Trang tin tức sự kiện

Phân tích thực nghiệm về nhóm trọng tài viên và hiệu suất giải quyết tranh chấp

Trọng tài đầu tư quốc tế là một thủ tục pháp lý phổ biến để giải quyết các tranh chấp giữa nước sở tại và nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tục này thường được đề xuất trong các điều khoản giải quyết tranh chấp của nhiều hiệp ước song phương hoặc đa phương về bảo hộ đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trọng tài quốc tế hơn là các tòa án tại quốc gia sở tại vì lợi thế thời gian giải quyết nhanh cũng như thông tin giữa các bên được giữ kín. Hầu hết các vụ việc trọng tài này được diễn ra tại Trung tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (ICSID) trực thuộc Ngân hàng Thế giới và được giải quyết bởi hội đồng gồm ba trọng tài viên do các bên chỉ định.



Trung tâm ICSID đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định các hoạt động kinh tế, đầu tư ở cấp độ quốc tế. Hiệu quả hoạt động của ICSID là một yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư. Một tổ chức trọng tài hoạt động tốt, với các phán quyết có tính thực thi cao sẽ tạo ra môi trường an toàn cho các dòng đầu tư xuyên biên giới bằng cách hạn chế các hành vi lạm dụng chính sách của nước sở tại. Đồng thời, việc nước chủ nhà đồng ý giải quyết các tranh chấp tại một tòa trọng tài quốc tế có chất lượng sẽ nâng cao uy tín của quốc gia đó đối với cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế. Và dĩ nhiên, dưới góc nhìn của cả hai bên đương sự, họ chắc chắn đều được hưởng lợi từ một hệ thống trọng tài hiệu quả có thể giúp rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp và đảm bảo chất lượng của phán quyết cuối cùng. Trong bài báo này, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu tính hiệu quả của ICSID bằng cách tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất giải quyết tranh chấp của các nhóm trọng tài. Đặc biệt, nghiên cứu chỉ ra các đặc điểm của đội ngũ trọng tài ảnh hưởng như thế nào đến thời gian giải quyết và chất lượng của phán quyết.

Với phương pháp phân tích thực nghiệm, nghiên cứu “Arbitrator Teams and Dispute Resolution Performance: An Empirical Analysis” công bố trên tạp chí European Journal of Law and Economic, 51 của tác giả Vũ Duy và cộng sự xem xét hai chỉ số về hiệu suất nhóm: thứ nhất là khoảng thời gian từ lúc thành lập nhóm trọng tài cho tới phán quyết cuối cùng, tức là thời gian để giải quyết một tranh chấp; và thứ hai là chất lượng của phán quyết - được đo lường bằng xác suất mà phán quyết đó bị ít nhất một bên đương sự yêu cầu sửa đổi, cải chính hoặc thậm chí bãi bỏ. Để giải thích cho hiệu suất hoạt động của nhóm trọng tài, nghiên cứu sử dụng các biến độc lập liên quan đến thành phần giới tính của nhóm, nền tảng chuyên môn của các thành viên trong nhóm, mối quan hệ hợp tác trước đây của các thành viên và kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp của họ. 

Dựa trên bộ cơ sở dữ liệu độc đáo về các phán quyết được ban hành bởi ICSID từ năm 1972-2018, nhóm tác giả nhận thấy rằng thời gian giải quyết giảm đáng kể khi tranh chấp được giải quyết bởi một nhóm bao gồm các trọng tài viên có kinh nghiệm hoặc có chuyên môn đa dạng, trong khi đó thời gian tăng đáng kể khi các trọng tài viên đã có cơ hội làm việc cùng nhau trong các vụ việc trước đây. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một nhóm trọng tài có sự khác nhau về giới tính sẽ mất nhiều thời gian hơn để giải quyết tranh chấp. Mặc dù chúng ta hoàn toàn có cơ sở để loại trừ giả thiết cho rằng các trọng tài viên (nữ) có năng lực không cao, bất kỳ diễn giải nào liên quan phát hiện cuối cùng này cũng nên lưu ý một thực trạng rằng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào giải quyết các tranh chấp ICSID đang ở mức rất thấp. Một môi trường thiếu đi các trọng tài viên nữ có thể đã gián tiếp tạo ra những xung đột về giới trong quá trình giải quyết tranh chấp, và vô hình chúng sẽ kéo dài thời gian xử lý công việc chung. Cuối cùng, điều thú vị là chất lượng của phán quyết cuối cùng dường như không bị ảnh hưởng bởi các đặc điểm trên của nhóm trọng tài.

