Tham dự hội thảo có: lãnh đạo các khoa Quản trị Kinh doanh, Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Tài chính Ngân hàng, các phòng, ban chức năng, các trung tâm nghiên cứu, cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên toàn trường. Hội thảo chào đón sự góp mặt của ban lãnh đạo Công ty Cổ phần TASCO và chuyên gia tư vấn Trần Ngọc Trung, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các cơ quan thông tấn báo chí.
Mở đầu hội thảo, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần TASCO đã chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp từ giữa những năm 1990. Với quan điểm “Luôn luôn chia sẻ, luôn luôn cho đi” của mình, ông Dũng đã đề cập đến nhiều bài học quý đã được ông đúc kết lại trong hơn 30 năm làm kinh doanh.
Bài học thứ nhất, ông đề cập về vấn đề xây dựng chiến lược. Bất kỳ một doanh nghiệp lớn hay nhỏ nào đều cần xây dựng chiến lược, trong đó công việc khó khăn nhất là phải xác định mục tiêu về thị trường, khách hàng và sản phẩm. Cần loại bỏ bớt các sản phẩm khó cạnh tranh và tập trung tất cả nguồn lực của doanh nghiệp vào một sản phẩm mục tiêu, dẫn đầu thị trường về sản phẩm đó.
Bài học thứ hai liên quan đến vấn đề quản trị chất lượng. Theo quan điểm của ông Dũng, chất lượng cần được hiểu một cách toàn diện bởi nó chính là yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ kinh tế hiện nay. Vì vậy, chất lượng chính là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình hoạt động kinh doanh của TASCO.
Bài học thứ ba liên quan đến việc xây dựng hệ thống quản trị tốt, đặc biệt là quản trị nhân sự vì theo ông Dũng, cạnh tranh của doanh nghiệp chủ yếu là cạnh tranh bằng nhân tài. Doanh nghiệp cần phải có phương pháp đánh giá, nhận xét, chia sẻ tốt với nhân sự. Về phía TASCO, phương pháp được sử dụng đó là khuyến khích động viên là chính, hạn chế kỷ luật.
Cuối cùng, ông dành lời khuyên cho các bạn sinh viên Trường ĐHKT về con đường dẫn tới thành công thông qua 3 câu hỏi: “Mục tiêu của bạn là gì? Lĩnh vực ngành nghề thích kinh doanh? Có đam mê và quyết tâm không?”.
Tiếp theo Hội thảo, TS. Trần Ngọc Trung - Chuyên gia tư vấn của CBI đã trình bày về “Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu quá trình sản xuất kinh doanh”. Theo quan điểm của ông, để xây dựng năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp phải có năng suất tốt. Năng lực cạnh tranh/năng suất lao động là chìa khóa để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Điều này có thể đạt được thông qua tái cấu trúc doanh nghiệp.
Để một doanh nghiệp tái cơ cấu thành công, TS. Trần Ngọc Trung chia sẻ ba bài học kinh nghiệm.
- Hãy thách thức quan niệm/suy nghĩ của bạn và doanh nghiệp; quan niệm sáng tạo, hợp lý, thường xuyên thay đổi và bổ sung là tiền đề cho quá trình tái cơ cấu thành công.
- Tái cơ cấu là một quá trình phức tạp, mất nhiều thời gian, do đó đòi hỏi phải có cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên.
- Tái cơ cấu là thay đổi một cách cơ bản và triệt để các quá trình kinh doanh để tạo ra sự bứt phá trong hoạt động tổ chức. Vì vậy, các doanh nghiệp cần bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ tại từng bộ phận với các mục tiêu rõ ràng trước khi điều chỉnh tổ chức, nguồn vốn, nhân sự…
Nối tiếp chương trình, Hội thảo đã lắng nghe rất nhiều các câu hỏi từ phía sinh viên được đặt ra cho ông Phạm Quang Dũng và TS. Trần Ngọc Trung, cùng các ý kiến thảo luận sôi nổi của các chuyên gia, các giảng viên như: PGS.TS. Đỗ Minh Cương - Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Mạnh Tuân - Trưởng phòng Đào tạo, TTS.Nguyễn Đăng Minh, ThS. Đỗ Tiến Long… Đặc biệt trong số các ý kiến thảo luận, TS.Nguyễn Đăng Minh đã chia sẻ kinh nghiệm lý thú đã được áp dụng tại Nhật về việc sử dụng “Tiền cảm tạ” như một phần thưởng dành cho những nhân viên về hưu đã cống hiến trọn đời cho công ty.
Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS.Trần Anh Tài kết luận các bài trình bày của các diễn giả đã đưa ra những bài học thực tiễn sinh động, sâu sắc về tri thức khoa học cho người nghe. Đó là những kiến thức rất bổ ích cho giảng viên và sinh viên. Trong thời gian tới nhà trường sẽ tăng cường thu hút các nhà kinh doanh tham gia vào công tác giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm với nhà trường và thực hiện gắn kiến thức lý thuyết với thực tế thông qua trải nghiệm cho sinh viên nên cần sự giúp đỡ của các doanh nghiệp. Về phía công ty TASCO, qua bài thuyết trình của ông Phạm Quang Dũng, PGS.TS Trần Anh Tài nhận thấy có rất nhiều điểm tương đồng về mục tiêu cũng như chiến lược phát triển của Nhà trường và Công ty. Chính vì vậy, PGS.TS Trần Anh Tài hy vọng trong tương lai, hai bên sẽ cùng hợp tác trong các lĩnh vực tư vấn, nghiên cứu và đào tạo; thông qua đó giúp Nhà trường tăng cường tính thực tiễn cho các giảng viên và sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp nói chung và Công ty cổ phần TASCO nói riêng.