Về cơ bản, hệ thống giáo dục đại học nước ta được tổ chức theo hướng các trường đại học chuyên ngành, chuyên sâu về một lĩnh vực. Mô hình này rất có tác dụng đối với một nền kinh tế kế hoạch hóa cao độ, đến khi chuyển sang kinh tế thị trường bắt đầu bộc lộ những hạn chế. Hơn thế, cuộc sống xã hội và môi trường tự nhiên luôn đặt ra những bài toán mà không thể giải quyết một cách riêng biệt. Việc tiến hành đào tạo theo các chuyên ngành hẹp khó đáp ứng những nghiên cứu và đào tạo mang tính liên ngành cao.
Đại học đa ngành, đa lĩnh vực ra đời phù hợp với xu thế của thế giới, vừa nhằm khắc phục hạn chế của hệ thống giáo dục hiện nay.
Khi mới thành lập, ĐHQGHN được xây dựng trên nền tảng là những đại học khoa học cơ bản, mà gần như không có những lĩnh vực khoa học ứng dụng. Trong cơ cấu trước đây, ĐHQGHN chỉ có một khoa trực thuộc là Khoa Chính trị Kinh tế học nhưng thiên về lý luận chính trị, đào tạo các giảng viên giảng dạy tại đại học và cán bộ cho các cơ quan nghiên cứu. Khi thực hiện sứ mệnh của mình, thì nhu cầu phải có những lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu liên quan đến kinh tế học, quản trị kinh doanh trong cơ cấu đa ngành của ĐHQGHN ngày càng trở nên bức xúc. Trường ĐHKT ra đời trên nền tảng của nhận thức và nhu cầu ấy. Đây là một nhiệm vụ quan trọng nằm trong quy hoạch phát triển của ĐHQGHN.
- Vậy lãnh đạo ĐHQGHN nhìn nhận thế nào về các điều kiện phát triển của Trường ĐHKT lúc bấy giờ?
Việc xây dựng một trường đại học với các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế trong cơ cấu của ĐHQGHN dựa trên một nghiên cứu rất kỹ về hệ thống các trường đại học kinh tế hiện có ở Hà Nội cũng như trên quy mô toàn quốc. Việt Nam đã có một hệ thống các trường đại học chuyên về kinh tế với tất cả các lĩnh vực chuyên ngành của nó, trong đó có trường lớn như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Rồi rất nhiều trường đại học đào tạo nhân lực ở các chuyên ngành khác nhau của kinh tế như Đại học Thương mại, Đại học Tài chính Kế toán, Đại học Ngân hàng... Rõ ràng là Trường ĐHKT - ĐHQGHN có hình thành thì cũng không thể đi ra ngoài những ngành học đó.
Khó khăn lúc bấy giờ của lãnh đạo ĐHQGHN và Trường ĐHKT là luận giải thế nào về sự ra đời của thêm một trường đại học kinh tế nữa khi hệ thống các đại học chuyên ngành kinh tế đã hoàn chỉnh, luận giải thế nào về khả năng đuổi kịp những trường đại học khác khi mình vừa mới ra đời xong?
Điều dễ nhận thấy là các trường đại học hiện có đang phải đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực đại trà của xã hội. Trên cơ sở đó, mục tiêu, sứ mệnh của Trường ĐHKT đã được xác định đúng ngay từ ban đầu là: Phải đóng vai trò tiên phong, đáp ứng nhu cầu chất lượng cao của xã hội và đi vào những ngành mũi nhọn của lĩnh vực kinh tế. Trường đã xác định được lợi thế của người đi sau, lợi thế của một trường đại học thành viên trong cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN, và sau nữa là lợi thế từ sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo ĐHQGHN. Có thể nói rằng cả cái khó và thuận lợi đều nằm ở việc “sinh sau đẻ muộn” của Trường ĐHKT.
- Liệu có mâu thuẫn giữa mục tiêu chất lượng cao với tuổi đời non trẻ của một đại học?
Chất lượng đào tạo cao không phụ thuộc nhiều lắm vào tuổi đời. Chất lượng có thể cao được ngay nếu ta đi đúng đường, tiếp cận với công nghệ hiện đại. Trên thực tế, đào tạo ngành Quản trị Kinh doanh nằm ở Khoa Kinh tế dù mới nhưng ngay từ đầu đã đạt chất lượng khá cao. Có chương trình tốt, đội ngũ thầy tốt, điều kiện học tốt, quản trị quản lý tốt là có chất lượng cao thôi. Với những ngành mới mà giảng viên chưa có thì có thể mời các chuyên gia kinh tế hàng đầu đến dạy.
Trường ĐHKT hiện có các lớp học khá hiện đại, quản lý chặt chẽ và chú trọng kiểm định chất lượng. Mặt khác, Trường ĐHKT còn nhận được sự hậu thuẫn và ưu tiên đầu tư từ phía lãnh đạo ĐHQGHN. Cách làm của Trường ĐHKT đúng nên đã bắt đầu có kết quả dù tuổi đời còn non trẻ.
- Sau 5 năm phát triển, những kết quả mà Trường ĐHKT làm được so với kỳ vọng ban đầu?