Đóng góp mới của nghiên cứu này là nhóm tác giả áp dụng cách tiếp cận liên ngành dựa trên các tài liệu học thuật trong lĩnh vực khoa học pháp lý và khoa học quản lý. Do đó, kết quả nghiên cứu có những đóng góp nhất định về mặt lý thuyết cho cả hai lĩnh vực này. Đối với lĩnh vực khoa học quản lý liên quan đến hiệu suất nhóm, các công trình hiện tại chủ yếu xem xét các nhóm trong đó các thành viên khi làm việc cùng nhau đều có chung một mục tiêu. Bài viết này đã đóng góp vào các công trình nghiên cứu về hiệu suất nhóm khi nghiên cứu tình huống mà trong đó các thành viên có khả năng có các mục tiêu cá nhân mâu thuẫn nhau, tương tự như cách tiếp cận của Pearsall và Venkataramani (2015). Đối với lĩnh vực khoa học pháp lý về tranh chấp quốc tế, các công trình dường như mới tập trung vào các kết quả giải quyết của trọng tài mà bỏ qua việc phân tích hiệu quả giải quyết tranh chấp. Do đó, bài viết này đóng góp vào khoảng trống nghiên cứu bằng cách tập trung nghiên cứu hiệu suất của các trọng tài viên trong việc giải quyết tranh chấp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy việc hình thành đội nhóm trọng tài có tác động quan trọng đến hiệu suất giải quyết tranh chấp. Liên quan đến các hàm ý chính sách, nghiên cứu còn cho phép trả lời câu hỏi: Làm thế nào để tạo ra một nhóm trọng tài hiệu quả? Do các trọng tài viên không có sự hợp tác trước đó sẽ giải quyết tranh chấp nhanh hơn, một khuyến nghị chính sách là các bên đương sự cần chú ý đến việc thay đổi thành phần của nhóm trọng tài hiện có hoặc tạo điều kiện cho các trọng tài viên mới, trẻ ngoài “mạng lưới” tham gia. Xem xét các kết quả liên quan đến kinh nghiệm cá nhân và nền tảng chuyên môn của các trọng tài viên, một gợi ý khác là các bên tranh chấp nên thành lập nhóm với các trọng tài viên có kinh nghiệm và có chuyên môn đa dạng.

Trong quá trình hoạt động, Trung tâm ICSID đã liên tục xây dựng quy trình lấy ý kiến để hiện đại hóa các quy tắc giải quyết tranh chấp. Công chúng, bao gồm cả các nhà khoa học, tổ chức quốc tế hay trọng tài viên… đều có quyền đóng góp ý kiến về các đề xuất sửa đổi. Các chủ điểm thảo luận để nâng cao chất lượng chủ yếu tập trung vào khía cạnh thời gian giải quyết tranh chấp, chi phí và tính minh bạch của trọng tài. Do đó, nghiên cứu này đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới các cuộc thảo luận luận chung bằng cách nhận diện và đề xuất các giải pháp nhằm tăng hiệu quả của trọng tài đầu tư quốc tế, trong đó nhấn mạnh việc cải tổ đội ngũ trọng tài để có thể giải quyết tranh chấp tại ICSID một cách hiệu quả và năng suất hơn.

>>> THÔNG TIN BÀI BÁO

Vu, D., Pezzoni, M. & Nguyen, D. L. (2021). Arbitrator Teams and Dispute Resolution Performance: An Empirical Analysis. European Journal of Law and Economic, 51, 347-381.

https://doi.org/10.1007/s10657-021-09689-3

>>> GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ

TS. Vũ Duy hiện là Phó Phòng Đào tạo kiêm giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Sau khi tốt nghiệp cử nhân xuất sắc tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, anh nhận học bổng toàn phần cho chương trình đào tạo bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Cộng hòa Pháp. TS. Vũ Duy có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế cũng như từng tham gia cộng tác nghiên cứu với Trung tâm Nghiên cứu Luật, Kinh tế và Quản lý tại Pháp (GREDEG-CNRS), Viện Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Anh là tác giả của nhiều bài báo đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Hướng nghiên cứu và giảng dạy chính của TS. Vũ Duy gồm: Kinh tế chính trị, kinh tế học thể chế, lịch sử các học thuyết kinh tế, kinh tế học ứng dụng.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành