Chiều ngày 22/3/2013, Nguyễn Minh Cường - cựu sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có buổi trình bày đề tài nghiên cứu “Lợi thế cạnh tranh của CHDCND Lào: Định vị và thực trạng các doanh nghiệp" tại seminar Nghiên cứu kinh tế và shính sách số 8 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thuộc Trường ĐHKT) tổ chức.
Buổi seminar có sự tham dự của TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cùng các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau trên địa bàn Hà Nội.
Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Minh Cường tổng hợp các lý thuyết về lợi thế cạnh tranh, chú trọng đến quan niệm về lợi thế cạnh tranh của M.Porter. Nghiên cứu đã điểm qua thực trạng, tình hình kinh tế - xã hội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, và đi sâu phân tích định vị ngành có lợi thế cạnh tranh của Lào theo phương pháp CANPP - một phương pháp mới mà nhóm nghiên cứu đưa ra.
Tác giả Nguyễn Minh Cường tốt nghiệp cử nhân Kinh tế chính trị của Khoa Kinh tế Chính trị (Trường ĐHKT - ĐHGQHN). Hiện nay, anh đang là nghiên cứu viên tại Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD).
Tác giả Nguyễn Minh Cường đã từng đạt giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2011 khi đang còn là sinh viên của khoa Kinh tế Chính trị với đề tài “Các mô hình dự báo khủng hoảng kinh tế và ứng dụng cho Việt Nam 2012 - 2015”. |
Theo đó, bài nghiên cứu đề cập đến nhóm ngành hàng “ngôi sao”, nhóm ngành hàng “cạnh tranh” và nhóm ngành hàng chiến lược của Lào. Ngành may mặc Lào - trọng tâm của bài nghiên cứu được đánh giá là có tiềm năng, nhiều cơ hội cũng như tồn tại những khó khăn trong quá trình nâng cao lợi thế cạnh tranh của ngành. Cũng từ đó, nghiên cứu đã đưa ra những khuyến nghị cho các nhà đầu tư khi có ý định đầu tư vào Lào.
Đan xen với phần trình bày bài nghiên cứu là những câu hỏi và phần thảo luận hết sức sôi nổi. Các vấn đề được quan tâm nhiều nhất chính là cách thức đặt ra các giả thuyết, thiết lập mô hình, phương pháp hoàn toàn mới. TS. Nguyễn Đức Thành cũng gợi ý thêm những hướng nghiên cứu mới nhằm giúp các tác giả có thể mở rộng và phát triển thêm bài nghiên cứu của mình.
Buổi seminar là dịp để tác giả chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu quý báu đến với các sinh viên quan tâm.