độ nào. Toàn văn nghiên cứu “Bank Provisioning Practice During the Pandemic: Evidence from the COVID-19 Outbreak” được công bố trên tạp chí International Journal of Disclosure and Governance (2023).

Toàn văn nghiên cứu được công bố trên tạp chí International Journal of Disclosure and Governance (2023).

Dự phòng rủi ro cho vay ngân hàng thường được chia thành hai thành phần: dự phòng rủi ro cho vay bắt buộc và dự phòng tổn thất cho vay tùy ý. Trong đó, dự phòng rủi ro cho vay bắt buộc được đưa ra dựa trên đánh giá về các khoản lỗ tín dụng có thể phát sinh trong tương lai, còn khoản dự phòng tổn thất cho vay còn lại phụ thuộc rất nhiều vào sự đánh giá của các nhà quản lý ngân hàng. Vì vậy, các khoản dự phòng tổn thất cho vay tùy ý có thể trở thành công cụ để nhà quản lý ngân hàngthao túng báo cáo tài chính nhằm đạt các mục tiêu về quản lý vốn, giảm sự biến động của thu nhập và đưa ra tín hiệu cho nhà đầu tư. Khi các ngân hàng thao túng báo cáo tài chính thông qua các khoản trích lập dự phòng, điều đó có thể dẫn đến vấn đề sai lệch thông tin cung cấp cho các cổ đông, cơ quan giám sát ngân hàng và thị trường, đặc biệt trong thời kỳ suy thoái khi nền kinh tế phát sinh bất ổn.

Sử dụng dữ liệu ngân hàng Hoa Kỳ trong từ Quý 1/2020 đến Quý 2/2021, nghiên cứu của nhóm tác giả khai thác bản chất ngoại sinh của đại dịch COVID-19 như một bối cảnh để kiểm tra xem các ngân hàng có khai thác quyền quyết định của họ đối với các khoản dự phòng khoản vay để đối phó với cuộc khủng hoảng hay không và ở mức độ nào. Có thể cho rằng, đại dịch COVID-19 là một cú sốc chưa từng có, hoàn toàn nằm ngoài dự kiến và nằm ngoài tầm kiểm soát của mọi chủ thể kinh tế, trong đó có ngân hàng. Cú sốc này là do cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu, chứ không phải do điều kiện kinh tế và tài chính gây ra. Do đó, COVID-19 trở thành một bối cảnh lý tưởng để thực hiện nghiên cứu.

Thông qua mô hình difference-in-difference (DiD), kết quả nghiên cứu cho thấy hành vi sử dụng trích lập dự phòng để thao túng báo cáo tài chính xảy ra nhiều hơn ở ngân hàng chịu nhiều thiệt hại từ đại dịch COVID-19.Kết quả mô hình cũng cho thấy thông tin kế toán của các ngân hàng trở nên không minh bạch hoặc thậm chí gây hiểu lầm cho các nhà đầu tư nhiều hơn trong thời kỳ khủng hoảng. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu khẳng định rằng trong thời kỳ đại dịch COVID-19, các ngân hàng ngày càng có xu hướng thao túng báo cáo tài chính nhiều hơn nhằm điều chỉnh thu nhập, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư và quản lý các yêu cầu về vốn của họ. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu đã cho thấy trong đại dịch COVID-19, các ngân hàng lớn hơn và những ngân hàng có vốn hóa tốt ít thao túng báo cáo tài chính hơn. Trong khi đó, nghiên cứu này tìm thấy bằng chứng cho thấy các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng danh mục cho vay lớn có xu hướng thao túng báo cáo tài chính nhiều hơn. 

