PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn tiếp tục những chia sẻ thẳn thắng về quan điểm và nhận định nghiên cứu của ông trước khả năng thành lập thành công Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC vào ngày 31/12/2015.
Chênh lệch trình độ phát triển giữa các nước thành viên đang được xem là một trong những nguy cơ lớn nhất đe dọa sự thành công của AEC. Ông có nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Có thể nói hầu hết các liên kết kinh tế trên thế giới, kể cả những liên kết được coi là thành công đều phải đối mặt với chênh lệch phát triển. Ví dụ như NAFTA, bao gồm Mỹ, Canada và Mehico, rõ ràng vẫn có chênh lệch phát triển. Hay như EU với 28 quốc gia thành viên cũng đều có sự chênh lệch phát triển.
Như vậy, với câu hỏi được đặt ra, chênh lệch phát triển là một nguy cơ thì không phải. Nó là “obstacle”, một rào cản, một khó khăn mà ASEAN phải vượt qua để tiến tới một cộng đồng kinh tế chung.
Bản thân ASEAN cũng nhận thức được điều này và cũng đã có một số biện pháp giúp thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa các nước thành viên. Ví dụ, ASEAN thực hiện các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc Chương trình Sáng kiến hội nhập ASEAN (AIA)… thông qua các chương trình này, giúp các nước CLMV nâng cao năng lực, bằng các hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính và một loạt các dự án phát triển để phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao nguồn nhân lực, thông tin…để làm sao thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN với nhau, đặc biệt giữa các nước ASEAN 6 và các nước CLMV.
|
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (thứ 2 từ phải sang) - Trưởng đoàn nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước “Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam” thực hiện khảo sát tại Singapore và Indonesia, tháng 12/2013 |
Trong một nghiên cứu cá nhân đã xuất bản, ông có đưa ra nhận định:“ASEAN không có một cơ chế điều hành độc lập có thẩm quyền điều phối chung cũng như thúc đẩy các nước thành viên thực hiện cam kết hội nhập”, trong phân tích về khả năng thành công của AEC 2015. Cụ thể luận điểm này là gì, thưa ông?
Đó là bài nghiên cứu tôi đã viết từ khoảng năm 2005-2007. Nhưng nếu các bạn quay trở lại lịch sử hình thành của ASEAN, các bạn sẽ thấy một số luận điểm được hình thành theo một hướng khác, đã cũ rồi.
Năm 1997, ý tưởng thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN được đưa ra, trong tầm nhìn ASEAN 2020. Lúc ấy, ASEAN muốn có một khu vực phát triển ổn định, có tính cạnh tranh cao, và hội nhập vào khu vực và toàn cầu. Vào 2003, ASEAN chính thức hóa việc thành lập AEC, nhưng không phải vào năm 2020 mà vào năm 2015. Vào năm 2007, ASEAN đưa ra Kế hoạch AEC 2007 (AEC Blueprint), lúc bấy giời mới cụ thể hóa mục tiêu và các lộ trình thực AEC tới năm 2015.
Như vậy, vào thời điểm từ năm 2007 trở đi, ASEAN mới có một lộ trình cụ thể để thực hiện, thông qua Kế hoạch AEC 2007. Như vậy là có kế hoạch cụ thể, có lộ trình cụ thể chứ không phải không.
Tới năm 2012, theo AEC Scorecard - Bảng điểm thực hiện AEC, lúc bấy giờ mới thực hiện được khoảng 72% khối lượng công việc cho sự thành lập AEC. Lúc bấy giờ, các nhà lãnh đạo của ASEAN mới quyết định lùi thời gian thành lập AEC từ tháng 1/2015 đến cuối năm 2015.
Năm 2013, theo AEC Scorecard, hơn 79% mục tiêu đặt ra đã được thực hiện. Nhưng, 20% còn lại là những việc quan trọng và rất khó. Như vậy, điều ấy có nghĩa là có kế hoạch, có lộ trình cho sự ra đời của AEC.
Tuy nhiên, trong vòng 6 năm (từ 2007 đến 2013), ASEAN mới thực hiện được 79% khối lượng công việc. Trong khi chỉ còn chưa đầy hai năm nữa với hơn 20% công việc…
Đó là những công việc quan trọng, nhạy cảm và phức tạp.
