Sáng ngày 23/3/2013, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức seminar với chủ đề “Đổi mới Quản lý Nhà nước về kinh tế”.
Diễn giả của seminar là TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Tham dự seminar có PGS.TS Phan Huy Đường - Chủ nhiệm bộ môn Quản lý kinh tế (Khoa Kinh tế Chính trị), TS. Nguyễn Trúc Lê - Phó chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, TS. Nguyễn Xuân Dũng và TS. Nguyễn Thị Bích Như - giảng viên cùng các học viên lớp cao học QH-2012-E chuyên ngành Quản lý Kinh tế (khóa 21).
Mở đầu là phát biểu của PGS.TS Phan Huy Đường giới thiệu về thành phần tham gia và nội dung, mục đích của buổi seminar. Tiếp sau đó là phần trình bày của diễn giả Trần Kim Chung. Trước khi tiếp cận vấn đề đổi mới quản lý Nhà nước về kinh tế, TS. Trần Kim Chung khái quát những vấn đề lý luận về quản lý Kinh tế, trình bày quá trình đổi mới, chức năng, nhiệm vụ và phương thức quản lý Nhà nước về kinh tế trong thời gian qua.
Dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn nói trên, trong những phần tiếp theo, tiến sĩ đã đưa ra những đánh giá chung về phương thức còn nhiều bất cập trong quản lý Nhà nước về kinh tế ở nước ta hiện nay. Từ đó, diễn giả đặt ra những vấn đề đối với việc tiếp tục đổi mới chức năng, nhiệm vụ và phương thức quản lý Nhà nước về kinh tế trong thời gian tới. Cuối cùng, dựa trên những quan điểm đó, tiến sĩ đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý Nhà nước về kinh tế. Cách tiếp cận và triển khai vấn đề của TS. Trần Kim Chung không hoàn toàn mới nhưng bài thuyết trình vẫn thu hút sự chú ý đặc biệt của các học viên bởi những ví dụ sắc bén phản ánh thực trạng quản lý Nhà nước về kinh tế ở nước ta hiện nay.
Sau phần trình bày là góp ý của PGS.TS Phan Huy Đường và phần hỏi đáp diễn ra rất sôi nổi giữa diễn giả - TS. Trần Kim Chung và các học viên lớp QH-2012-E.CH.
Hội thảo đã đem đến cho các học viên một cái nhìn tổng quát về thực trạng quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta hiện nay. Những nhận định, đánh giá của chuyên gia sẽ là những gợi ý có ý nghĩa cho các thạc sĩ Quản lý Kinh tế trong tương lai.