Nhân lễ kỷ niệm 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, tôi muốn viết những dòng thành kính nói về thầy - cố GS. Đào Văn Tập - một trong những người sáng lập Khoa Kinh tế Chính trị, tiền thân của Trường ĐHKT ngày nay.
Khoa Kinh tế Chính trị - Trường ĐHTHHN (sau này là Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN) được Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) quyết định thành lập vào tháng 11/1974. Kể từ khi thành lập cho đến nay, Khoa đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và cột mốc đánh dấu là Trường ĐHKT được thành lập theo Quyết định số 290/QĐ-TTg ngày 6/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhớ lại những ngày đầu “Ban Khoa giáo Trung ương điều động GS. Trần Phương, lúc bấy giờ là Viện trưởng Viện Kinh tế thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) kiêm giữ chức vụ Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị của Trường ĐHTHHN; cố GS. Đào Văn Tập, lúc bấy giờ là Phó Viện trưởng Viện Kinh tế thuộc Ủy ban Khoa học Xã Hội Việt Nam kiêm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Khoa. Năm 1976, cố GS. Đào Văn Tập, khi đó là Viện trưởng Viện Kinh tế giữ chức Chủ nhiệm Khoa”.(1)
Thầy Đào Văn Tập làm Phó Chủ nhiệm khoa giai đoạn 1974 - 1976 và Chủ nhiệm khoa giai đoạn 1976 - 1989. Cho đến giờ, nhiều thế hệ sinh viên, học trò cũ vẫn nhớ về thầy - một nhà giáo mẫu mực, nhà kinh tế có tên tuổi và nhà quản lý dày dặn kinh nghiệm. Tôi được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm trợ lý tổ chức cho Ban Chủ nhiệm khoa, giai đoạn 1985-1993, nên vinh dự có cơ hội được giúp việc và gần gũi thầy trong thời gian từ năm 1985 đến khi thầy mất (năm 1989). thầy đã đi xa, nhưng sự nghiệp và nhân cách của thầy vẫn mãi mãi tỏa sáng cho các thế hệ sinh viên.
Người thầy của “trường đời” - Tỏa sáng về nhân cách
Do tính chất của công việc trợ lý tổ chức cho Ban Chủ nhiệm khoa nên tôi thường xuyên phải báo cáo, đề xuất, xin ý kiến thầy về các quyết định có liên quan đến công tác của khoa. Qua làm việc, tôi học được ở thầy nhiều đức tính quý báu và phương pháp làm việc khoa học. Trong khuôn khổ bài viết này, xin phép được nhắc về một số đức tính và phong cách làm việc của thầy mà đối với tôi vẫn mãi mãi là những ấn tượng không phai mờ:
Thứ nhất, đó là sự cẩn thận và chuẩn xác.
Đối với thầy, ngoài thời gian làm việc tại Quốc hội, Ủy ban KHXHVN và Viện Kinh tế, thầy đã lên lịch công tác làm việc tại Khoa Kinh tế Chính trị thường xuyên hàng tuần của tháng. Các văn bản tổ chức gửi lên cấp trên, tôi soạn thảo và viết tay (trước lúc đánh máy, những năm đó còn đánh máy chữ thủ công, chưa có máy vi tính), đều được thầy trực tiếp đọc, sửa chữa đến từng từ, từng cách diễn đạt.
Thứ hai, đó là phương pháp công tác khoa học.
Tuy khối lượng công việc của khoa ngày ấy không lớn như công việc của trường bây giờ, nhưng điều quan trọng tôi học được ở thầy là phương pháp làm việc khoa học: quyết định và xử lý các vấn đề có lý, có tình, công tâm và khoa học.
Thời đó, hầu hết cán bộ của khoa là cán bộ trẻ. “Năm 1980, khoa đã có 26 cán bộ, trong đó có 8 cán bộ nguyên là sinh viên khóa I của khoa; năm 1985, khoa có 32 cán bộ, trong đó có 9 cán bộ nguyên là sinh viên khóa II của khoa”.(2) Cán bộ trẻ của khoa được các thầy trong Ban Chủ nhiệm khoa, đặc biệt là thầy Tập, hướng dẫn tận tình và nghiêm khắc, nên đã nhanh chóng phát huy được năng lực trong nghiên cứu và giảng dạy.
Các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức cán bộ của khoa như vấn đề cử cán bộ đi đào tạo nghiên cứu sinh ở nước ngoài, trước hết căn cứ vào phẩm chất và năng lực, tiêu chuẩn quy định; thầy còn lưu ý quan tâm đến cán bộ trẻ, đã có những đóng góp cho sự phát triển của khoa. Trước lúc quyết định, thầy đều hỏi ý kiến cấp dưới, bàn bạc dân chủ trong Ban Chủ nhiệm khoa và có ý kiến của Chi ủy, thực hiện đúng nguyên tắc: tập trung dân chủ trong quản lý.
Thứ ba, đó là về ứng xử.
