Trang tin tức sự kiện
 
Thiếu đồng thuận không thể có đột phá

Vừa qua, thủ tướng chính phủ đã bổ nhiệm PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường ĐHKT, ĐHQGHN giữ chức vụ Phó Giám đốc ĐHQGHN. Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc phỏng vấn tân Phó Giám đốc ĐHQGHN về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản trị đại học.


Với tư cách là Phó Giám đốc ÐHQGHN, xin ông cho biết suy nghĩ của ông về quản trị đại học sẽ áp dụng ở ÐHQGHN?
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ

Theo tôi, đối với một đại học, đặc biệt là đại học lớn như ÐHQGHN phát triển theo định hướng nghiên cứu, đẳng cấp quốc tế thì công việc đầu tiên của những người lãnh đạo là xác định rõ sứ mạng, tầm nhìn chiến lược, sau đó chỉ đạo tổ chức xây dựng kế hoạch, tìm các nguồn lực thực hiện và đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra. Với ÐHQGHN, sứ mạng, tầm nhìn đã được xác định rõ hướng tới đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trình độ cao theo các chuẩn mực của các đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới. ÐHQGHN phấn đấu lọt vào “top 200” các đại học hàng đầu khu vực Châu Á vào năm 2020. Ðây là mục tiêu đầy tham vọng nhưng theo tôi có cơ sở để đạt được.

Ðể đạt được mục tiêu chiến lược đặt ra, theo tôi có nhiều việc cần phải làm. Trước hết là công tác lập kế hoạch (5 năm và từng năm), tìm các nguồn lực để thực hiện kế hoạch, sau đó đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch theo các chỉ tiêu đã đề ra và có các chế tài thưởng phạt rõ ràng gắn liền với hiệu quả thực hiện kế hoạch. Ðây thực chất là các công việc của quản trị đại học hiện đại.

Với trách nhiệm làm Phó Giám đốc ÐHQGHN, được giao phụ trách công việc này, tôi ý thức được rõ phải làm gì và làm như thế nào. Do đó, ngay khi được giao nhiệm vụ, tôi đã chỉ đạo các ban, đơn vị chức năng tiến hành rà soát công tác kế hoạch phát triển ÐHQGHN giai đoạn 5 năm đầu tiên (2010 - 2015) thực hiện Chiến lược phát triển ÐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn 2050 và kế hoạch nhiệm vụ năm học đầu tiên (2010 - 2011) của thực hiện kế hoạch 5 năm. Yêu cầu đặt ra là các chỉ tiêu kế hoạch phải có tính khả thi cao, đảm bảo được lộ trình đưa ÐHQGHN đến đích của mục tiêu chiến lược. Ðây là công việc rất khó, có độ phức tạp cao nên không thể làm qua loa, duy ý chí hoặc dựa vào kinh nghiệm làm theo kiểu “bốc thuốc”. Tôi cho rằng cần phải tính toán kỹ các tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thách thức và xác định được rõ các điều kiện, nguồn lực thực hiện, lường trước được các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch để đảm bảo được tính khả thi của các chỉ tiêu đặt ra. Vì thế, khi nhận nhiệm vụ, tôi ưu tiên dành nhiều thời gian, công sức cho công việc này.

Sau khi đã có hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch (5 năm và từng năm), công việc tiếp theo cần phải làm là tìm các nguồn lực, phân bổ các nguồn lực theo các nhiệm vụ kế hoạch và giám sát, kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch. Theo tôi, nguồn lực quan trọng nhất là con người, trong đó đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học. Có được đội ngũ cán bộ khoa học giỏi, tâm huyết với nghề thì họ sẽ tự biết phải giảng dạy, nghiên cứu như thế nào theo các chuẩn mực quốc tế. Ðây là công việc của các nhà khoa học, các nhà quản lý không nên can thiệp sâu vào công việc có tính “tác nghiệp” của các thầy. Nhiệm vụ của các nhà quản lý là tạo cơ chế thuận lợi, môi trường làm việc học thuật, thân thiện và tìm các nguồn tài chính dồi dào, tạo dựng được cơ sở vật chất đủ hiện đại để các nhà khoa học thực hiện được các chương trình đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao.