Từ đó, nghiên cứu đưa ra hàm ý rằng các cơ quan giám sát ngân hàng cần chịu trách nhiệm duy trì sự tuân thủ, an toàn và lành mạnh của các ngân hàng thông qua việc áp đặt các nguyên tắc kế toán lành mạnh và các tiêu chuẩn giám sát bổ sung để hạn chế hành vi thao túng báo cáo tài chính của các ngân hàng, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng. Những kỷ luật kế toán và các yêu cầu pháp lý sẽ giúp giảm thiểu tình trạng thao túng báo cáo tài chính và tăng cường tính minh bạch trong ngành ngân hàng. Các biện pháp này cũng có thể tăng cường khả năng phục hồi của các ngân hàng trong điều kiện kinh tế bất lợi. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm đến các tiêu chuẩn công bố thông tin để làm rõ việc luân chuyển và sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại. Điều này vừa giúp các cơ quan quản lý hiểu được mức độ hiệu quả của các ngân hàng thương mại trong việc tuân thủ các quy định, vừa giúp các nhà đầu tư xác định tình hình tài chính thực sự của các ngân hàng.

>>> THÔNG TIN BÀI BÁO

Tram Anh Nguyen, Phu Ha Nguyen, Hiep Ngoc Luu, Trang Nguyen Ha Cu & Phuong Anh Nguyen (2023). Bank Provisioning Practice During the Pandemic: Evidence from the COVID-19 Outbreak. International Journal of Disclosure and Governance. https://link.springer.com/article/10.1057/s41310-022-00169-x 

>>> THÔNG TIN TÁC GIẢ THUỘC TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ

TS. Nguyễn Phú Hà là Chủ nhiệm Bộ môn Ngân hàng, Khoa Tài chính - Ngân hàng từ năm 2015. TS. Nguyễn Phú Hà có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu các vấn đề chuyên sâu về quản trị ngân hàng thương mại (bao gồm tín dụng ngân hàng, kinh doanh vốn - ngoại tệ, ngân hàng ưu tiên, ngân hàng số), ngân hàng đầu tư và ngân hàng quốc tế. Bà đã tham gia thỉnh giảng, hợp tác nghiên cứu, đồng xuất bản với chuyên gia các trường đại học trong và ngoài nước; thực hiện các dự án tư vấn, thẩm định chuyên sâu về năng lực bộ máy của tổ chức (Due Diligence) bao gồm xử lý kế toán căn bản, phân tích tài chính, định giá phục vụ M&A… theo chương trình tài trợ của World Bank, Cơ quan Phát triển Pháp và một số định chế tài chính trong nước. Hiện nay, ngoài giảng dạy và nghiên cứu, TS. Nguyễn Phú Hà đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ kinh doanh của quỹ phát triển địa phương và quỹ tín dụng nhân dân.

TS. Lưu Ngọc Hiệp hiện phụ trách trách nhiệm Phó trưởng Khoa, Giảng viên Bộ môn Ngân hàng, Khoa Tài chính - Ngân hàng. TS. Lưu Ngọc Hiệp được đào tạo bài bản tại nước ngoài, Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế học - Tài chính tại Đại học St. Andrews (Vương quốc Anh). TS. Lưu Ngọc Hiệp là tác giả của nhiều bài báo, báo cáo khoa học quốc tế, trong đó phần lớn các công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong danh mục ISI/SCOPUS.  

ThS. Cù Nguyễn Hà Trang hiện là giảng viên Bộ môn Ngân hàng, Khoa Tài chính - Ngân hàng. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Tài chính và Kinh tế tại Đại học Southampton, Vương quốc Anh. 

ThS. Nguyễn Thị Phương Anh tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Kế toán chương trình đào tạo Tiên tiến - Chất lượng cao tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân năm 2015, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng chương trình liên kết giữa Đại học Bordeaux Pháp và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN năm 2018. Ngoài công tác giảng dạy, cô còn có nhiều kinh nghiệm trong công tác liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế, đặc biệt với Đài Loan và Hàn Quốc. Hiện cô đang công tác tại Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế với hướng nghiên cứu chính là kinh tế tuần hoàn, đổi mới sinh thái và kinh tế phát triển.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Tag:


Các tin khác
Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành