Trang tin tức sự kiện

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn: Trường đại học phải là điểm đến của tri thức

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT
Trải qua 40 năm truyền thống và 7 năm hoạt động với tư cách trường đại học thuộc hệ thống của ĐHQGHN, Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) được biết đến là một đơn vị đào tạo năng động và có tầm nhìn xa trong chiến lược phát triển. Khởi đầu không hề dễ dàng song nhờ kế thừa được nền tảng truyền thống từ đơn vị tiền thân, cùng với khát vọng đổi mới, Trường đã dần xây dựng được uy tín và thương hiệu riêng. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐHKT) đã chia sẻ cùng chúng tôi những câu chuyện xuyên suốt chiều dài phát triển của Trường - về sự vận động, cách vượt qua khó khăn và sự kiên định với mục tiêu để đạt đến thành công.


Đặt trọng tâm vào đào tạo phương pháp và tư duy

- Thưa thầy, Trường ĐHKT có một lịch sử phát triển đặc biệt, tiền thân là một đơn vị đào tạo có truyền thống và có vị trí trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam (Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), nền tảng ấy đã đem đến những giá trị gì cho sự phát triển của Trường sau này?

Tiền thân đầu tiên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là Khoa Kinh tế Chính trị (thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), được thành lập tháng 11/1974. Chủ nhiệm khoa đầu tiên và cũng là người sáng lập khoa là Giáo sư Trần Phương. Khoa có nhiệm vụ đào tạo ra các nhà kinh tế, nhưng không phải làm nghề chuyên sâu ở bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào, mà là những người có kiến thức nền, kiến thức tổng hợp để tham gia tư vấn chính sách, xây dựng chiến lược phát triển ở tầm vĩ mô cho nền kinh tế và giảng dạy kinh tế chính trị ở trình độ cao. Vào thời điểm đó, sinh viên các khoá đầu tiên của Khoa được chọn lọc từ những sinh viên giỏi của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tức là đầu vào có chất lượng rất cao. Khoa Kinh tế Chính trị đã đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên, trong đó có nhiều người thành đạt ở nhiều vị trí, thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, truyền thống đoàn kết trong tập thể cán bộ và sinh viên cũng là một đặc điểm nổi bật của Khoa.



Chuyên mục: nơi gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mõi cá nhân cán bộ, giảng viên và sinh viên tới Trường ĐHKT

GS. Trần Phương lúc bấy giờ còn đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Viện Kinh tế học (nay là Viện Kinh tế Việt Nam) và Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), do đó đã sớm thiết lập được sự kết nối chặt chẽ ngay từ đầu giảng dạy với nghiên cứu.

Những đặc trưng cơ bản ấy chính là những yếu tố cốt lõi trong truyền thống của đơn vị tiền thân qua các giai đoạn phát triển: Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội (1974-1994), Khoa Kinh tế thuộc Trường Đại học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN (1995-1999), Khoa Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (1999-2007).

Những đặc trưng kể trên đã được Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN gìn giữ, duy trì và phát triển cho đến bây giờ.

- Năm 2007, khi chính thức trở thành Trường ĐH Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN, Trường đã xác định hướng đi như thế nào để tạo sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh so với các đơn vị đào tạo khác?

Ngay từ khi mới thành lập, Trường đã sớm đặt ra các mục tiêu quan trọng sau:

Một là, Trường định hướng trở thành trường đại học nghiên cứu, dựa vào nghiên cứu và lấy nghiên cứu làm nền tảng, lấy nghiên cứu dẫn dắt quá trình đào tạo, để nâng cao chất lượng đào tạo.

Hai là, hoạt động đào tạo phải tiếp cận dần tới chuẩn quốc tế, các chương trình đào tạo (CTĐT) và chất lượng đào tạo phải ngày càng tiệm cận với các CTĐT và chất lượng của các đại học thế giới.

Ba là, các hoạt động của Trường phải gắn với thực tiễn của doanh nghiệp, địa phương và thực tiễn chính sách của Nhà nước.

Với những mục tiêu trên, Trường muốn góp phần thay đổi suy nghĩ của xã hội về trường đại học: đại học không chỉ có giảng dạy, không chỉ có lý thuyết, mà đại học còn có thể nghiên cứu và nghiên cứu tốt. Trường đại học phải lấy nghiên cứu làm cơ sở cho các hoạt động của mình, phải tư vấn được về chính sách, phương hướng phát triển cho các doanh nghiệp, địa phương. Có thể nói, Trường ĐHKT phát triển trên 3 chân kiềng là: Đào tạo chất lượng cao - Nghiên cứu khoa học gắn với công bố quốc tế - Tư vấn doanh nghiệp, địa phương, chính phủ.

- Vậy nét đặc thù riêng trong đào tạo của Trường là gì thưa thầy?

Một trong những điều quan trọng nhất khi đào tạo con người là đào tạo phương pháp tư duy, giải quyết vấn đề, khả năng thích nghi cao trong môi trường làm việc đầy biến động như hiện nay. Bởi thế giới biến đổi không ngừng và kiến thức cũng thay đổi rất nhanh, nếu chỉ chăm chú cung cấp kiến thức và kỹ năng thì sẽ “cũ” rất nhanh.

Tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm cho rằng trường đại học đào tạo ra thì doanh nghiệp sử dụng được sản phẩm đào tạo ngay. Trường đại học chỉ đào tạo, trang bị cho người học những kiến thức căn bản, còn doanh nghiệp khi muốn sử dụng lao động phải đào tạo thêm các kỹ năng riêng thích ứng với môi trường làm việc của họ. Đó hoàn toàn không phải sự lãng phí, vì mỗi doanh nghiệp đều có những bí mật riêng để chia sẻ cho nhân viên, có những yêu cầu riêng đối với người họ cần tuyển dụng. Nhưng quan trọng là những kỹ năng chuyên môn này chỉ được tiếp nhận tốt trên cơ sở kiến thức nền của đại học.

Bởi vậy, Trường Đại học Kinh tế luôn cố gắng xây dựng cho sinh viên nền tảng về phương pháp và tư duy là chính, chứ không đi quá sâu vào những chuyên ngành cụ thể. Mặc dù Trường vẫn có những chương trình đào tạo chuyên biệt như Tài chính - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán… nhưng tất cả những chương trình này đều được đào tạo trên nền kiến thức cơ bản về tư duy và phương pháp.

Thu hút cán bộ bằng cái “tâm”

- Mới thành lập mà Trường đã có những định hướng và nguyên tắc hoạt động ở “tầm cao” như vậy, hẳn khó khăn sẽ rất nhiều, Trường đã làm những gì để xây dựng nền tảng ban đầu?

   Thật sự là có rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu. Lúc đó, Trường chỉ có 1 - 2 bài báo khoa học được công bố quốc tế, chưa có một dự án hay hội thảo quốc tế lớn nào, cũng chưa chủ trì một đề tài cấp Nhà nước hay các dự án hợp tác với địa phương và doanh nghiệp nào. Đội ngũ cán bộ mỏng. Nếu bạn hỏi chúng tôi có cách đi nào thì câu trả lời là: Đi từng bước một và nỗ lực vượt bậc suốt một thời gian dài.

   Đối với người lãnh đạo, điều quan trọng nhất là xây dựng được đội ngũ có năng lực và tâm huyết. Khi chúng tôi tìm được một dự án nào đó, thì dùng dự án đó để xây dựng đội ngũ cán bộ cho Trường, kết nối với các nhà khoa học ở ngoài trường. Hoặc chúng tôi cố gắng phát huy ở mức cao nhất các mối quan hệ để giúp cán bộ của mình có cơ hội tham gia vào các dự án nghiên cứu lớn. Từ đó mới mở rộng thêm các mối quan hệ với nhiều đối tác, đồng thời nâng dần lực của đội ngũ cán bộ lên.