Ấn tượng sâu đậm trong tôi là những ứng xử đầy nhân văn của thầy đối với cán bộ và sinh viên. Qua các công việc ở khoa, tôi cảm nhận rất rõ tầm “nhìn xa trông rộng”, lòng đại lượng, nhân từ ở thầy. Có trường hợp cá biệt: sinh viên làm cán bộ lớp mắc khuyết điểm, nhưng phương pháp giải quyết của thầy là chỉ ra cho sinh viên đó thấy khuyết điểm, nhận lỗi và sửa chữa, phấn đấu vươn lên, nếu có kỷ luật cũng chỉ dừng ở mức độ mang tính giáo dục - “mở đường cho người ta làm lại” (trích dẫn từ bài viết của cố PGS.TS. Hoàng Kim Giao). thầy Giao là cấp phó cho thầy Tập trong nhiều năm đã viết: “Tôi coi ông như là người thầy của "trường đời", về đối nhân xử thế, về lòng nhân từ, về quản lý”.(3)
Thầy rất nghiêm túc nhưng cũng rất nhân hậu, bình dị và gần gũi với tất cả cán bộ viên chức trong khoa. Mặc dù bận nhiều công việc, nhưng các cán bộ trong khoa có chuyện vui, chuyện buồn thầy đều thăm hỏi động viên kịp thời; mỗi một cử chỉ hay lời nói của thầy đều rất thấm đượm tính nhân văn.
Những ứng xử đầy nhân văn của thầy đã tạo ra sức mạnh tinh thần, giúp cán bộ viên chức của khoa vượt qua mọi khó khăn của thời “bao cấp” để đứng vững kiên định công tác tại khoa, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ và ngày càng phát triển. Tập thể cán bộ viên chức và sinh viên của khoa luôn kính trọng và quý mến thầy.
Người thầy tỏa sáng về khoa học, chắp cánh cho các thế hệ sinh viên
Nhiều thế hệ sinh viên của Khoa Kinh tế Chính trị may mắn và vinh dự được nghe thầy Tập giảng bài về kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế tư bản chủ nghĩa vẫn còn in đậm những bài giảng có sức hấp dẫn, truyền cảm, lôi cuốn hàng trăm sinh viên chăm chú lắng nghe. Bài giảng của thầy không chỉ có tác dụng truyền đạt kiến thức, mà còn cao hơn, giúp cho sinh viên hình thành ý tưởng, tư duy khoa học và nuôi dưỡng ước mơ sau này.
“Có thể nói, từ năm 1974 đến những ngày cuối của cuộc đời, GS. Đào Văn Tập mặc dù bận rất nhiều công việc, nhưng luôn dành thời gian tham gia chỉ đạo và giảng dạy đại học, sau đại học tại Khoa Kinh tế Chính trị. GS. Đào Văn Tập đã góp phần quyết định trong việc xây dựng, củng cố và phát triển khoa.
Với kiến thức kinh tế sâu rộng, tấm lòng nhân hậu, tác phong giản dị, ông đã đào tạo nhiều thế hệ học trò. Hàng trăm, hàng ngàn sinh viên đã học tại khoa đang phát huy có hiệu quả kiến thức và phương pháp nghiên cứu khoa học mà GS. Đào Văn Tập cùng đội ngũ giáo sư, giảng viên của khoa truyền thụ. Nhiều sinh viên hiện nay đang là những nhà khoa học, nhà quản lý đảm nhận những cương vị chủ chốt tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Toàn bộ đội ngũ lãnh đạo Khoa Kinh tế hiện nay hầu hết đã từng là sinh viên của khoa, học trò của GS. Đào Văn Tập”.(4)
Với niềm say mê và tâm huyết với sự nghiệp đào tạo, những năm đầu thành lập Khoa Kinh tế Chính trị, GS. Đào Văn Tập đã trực tiếp xây dựng chương trình giảng dạy cho khoa với thời gian đào tạo 5 năm và trực tiếp phân công mời cộng tác viên tại các viện nghiên cứu, các trường đại học của trung ương và Hà Nội có năng lực về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm đến giảng dạy tại khoa. Thầy đã trực tiếp chỉ đạo và cùng với cán bộ giảng viên trong khoa thảo luận, xây dựng đổi mới các chương trình đào tạo của khoa lúc bấy giờ.
Nhiều thầy cô chắc vẫn còn nhớ: vào các năm 1987 và 1988, có tháng một đến hai lần, được thầy mời ra nhà riêng (do điều kiện sức khỏe, việc đi lại của thầy thời gian đó đã khó khăn) để thảo luận xây dựng đổi mới chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và phù hợp với thời kỳ đổi mới.
Lĩnh vực kinh tế là những vấn đề rất thực tế. Thực hiện phương châm: học đi đôi với hành, lý luận phải gắn với thực tiễn, nên việc đào tạo sinh viên được gắn chặt với thực tế. Năm thứ nhất, sinh viên đi khảo sát thực tế 1 tuần, năm thứ hai đi thực tập nông nghiệp 1 tháng, năm thứ ba thực tập công nghiệp 2 tháng, năm thứ tư thực tập tổng hợp (liên ngành) 3 tháng và năm thứ năm sinh viên thực tập, viết luận văn trong một học kỳ cuối về những vấn đề lý luận kinh tế vĩ mô.