Cụ thể 20% này bao gồm các công việc gì, thưa ông?
Một số vấn đề hiện ASEAN đang phải giải quyết để hướng tới AEC vào năm 2015 như: thu hẹp khoảng cách phát triển, các vấn đề liên quan tới thỏa thuận lao động, vấn đề liên quan tới phát triển DN vừa và nhỏ, các vấn đề đưa các thỏa thuận của ASEAN vào luật pháp của từng nước và phát triển một hệ thống giám sát có hiệu quả hơn. Đó là một số vấn đề nêu lên, chưa phải toàn bộ các vấn đề.
Nguy cơ gì sẽ xảy ra đối với các nền kinh tế nếu con số 20% này không được hoàn thành?
Hướng tới năm 2015, có hai luồng quan điểm, một là AEC không thể ra đời được. Bởi vì sao? Như anh nói, một thời gian dài mới thực hiện được gần 80% công việc, trong khi 80% này gồm các công việc nhẹ nhàng, còn hơn 20% là khó khăn.
Quan điểm thứ hai, là việc này chẳng quan trọng. Vào năm 2015, các nước ASEAN sẽ tuyên bố là Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập. Để nhìn nhận điều này, người ta hay lấy ví dụ một cốc nước chỉ đầy một nửa. Người nào nhìn vào phần trên sẽ nói rằng cốc nước này không đầy. Người nào nhìn vào phần dưới sẽ bảo đã được chừng này rồi; như vậy là trong tương lai nó sẽ đầy. Vậy việc này phụ thuộc vào cách nhìn nhận.
Quan điểm của tôi là việc AEC tuyên bố thành lập vào năm 2015 hay tuyên bố không được thành lập vào năm 2015 là không quan trọng. Vì Cộng đồng Kinh tế ASEAN là một tiến trình hội nhập tạo cơ hội cho sự phát triển của mỗi thành viên ASEAN, đặc biệt là cơ hội để cải cách môi trường kinh doanh trong nước, làm môi trường kinh doanh trong nước tốt hơn lên. Điều này, tôi nhắc lại một lần nữa, mới là điều quan trọng. Còn những gì chưa đạt được của các nước ASEAN khi họ tuyên bố thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tiếp tục được thực hiện.
Vậy đến năm 2015 thì sao, những thì thách thức, thuận lợi, sau 2015 thì sao, thì AEC không phải là một cái gì đó bùng nổ, không phải là cái gì đó đột phá, bởi vì nó là một tiến trình mà. Chỉ đến đấy, nó đã làm được một khối lượng công việc như thế này, và còn một số công việc phải làm, thế thôi. Và nó sẽ rút được kinh nghiệm đã làm được bao nhiêu việc để giúp làm tiếp những công việc tiếp theo. Cần phải nhìn nhận như thế. Và tiến trình này là một tiến trình khả thi chứ không phải tiến trình bất khả thi. Nó khác với sự kiện ra đời đồng tiền chung của EU, bởi đồng tiền chung ra đời tạo ra những khác biệt hoàn toàn về chất. Ở đây không hẳn như vậy, đây chỉ là tạo các điều kiện thuận lợi, cho phát triển tốt hơn.
Nhưng trên thực tế, việc ra mắt AEC đã được lùi lại 335 ngày, từ ngày 31/1 đến 31/12/2015. Ông có bình luận gì về việc này?
Điều này thật ra là tích cực. Vì việc lùi lại chỉ gần 1 năm. Vào thời điểm 2012, các nước ASEAN nhận thấy rằng khối lượng công việc hoàn thành chỉ mới đạt 72%, có rất nhiều việc cần phải làm để đạt được những mục tiêu mà ASEAN Blueprint đặt ra. Nên việc lùi lại rất bình thường, không có vấn đề gì cả. AEC là một tiến trình hội nhập, có những mục tiêu, lộ trình từng giai đoạn một. Đến giai đoạn này chưa thực hiện được thì có thể lùi lại một chút để có thể thực hiện được tốt hơn. Theo quan điểm này, thì không có vấn đề gì trong câu chuyện đó.
Xin cảm ơn ông!
____________
Tin liên quan:
Xem bài gốc >>