Chúng tôi cũng không ngại đầu tư mạnh vào các ý tưởng mới và khả thi. Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (nay là Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) trực thuộc trường là một ví dụ. Đây là công trình được đánh giá cao về ý tưởng, được đầu tư mạnh nên đã trở thành hình mẫu của một nghiên cứu độc lập và dài hạn, có tính chất tổng kết, đánh giá, góp phần tư vấn chính sách cho các cơ quan Nhà nước.

Tại hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014

Các chương trình đào tạo của Trường luôn tham khảo các chương trình của nước ngoài. Trường luôn cố gắng tìm kiếm đối tác nước ngoài để thực hiện trao đổi giảng viên, sinh viên; phối hợp nghiên cứu, đẩy mạnh công bố các bài báo quốc tế; không chạy theo quy mô mà đi vào thực hiện những CTĐT chất lượng cao, tiến tới đẳng cấp quốc tế; tập trung vào đào tạo sau đại học, mạnh dạn kiểm định CTĐT theo chuẩn của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN)… Đó là những bước đi kiên định của Trường giai đoạn đầu.

Cũng phải nói thêm rằng, do là đơn vị thành viên của ĐHQGHN, Trường được hưởng nhiều điều kiện thuận lợi như: thương hiệu ĐHQGHN là thương hiệu mạnh, có quan hệ quốc tế rộng, quan hệ với bộ ngành và các địa phương khá chặt chẽ…; tính đa ngành và liên thông mạnh giữa các đơn vị của ĐHQGHN giúp Trường thuận lợi trong thiết kế các CTĐT mang tính liên ngành với các ngành đào tạo khác.

- Như thầy chia sẻ ở trên thì xây dựng đội ngũ cán bộ mạnh là điều quan trọng nhất. Là người lãnh đạo, thầy thu hút cán bộ có năng lực về làm việc tại trường và giữ họ đồng hành với Trường trong thời gian dài bằng cách nào?

Phát triển đội ngũ là câu chuyện quan trọng nhất vì nó liên quan tới sự phát triển bền vững của trường. Điều không mong muốn nhất là nếu cán bộ làm việc tại Trường nhưng tinh thần lại hướng đi chỗ khác. Lãnh đạo Nhà trường có một triết lý “dùng” người là: ai có thế mạnh gì thì “dùng” thế mạnh ấy, không kỳ thị cá tính của mỗi cá nhân. Đó sẽ là những nhân lực tốt miễn sao họ phát huy được thế mạnh của mình phục vụ tổ chức.

Đối với những người làm khoa học, thu nhập chưa phải là yếu tố quyết định nhất. Quan trọng là họ có được cơ chế và môi trường làm việc để họ phát huy được hết sức sáng tạo và năng lực của mình. Trường ĐHKT không hứa là sẽ đem lại cho họ mức lương thật cao, nhưng hứa sẽ tạo cho họ mức thu nhập nhất định và cơ hội để họ tìm kiếm được thêm thu nhập từ chính năng lực của mình.

Rất nhiều cán bộ đồng cảm với tầm nhìn, khát vọng của Trường, mến mộ môi trường làm việc đề cao năng lực sáng tạo của cá nhân nên đã tìm đến với Trường ĐHKT. Đó là khi cá nhân và tổ chức có cùng chung những lợi ích và hướng đi. Các cá nhân có thể dịch chuyển, nhưng giá trị của tổ chức thì còn mãi. Để thực hiện được các mục tiêu phát triển, Trường ĐHKT phải thực sự trở thành cái nôi hội tụ của nhân tài.

- Nhiều cán bộ của Trường chia sẻ: họ đã cố gắng hơn 100% sức lực của mình cho sự phát triển của Trường giai đoạn đầu. Và phong cách của Trường ĐHKT là luôn tiến lên. Thầy đã làm như thế nào để xây dựng được văn hoá làm việc ấy?