5 năm là một khoảng thời gian ngắn nhưng Trường ĐHKT đã làm được rất nhiều việc. Thành công lớn nhất của Trường là đã tập hợp được lực lượng, kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ. Từ một khoa với số lượng cán bộ ít ỏi, chỉ tập trung vào giảng dạy chính trị kinh tế học thì đến nay Trường đã có bước tiến dài trong công tác tổ chức: cơ cấu dưới hình thức các khoa, thu hút được những cán bộ giỏi học ở nước ngoài, ở nhiều cơ quan khác về. Đó là thành tựu cơ bản, có tính chất quyết định cho sự phát triển của một đơn vị.
Trường rất tích cực trong việc nghiên cứu khoa học và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế. Là một trong những đơn vị rất năng động trong tổ chức các sự kiện quốc tế, đặc biệt là các hội thảo quốc tế, nhờ đó Trường đã từng bước nâng cao trình độ cho chính đội ngũ cán bộ, mặt khác mở rộng ảnh hưởng của mình ra ngoài xã hội. Hiện nay Trường có uy tín tốt trong giới, nhận được sự quan tâm hợp tác của nhiều đơn vị nghiên cứu mạnh cũng như nhiều nhà quản lý, nhà kinh tế học nổi tiếng trong và ngoài nước.
Nghiên cứu khoa học hình thành nên nhiều lĩnh vực học thuật mới với những sản phẩm nghiên cứu khoa học cụ thể khá ấn tượng. Ví dụ năm 2011, Trường có 17 tác giả có bài báo được công bố quốc tế. Ở một lĩnh vực khó công bố quốc tế như kinh tế học thì đây là một kết quả tốt trong mối tương quan chung các ngành khác ở ĐHQGHN. Đó cũng là kết quả trực tiếp cho thấy những tích cực, nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Về đào tạo, Trường thu hút được nhiều học sinh giỏi vào học với điểm chuẩn đầu vào luôn ở top cao. Với những chương trình đào tạo chất lượng cao thuộc Nhiệm vụ chiến lược thì Trường ĐHKT là nơi thực hiện khá tốt.
- Ngoài những thành tích trên, Giáo sư ấn tượng điều gì nhất trong phong cách làm việc của Trường ĐHKT?
Tôi có nhiều ấn tượng rất tốt đẹp về Trường ĐHKT. Đó là một đơn vị mà khi giao nhiệm vụ thì luôn sẵn sàng hoàn thành với trách nhiệm rất cao. Đây là điều rất đáng quý của Trường ĐHKT. Chẳng hạn, với chủ trương đầu tư tập trung để đưa một số ngành, chuyên ngành đạt đẳng cấp quốc tế mà chúng ta gọi là Nhiệm vụ chiến lược, Trường ĐHKT đã hiểu rất đúng chủ trương này, sớm coi đây là cái cần thiết cho chính bản thân và từ đó rất tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ với một tinh thần tự nguyện rất cao. Đó cũng chính là lợi thế giúp Trường ĐHKT thường thu hút được sự đầu tư của ĐHQGHN một cách thuận lợi hơn.
Ấn tượng thứ hai là với triết lý: Thà ít nhưng tinh, ít mà tốt nên Trường ĐHKT không chú trọng số lượng mà các ngành đào tạo được áp ngay vào trình độ quốc tế, sớm đem lại hiệu quả tốt. Chất lượng sản phẩm đào tạo của Trường bước đầu đã được khẳng định.
Ấn tượng thứ ba là ngay từ đầu, Trường đã nghĩ tới việc phải có sản phẩm nghiên cứu khoa học đỉnh cao. Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam trong 2 năm liên tiếp được đánh giá cao không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên và cũng không phải là kết quả nhất thời.
Ba ấn tượng trên đều thể hiện một đặc điểm rõ nét: Đó là có tinh thần đổi mới, sẵn sàng lao vào cái khó, có ý thức đi tiên phong. Có thể lấy một ví dụ khác, khi ĐHQGHN chủ trương đổi mới phương thức tuyển sinh cần một đơn vị tiên phong thực hiện thì Trường ĐHKT đã sẵn sàng đứng ra nhận. Ngay năm đầu tiên, khi chưa được đầu tư gì ĐHKT đã tiên phong thực hiện và đạt kết quả tích cực. Với chủ trương liên thông liên kết để tạo thuận lợi cho người học, Trường ĐHKT cũng là đơn vị đi đầu và thành công với đào tạo bằng kép liên kết với Trường Đại học Ngoại ngữ. Trong Đề án 165, ĐHQGHN tham gia đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo nguồn cho tương lai thì Trường ĐHKT cũng là nơi xây dựng được những đề án tốt. Khóa tốt nghiệp đầu tiên nằm trong Đề án này cũng là Thạc sĩ Quản lý Công của Trường ĐHKT.
- Giáo sư có thể nói rõ hơn về Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam?