Khâu nào là then chốt trong công tác quản trị đại học, thưa Phó Giám đốc?

Như tôi đã nêu, quản trị đại học gồm nhiều khâu, mỗi khâu có vai trò vị trí riêng và có mối quan hệ liên hoàn, mật thiết với nhau. Do đó, rất khó nói được đâu là khâu then chốt. Tuy nhiên, qua thực tế ở nhiều nơi và ÐHQGHN, khâu giám sát, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch có vị trí rất quan trọng. Việc xác định được hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch tuy khó nhưng làm được; các chỉ tiêu rõ ràng, có tính thuyết phục cao thì sẽ thu hút được các nguồn lực, nhưng thực hiện như thế nào, kết quả ra sao mới là khâu khó nhất. Có kế hoạch hợp lý, nguồn lực dồi dào, nhưng tổ chức thực hiện kém, kết quả thấp thì không những các chỉ tiêu kế hoạch không hoàn thành mà còn gây lãng phí rất lớn các nguồn lực và cơ hội phát triển. Mặt khác, không tạo được động lực cho những đơn vị, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch.

Phó Giám đốc có thể nói rõ hơn về công tác tài chính, cơ sở vật chất?

Theo tôi, thu hút và sử dụng các nguồn tài chính, cơ sở vật chất là các nội dung quan trọng của công tác quản trị đại học. Căn cứ vào yêu cầu các sản phẩm cần phải đạt được (theo các chỉ tiêu kế hoạch) cần phải có nguồn tài chính và cơ sở vật chất tương ứng. Không thể giao các chỉ tiêu kế hoạch cho các đơn vị mà không kèm theo điều kiện về tài chính và cơ sở vật chất. Nếu không làm được việc này thì chẳng khác nào “đánh đố” các đơn vị.

Do đó, về nguyên tắc, những việc ÐHQGHN giao sẽ kèm theo các điều kiện thực hiện; còn việc nào các đơn vị tự làm thì đơn vị phải tự lo các nguồn lực, ÐHQGHN sẽ hỗ trợ về cơ chế, chính sách và tư vấn. Tới đây, ÐHQGHN sẽ tổ chức các khóa tập huấn, trợ giúp kỹ thuật để giúp các đơn vị xây dựng kế hoạch, tìm các nguồn lực và tổ chức thực hiện kế hoạch. Các đơn vị phải có kế hoạch rõ ràng, có tính khả thi cao thì mới có căn cứ để ÐHQGHN phân bổ các nguồn lực, trong đó trước hết là phân bố kế hoạch ngân sách.

Ðể thực hiện thành công những việc có tính rất đột phá như đã nêu thì điều kiện nào cần phải có, thưa Phó Giám đốc?

Cần rất nhiều điều kiện, song theo tôi, trước hết là phải có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Chuyển từ mô hình quản lý đại học theo kiểu bao cấp, dựa vào kinh nghiệm sang mô hình quản trị đại học có tính chuyên nghiệp sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có thể dẫn tới xung đột. Vì vậy, cần phải có sự đồng thuận cao trong ban lãnh đạo các cấp, các thầy cô giáo, cán bộ viên chức trong toàn ÐHQGHN ủng hộ áp dụng mô hình quản trị đại học hiện đại thì mới thực hiện được những đột phá.

Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm đổi mới của Ban lãnh đạo ÐHQGHN và các đơn vị thành viên, tâm huyết với nghề của đông đảo các thầy cô giáo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tôi thực hiện thành công nhiệm vụ được giao.

Xin cảm ơn Phó Giám đốc về cuộc trao đổi!

Trần Hằng (thực hiện) [Bản tin ĐHQG Hà Nội số 237/2010]