Nằm trong khuôn khổ đề tài "Nâng cao hiệu quả mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với doanh nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến 2020" do TS. Trần Thế Nữ, Phó chủ nhiệm Khoa Kế toán Kiểm toán (KTKT) chủ trì, nhóm nghiên cứu liên khoa Tài chính Ngân hàng(TCNH) – Kế toán Kiểm toán của trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã có chuyến đi thực tế học tập kinh nghiệm tại tỉnh Quảng Ninh từ này 08-10/07. Tham dự cùng Đoàn là Lãnh đạo và các cán bộ phòng, ban chức năng Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Ninh Bình.
Tiếp đón Đoàn trong ngày làm việc đầu tiên là đại diện Sở Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Quảng Ninh, gồm có bà Đặng Thị Thanh Thủy - Phó giám đốc, ông Vũ Xuân Hoài - Trưởng phòng Dạy nghề, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó trưởng phòng Dạy nghề và ông Nguyễn Nam Thắng - Phó trưởng phòng Dạy nghề. Thay mặt Sở LĐTBXH, Bà Đặng Thị Thanh Thuỷ đã giới thiệu những đặc điểm chính về bộ máy tổ chức, cơ cấu hoạt động của Sở, đồng thời khái quát tình hình, nội dung và đặc thù hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh Quảng Ninh.
TS. Trần Thế Nữ - Chủ nhiệm đề tài tặng quà lưu niệm cho Lãnh đạo Sở LĐTBXH Tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh là tỉnh mang những nét đặc thù riêng về dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là trong bộ máy điều hành quản lý. Cụ thể, Tỉnh là địa phương đi tiên phong trong việc phân quyền chức năng quản lý hoạt động giáo dục đào tạo tại địa phương. Theo đó, Sở LĐTBXH là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về hoạt động giáo dục dạy nghề. Không chỉ thế, việc phân cấp triệt để cho chính quyền cấp xã, huyện trực tiếp triển khai hoạt động đào tạo cũng được Tỉnh triển khai một cách nhanh chóng ngay sau khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Bên cạnh việc phân cấp, phân quyền một cách rõ ràng, công tác giám sát và kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo cũng được Tỉnh chú trọng.
Chương trình dạy nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Tỉnh được xây dựng theo hướng sát với nhu cầu thực tế của người lao động và của doanh nghiệp tại địa phương. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ sau đào tạo, đảm bảo người lao động có việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, điểm mấu chốt cho thành công của đề án chính là thay đổi nhận thức “mong muốn thoát nghèo” của người lao động tại nông thôn, do đó, hoạt đông tuyên truyền thay đổi nhận thức luôn được xây dựng một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại từng cấp cơ sở. Đây cũng chính là 3 nội dung quan trọng nhất trong việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của tỉnh Quảng Ninh.
Sau buổi làm việc với lãnh đạo cấp tỉnh, Đoàn đã xuống làm việc và trao đổi với lãnh đạo ở từng cấp cơ sở của địa phương; trực tiếp tham quan và học tập kinh nghiệm tại một số cơ sở đào tạo để tìm hiều về hoạt động du lịch và dạy nghề gắn với du lịch địa phương như TP. Hạ Long, Vân Đồn và Quan Lạn.
Kết thúc chuyến công tác tại Tỉnh Quảng Ninh, Đoàn đã thu thập được những thông tin và kinh nghiệm cần thiết về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây sẽ là những luận cứ, cơ sở để nhóm đề tài do TS. Trần Thế Nữ chủ trì hoàn thiện nội dung đề tài “Nâng cao hiệu quả mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với doanh nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến 2020”.