Là đơn vị học thuật có trình độ cao, quan hệ quốc tế rộng, ĐHQGHN chủ trương mỗi năm đưa ra những nghiên cứu tổng hợp, những đánh giá khoa học độc lập với các đánh giá quan phương của cơ quan Nhà nước. Điều đó là rất cần. Ở các nước tiên tiến, ngoài các báo cáo của Chính phủ thì báo cáo kinh tế của đại học có giá trị, uy tín rất cao. Với chủ trương ấy của ĐHQGHN, Trường ĐHKT đã bắt đầu tự mình xây dựng Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, được đánh giá rất tốt.
Những dự báo đưa ra thậm chí gần thực tế hơn là các dự báo của cơ quan Nhà nước. Từ năm 2011, ĐHQGHN đã có đầu tư cho công trình này. Báo cáo hiện xuất bản ra nước ngoài bằng tiếng Anh và được các tổ chức nước ngoài quan tâm. Đấy có thể nói là một thành tựu được kết hợp trên nhiều phương diện và được coi là điểm sáng, là thành tựu khoa học nổi bật của ĐHQGHN. Vậy một đơn vị làm ra được một sản phẩm trở thành điểm sáng cho cả ĐHQGHN thì điều đó cũng rất đáng khích lệ, đề cao.
- Trường ĐHKT nên nhìn nhận thế nào về chặng đường phát triển sắp tới của mình?
Tương lai trước mắt đòi hỏi Trường ĐHKT phải nhanh nhạy hơn, năng động hơn nữa bởi sự phát triển kinh tế ngày càng trở nên khó lường ở cả quy mô trong nước lẫn quốc tế. Nếu không có những bước chuyển biến mạnh, mà sớm thỏa mãn với những thành tích hiện nay thì rất có thể rơi vào những hạn chế lớn.
Một thách thức nữa là Trường ĐHKT đang đứng trước mâu thuẫn giữa phát triển theo hướng đỉnh cao với việc phát triển quy mô số lượng. Ngoài sự đầu tư từ ĐHQGHN, cần mở rộng các nguồn lực hơn. Ngay cả với Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, sau vài năm nhận sự đầu tư của ĐHQGHN cũng cần chứng minh tính hiệu quả đối với xã hội bằng cách thu hút nguồn lực. Sản phẩm phải chứng minh được giá trị kinh tế của mình bằng cách được nhiều cơ quan, tập đoàn đặt hàng, bỏ tiền ra mua kết quả. Đấy là những vấn đề xoay quanh chữ “năng động hơn” để tìm nguồn lực cho sự phát triển.
Hy vọng sự năng động của Trường sẽ tạo ra mối quan hệ tốt hơn, mạnh hơn với các doanh nghiệp, các đơn vị có chức năng kinh tế thì tự nhiên Trường sẽ có được các điều kiện vật lực vật chất tốt hơn.
- ĐHQGHN kỳ vọng gì về sự phát triển của Trường ĐHKT trong tương lai?
Trước hết, Trường phải tính đến việc đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành đạt chuẩn quốc tế. Đấy là nhiệm vụ sống còn của ĐHQGHN cũng như của từng đơn vị trong đó có Trường ĐHKT. Đã đến lúc không thỏa mãn với những gì đang làm, phải tính đến chuyện nhằm vào đội ngũ cán bộ trẻ ở nước ngoài hoặc cán bộ đào tạo trong nước có trình độ cao để hướng theo chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, Trường ĐHKT phải có vai trò nòng cốt trong những hoạt động gắn với quản lý, quản trị kinh doanh và kinh tế, như là một chất keo để cố kết các đơn vị của ĐHQGHN lại, đồng thời như chất xúc tác gia tăng thêm nguồn lực cho cả ĐHQGHN. Thường ở các đại học lớn, các ngành như quản lý, quản trị kinh doanh như một nguồn sữa nuôi cả đại học đó. Ví dụ như Trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School) đào tạo với giá rất cao, có những cựu sinh viên ở cương vị rất lớn nên hút được nhiều nguồn lực về cho Đại học Harvard... Nguồn lực còn đến từ những hợp đồng nghiên cứu có giá trị rất lớn...
Sắp tới đây việc xây dựng đề án phát triển không còn là một sự “mò mẫm” nữa mà đòi hỏi phải có trình độ và kiến thức về kinh tế học. Tất cả các hoạt động của ĐHQGHN như yêu cầu nâng cao năng lực quản trị đại học gồm quản trị nguồn lực, quản trị con người... nhìn từ góc độ kinh tế là rất phù hợp với xu thế thời đại. Cũng phải tính đến việc xây dựng các thế mạnh trong lĩnh vực kinh tế học của ĐHQGHN để tiến tới hình thành những trường phái kinh tế ĐHQGHN.
Tất cả những nhiệm vụ ấy của ĐHQGHN đều cần có sự tham gia tích cực với vai trò trọng yếu của Trường ĐHKT. Đây sẽ phải là nơi thu hút nguồn lực, thực hiện tốt vai trò kinh tế của một trường đại học kinh tế hoạt động trong ĐHQGHN. Đó chính là những kỳ vọng lớn mà ĐHQGHN gửi đến Trường ĐHKT trong chặng đường phát triển tiếp theo.
- Xin cảm ơn Giáo sư!