Khi một người làm việc hơn 100% sức lực của mình thì chắc chắn họ nghĩ rằng sẽ được bù đắp lại một điều gì đó lớn hơn trong tương lai. Hai là họ thực sự muốn đóng góp cho sự phát triển của tổ chức ấy với một niềm tin mạnh mẽ. Và để bản thân nhân viên làm việc với hơn 100% sức lực thì họ phải thấy lãnh đạo của mình cũng phải làm việc với tinh thần như thế. Tấm gương của người lãnh đạo là rất quan trọng. Mình làm việc bằng cái tâm sáng, vì lợi ích chung thì nhân viên cấp dưới tự sẽ noi theo. Nếu vì lợi ích cá nhân, không sớm thì muộn, nhân viên sẽ thấy được và không còn tôn trọng người lãnh đạo, không còn tha thiết với sự phát triển của đơn vị nữa.

Về mặt quản lý, Nhà trường cố gắng có nhiều biện pháp đãi ngộ hoặc khuyến khích cán bộ cống hiến, ví dụ như: thưởng cho công bố quốc tế, cử cán bộ giảng viên đi trao đổi, nghiên cứu tại nước ngoài, tạo sự hài hòa trong thu nhập bằng cách tính thu nhập tăng thêm dựa trên năng lực, vị trí và hiệu quả công việc. Cơ chế làm việc luôn thuận lợi và “thoáng” ở mức cao nhất để tạo điều kiện cho mọi người làm việc, cống hiến.


Tinh thần đoàn kết - đồng đội là nét văn hóa đẹp mà tập thể cán bộ, giảng viên Trường ĐHKT đang nỗ lực xây dựng và phát huy

- Cho đến giờ, sau bao nỗ lực, thầy thấy tâm đắc nhất với những thành quả nào của tập thể cán bộ Trường?

Thành quả lớn nhất của Trường ĐHKT cho đến giờ là đã định hình được sự phát triển của mình như một trường ĐH thực thụ. Trường có sự phát triển toàn diện theo đứng định hướng ban đầu gồm: đào tạo chất lượng cao gắn với quốc tế, nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn doanh nghiệp, địa phương và chính sách.

Thành quả quan trọng thứ hai là Trường bước đầu tạo dựng được đội ngũ cán bộ khoa học của riêng mình, bao gồm nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau. Những nhóm nghiên cứu ấy đã bắt đầu tự phát triển độc lập được trên đôi chân của chính mình thông qua mở rộng được quan hệ hợp tác, tìm kiếm được các dự án, đề tài… Giảng viên của Trường đều có khả năng giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn. Đó là điểm khác biệt với nhiều nơi khác. Chỉ khi nào đội ngũ cán bộ có đủ những năng lực đó thì trường mới phát triển như một ĐH thực thụ.

Thành quả thứ ba là Trường ĐHKT đã bắt đầu xây dựng được thương hiệu riêng. Kèm theo đó là công việc và các đối tác đã bắt đầu tự tìm đến với trường.

Những điều kể trên mới nghe thì đơn giản nhưng để đạt được lại không hề dễ dàng. Phải nói rằng tôi tự hào về những gì mà tập thể cán bộ, sinh viên, học viên của Trường đã đạt được. Tất cả là nhờ Trường đã kiên định với định hướng nghiên cứu, với mục tiêu chất lượng cao và hội nhập quốc tế trong mọi lĩnh vực. Đó là con đường của sự phát triển bền vững. Bởi xu hướng phát triển chung cho thấy tất cả đều phải phát triển dựa trên cơ sở chất lượng và hiệu quả. Xã hội phát triển ngày càng phức tạp, nếu không dựa trên cơ sở nghiên cứu thì không bắt kịp sự phát triển và sẽ bị đào thải.

