Đối tượng của Dự án Thriive là doanh nghiệp siêu nhỏ, không giới hạn lĩnh vực, ngành nghề
(baodautu.vn) Nguồn vốn vay không lãi suất không chỉ giúp doanh nghiệp siêu nhỏ có chiếc cần câu, mà còn dạy họ cách câu và bán được cá.
Năm 2010, thông qua mạng Internet, anh Nguyễn Tích Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phương Hiền (huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chuyên nuôi gà công nghiệp sinh sản) đã biết thông tin về Dự án cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn không lãi suất, trả bằng sản phẩm (Dự án Thriive), một dự án hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tổ chức Thriive (Hoa Kỳ).
Sau nhiều lần khảo sát thực tế của cán bộ dự án, anh Phương đã nhận được khoản vay 210 triệu đồng (tương đương 10.000 USD), để mua máy móc, trang thiết bị phục vụ trang trại có quy mô khoảng 30.000-35.000 gà con/tuần. Sau 3 lần trả nợ bằng việc tặng gà giống cho bà con trong xã và các vùng lân cận Hà Nội, với tổng giá trị tương đương 150 triệu đồng, chỉ còn một lần trả nợ nữa là hoàn thành nghĩa vụ cam kết với chương trình, nhưng anh Phương khẳng định, sẽ không dừng việc trao tặng gà giống cho bà con nghèo.
“Dù số vốn vay không đủ cho tôi kinh doanh, nhưng là nguồn vốn nhân văn, mang lại lợi ích lâu dài cho cả doanh nghiệp và người dân. Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc của bà con nghèo khi nhận được những con gà giống trả nợ của tôi”, anh Phương nói.
Cũng được vay vốn của Dự án từ năm 2010, chị Đinh Thị Song Nga, đại diện Công ty TNHH Nam Thăng Long (huyện Kim Bảng, Hà Nam, chuyên sản xuất cặp phao cứu sinh cho trẻ em) cho biết, thời điểm đó, lãi suất ngân hàng tăng cao nhất, lên tới 23-25%/năm, đó là mức lãi suất cao không tưởng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ. “Nhưng thật may mắn, chúng tôi đã tìm được chiếc “cần câu” là dự án vay vốn Thriive. Nguồn vốn này không chỉ cho chúng tôi chiếc cần câu, mà còn dạy cách câu và giúp chúng tôi bán được cá”, chị Nga nói.
Hiện chị Nga đã trả hết nợ cho Dự án và chuẩn bị vay thêm để đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất. Tại buổi giới thiệu về giai đoạn 8 của Dự án sắp được triển khai, gặp nhiều doanh nghiệp cũng có hoàn cảnh giống mình cách đây 2 năm, chị Nga khẳng định: “Nếu tiếp tục được vay vốn, tôi sẽ nhường cho họ”.
Tại buổi giới thiệu nêu trên, một doanh nghiệp sản xuất chăn bông ở tỉnh Hà Nam gây được sự chú ý bởi đã tự nguyện trả nợ cho Dự án nhiều hơn yêu cầu. Người chủ doanh nghiệp này không coi những sản phẩm của mình để trả nợ cho chương trình, mà biến chúng thành hành động từ thiện trả nghĩa cho cộng đồng. Đến nay, doanh nghiệp đã thực hiện 15 chương trình tặng chăn bông cho 428 gia đình nghèo ở Bắc Giang, Hòa Bình.
Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất màn tuyn Quang Hùng (Phú Xuyên, Hà Nội) tham gia Dự án năm 2010, được vay 10.000 USD để mua 48 máy may. Đến nay, doanh nghiệp đã tuyển thêm được 20 lao động tại địa phương và trả nợ bằng việc trao tặng 2.855 chiếc màn tuyn ngăn muỗi cho đồng bào tại các xã đặc biệt khó khăn tại Hà Tĩnh, Hòa Bình và Hà Nam.
Tính đến nay, Dự án Thriive tại Hà Nội đã cho 52 doanh nghiệp vay tổng số tiền 638.900 USD. Ông Phạm Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế phát triển (CEDS) thuộc Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, những doanh nghiệp được vay vốn không chỉ hoàn thành đúng trách nhiệm, nghĩa vụ, mà những gì họ trả nợ cho xã hội còn hơn cả chương trình mong đợi.
Tuy đối tượng của chương trình là doanh nghiệp siêu nhỏ, không giới hạn trong lĩnh vực, ngành nghề nào, nhưng để tìm được doanh nghiệp phù hợp với quy mô của chương trình là không đơn giản. Theo ông Thắng, Dự án sẽ giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng không những “sống” được ở hiện tại, mà tương lai phải phát triển mạnh mẽ để đóng góp cho cộng đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có ý tưởng kinh doanh khả thi, minh bạch chi tiêu và cam kết trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể, rõ ràng.
Được biết, giai đoạn 8 của Dự án sẽ được thực hiện từ tháng 9 tới. Dự kiến sẽ có 13-15 doanh nghiệp được vay số vốn tối đa là 210 triệu đồng/doanh nghiệp
Xem tin gốc >>