Phương châm và nội dung thực tế, thực tập của sinh viên được thầy xây dựng và triển khai ở trên có ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp. Gần 40 năm trôi qua, những nội dung, tư tưởng và định hướng của thầy về công tác đào tạo vẫn có giá trị hiện thực và tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong giai đoạn hiện nay.
Thầy Đào Văn Tập không chỉ là nhà sư phạm tài năng, mà còn là nhà khoa học tận tụy, có kiến thức uyên bác, sâu rộng và vững chắc về lĩnh vực kinh tế học. “Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã phục vụ các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Ông là một báo cáo viên thường xuyên tại Tiểu ban Lý luận Trung ương của Đảng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trường Chinh về những vấn đề kinh tế chính trị của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản hiện đại. Bản báo cáo của ông về chiến lược toàn cầu của Mỹ được trình bày đầu tiên ở đây và sau đó đã được sử dụng rộng rãi làm tài liệu tham khảo ở các cơ quan đối ngoại và nghiên cứu quốc tế của Đảng và Nhà nước trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Một số kết quả nghiên cứu của ông đã được công bố dưới dạng các bài báo về kinh tế Mỹ, Anh, Pháp và quan hệ kinh tế quốc tế đăng trên các tạp chí lý luận và khoa học (Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế) và các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Nhân dân, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam), hay những báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức ở trong nước và ở nước ngoài.
Ông là chủ biên và đồng tác giả nhiều công trình nghiên cứu tập thể mà tiêu biểu là những cuốn “45 năm kinh tế Việt Nam (1945-1990)” (1990), “Bàn về cải tạo công thương nghiệp tư bản, chủ nghĩa tư doanh ở miền Bắc nước ta” (1959)... Ông còn là tác giả một số cuốn sách về kinh tế Trung Quốc. Một trong những tác phẩm mà ông tâm đắc nhất là cuốn “Chiến tranh Việt Nam và kinh tế Mỹ” (NXB. KHXH, 1973) đã được dịch ở Mỹ, Nhật Bản và được giới thiệu tại một số nước khác trên thế giới. Với công trình khoa học này, ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005 vì đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển khoa học kinh tế phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN”.(5)
GS. Đào Văn Tập là một trong số không nhiều nhà kinh tế học được Hội đồng Chính phủ phong học hàm giáo sư đợt đầu tiên năm 1980 và được đánh giá như là một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của Việt Nam.
Lời kết
Năm tháng trôi qua nhưng tên tuổi và sự nghiệp cao cả của thầy vẫn mãi mãi tỏa sáng cho nhiều thế hệ sinh viên tiếp bước. Trường ĐHKT hiện nay có nhiều đổi mới và phát triển, kế thừa những di sản mà cố GS.Đào Văn Tập đã để lại. Các thế hệ sinh viên - học trò của thầy mãi mãi kính trọng thầy, biết ơn thầy vì thầy là một trong những người đầu tiên khai sinh ra Khoa Kinh tế Chính trị, đặt cơ sở nền tảng cho sự thành lập và phát triển của Trường ĐHKT ngày nay.
Hiểu và viết về thầy đối với tôi vẫn còn nhiều hạn chế nhưng với sự thành kính và tri ân đối với thầy, tôi vẫn mạnh dạn viết. Đây chỉ là phần rất nhỏ viết về thầy và cũng chưa nói hết công lao, sự nghiệp của thầy; đồng thời cũng chưa nói hết tình cảm quý mến của nhiều thế hệ cán bộ và sinh viên đối với thầy.
_________________
(1) Khoa Kinh tế - ĐHQGHN, “Khoa Kinh tế 30 năm xây dựng và phát triển”, NXB. ĐHQGHN, tr.7-8.
(2) Khoa Kinh tế - ĐHQGHN, “Khoa Kinh tế 30 năm xây dựng và phát triển”, NXB. ĐHQGHN, tr.7-8.
(3) PGS.TS. Hoàng Kim Giao, “Thầy tôi”, trong cuốn: “Khoa Kinh tế 30 năm xây dựng và phát triển” (1974-2004), Khoa Kinh tế - ĐHQGHN, NXB. ĐHQGHN, tr.51-52.
(4) Đào Lê Phương, “Người đặt viên gạch đầu tiên cho nền khoa học kinh tế ở Việt Nam”, trong cuốn: “100 Chân dung - Một thế kỷ ĐHQGHN”, NXB. ĐHQGHN, tr.526-532.
(5) Đào Lê Phương, “Người đặt viên gạch đầu tiên cho nền khoa học kinh tế ở Việt Nam”, trong cuốn: “100 Chân dung - Một thế kỷ ĐHQGHN”, NXB. ĐHQGHN, tr.526 - 532.