Ước mơ xây dựng một thương hiệu ĐH Việt Nam ở tầm quốc tế

- Trên phương diện cá nhân, thầy đã gắn bó với sự phát triển của Trường như thế nào?

Đó dường như là cái “duyên”. Khi còn làm việc ở Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tôi đã tham gia giảng dạy cho Khoa Kinh tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN từ năm 1997. Bên cạnh đó, mối quan hệ truyền thống khá gần gũi giữa Trường ĐHKT với các viện nghiên cứu đã giúp tôi am hiểu và quen thuộc với môi trường và hoạt động giảng dạy, nghiên cứu tại đây. Có lẽ có sự gặp nhau giữa mong muốn có tính chất cá nhân với mục tiêu phát triển của Trường. Tôi bị thu hút bởi tầm nhìn và khát vọng xây dựng một trường đại học theo hướng nghiên cứu với các hoạt động chất lượng, hiệu quả cao và mang tầm vóc quốc tế mà Hiệu trưởng tiền nhiệm là PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ (nay là Giám đốc ĐHQGHN) đã đưa ra. Bản thân tôi cũng ưa thích công việc nghiên cứu, giảng dạy và tổ chức các nhóm nghiên cứu.

Tôi muốn góp sức để tạo dựng một môi trường đại học với những sự khác biệt. Có lẽ cá nhân nào cũng sẽ có niềm tự hào khi được góp phần xây dựng một tổ chức tuyệt vời, tiên phong với những giá trị mới, với những hoạt động mang lại kết quả và lợi ích tốt cho xã hội và cho cộng đồng. Một tổ chức làm cá nhân ấy cảm thấy tự hào khi mình là thành viên.

- Là lãnh đạo cao nhất của một trường ĐH tuy trẻ nhưng có một tầm nhìn và mục tiêu lớn, thầy làm gì để bản thân vượt qua những áp lực?

Áp lực rất nhiều. Và điều khiến tôi vượt qua áp lực là mình luôn nghĩ mình không đơn độc. Còn có cả tập thể, những người bạn, những người đồng nghiệp cùng chí hướng ở xung quanh sẽ hỗ trợ mình.

Trong suy nghĩ cá nhân, tôi luôn cố gắng làm những điều đúng, bằng chính cái tâm, còn việc đạt được ở mức độ nào thì đó lại là câu chuyện khác. Nếu mình không vượt qua được cái đích đặt ra thì thế hệ tiếp nối sẽ làm việc đó. Cái quan trọng là những giá trị mà mình hướng tới. Mỗi cá nhân, tổ chức đều cần những giá trị riêng để theo đuổi, để không cảm thấy mệt mỏi và đặc biệt là không chùn bước để vượt qua thách thức và áp lực.

Cuối cùng thì đó là niềm tin vào những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với Trường trong tương lai.

- Mong muốn của thầy về Trường ĐHKT của tương lai?

Trường ĐHKT phải tạo dựng được một môi trường làm việc để ai cũng có thể phát huy hết năng lực của mình, có một đội ngũ có năng lực và tâm huyết trong giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn. Cao hơn nữa, trong hình dung và mong ước của cá nhân, tôi mong Trường ĐHKT có thương hiệu riêng, không chỉ trong nước mà còn ở tầm khu vực và quốc tế. Trường sẽ là một trong những nơi mà các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Việt Nam đến để tham vấn về các vấn đề có liên quan tới kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Trường sẽ là một trong những nơi mà các nguyên thủ, các nhà khoa học các nước đều muốn đến để phát biểu, trao đổi ý tưởng mới. Là một trong những nơi tập trung tri thức, là một trong những điểm đến của tri thức - đó mới thực sự là sứ mạng và tầm vóc của một trường ĐH của tương lai.

- Trân trọng cảm ơn thầy về những chia sẻ trên. Chúc thầy và Trường ĐHKT thực hiện được những mục tiêu của mình.


Thanh Hà - Mai Anh

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành