Các giải pháp được TS. Nguyễn Đức Thành đưa ra có thể cần trộn lẫn để đưa ra một gói giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề nợ xấu hiện nay.
Tại buổi Tọa đàm Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức ngày 9/9, TS. Nguyễn Đức Thành đã trình bày một số ý kiến về việc xử lý nợ xấu.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, câu chuyện tranh luận hiện nay là dùng nguồn lực nào để xử lý nợ xấu. Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cũng chỉ là một giải pháp tình huống cấp bách khi thiếu nguồn lực để giải quyết nợ xấu.
|
TS. Nguyễn Đức Thành |
Đến thời điểm này, theo quan sát của TS. Nguyễn Đức Thành thì Việt Nam có 4 lựa chọn, có thể dùng riêng hoặc dùng lẫn.
Thứ nhất là bơm tiền vào hệ thống từ ngân sách công, tuy nhiên Chính phủ hiện không còn ngân sách nữa bởi hiện thâm hụt ngân sách đã tới 5%/năm và trần nợ công tới 65% GDP đến 2020. Theo một tính toán khác, để làm được điều này, Việt Nam cần duy trì thâm hụt ngân sách 4%/năm từ nay đến 2020, nếu vượt thì sẽ vượt trần nợ công. Nếu không muốn thâm hụt ngân sách hơn 4%/năm thì sẽ không thể bơm nguồn tiền lớn cho hệ thống ngân hàng. Một nguồn lực khả thi trong giải pháp là khoảng 5 tỷ USD từ nguồn thu bán các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra mạnh từ năm 2014.
Một giải pháp khác là NHNN tự xoay sở để có nguồn tiền bơm vào hệ thống. Quá trình này có thể đi liền với quá trình quốc hữu hóa tạm thời hoặc yêu cầu sáp nhập một số ngân hàng kém lành mạnh. Sau đó, khi kinh tế phục hồi, giá tài sản tăng trở lại thì NHNN có thể bán lại phần tài sản đã được quốc hữu hóa.
Giải pháp thứ 3 được TS.Nguyễn Đức Thành nhắc tới là thay đổi mạnh mẽ các quy định pháp luật liên quan đến phát mãi, mua bán tài sản thế chấp hoặc công trình, dự án liên quan đến các khoản nợ xấu. Trao thêm những đặc quyền đặc biệt cho VAMC để công ty này có thể thực hiện việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại.
Giải pháp cuối cùng - mà ông Thành cho rằng cả Chính phủ và người dân đều không muốn lựa chọn - là vay một khoản tiền thích hợp từ các tổ chức tài chính quốc tế và phối hợp với họ trong việc giám sát quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các khía cạnh có liên quan của nền kinh tế. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, có 3 nhóm có khả năng tham gia vào quá trình này là các tổ chức quốc tế truyền thống như IMF, các nhà đầu tư Nhật Bản và Trung Quốc.
TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng có thể cần trộn lẫn các phương án này để đóng góp, chịu đựng của nền kinh tế dàn ra và phải có 1 gói tổng thể để giải quyết vấn đề nợ xấu, phục hồi nền kinh tế.
Dù áp dụng bất cứ giải pháp nào trong số các giải pháp nêu trên thì cũng cần lưu ý rằng việc giải quyết nợ xấu không phải là một việc riêng của NHNN và hệ thống ngân hàng thương mại. Đây là việc liên quan đến toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi sự tham gia và trách nhiệm của toàn bộ các cơ quan nhà nước khác, bao gồm cả Chính phủ và Quốc hội, cùng với hệ thống doanh nghiệp nói chung...