Trang tin tức sự kiện
 
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: Nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo

Năm 2007, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHKT - ĐHQGHN) được thành lập trên cơ sở Khoa Kinh tế thuộc ĐHQGHN, mà tiền thân của đơn vị là Khoa Kinh tế Chính trị thuộc ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây. Sự ra đời của Trường ĐHKT - ĐHQGHN đánh dấu một bước phát triển mới với định hướng trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu cả nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh.


Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu đó, bên cạnh việc coi trọng công tác đào tạo theo hướng tập trung vào chất lượng, nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng được trường xem là nòng cốt trong việc phát triển và khẳng định thương hiệu của Trường ĐHKT. Trong chiến lược phát triển của trường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, song song với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (tương đương với chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo ở một số trường đại học tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á); Trường ĐHKT đặt mục tiêu các sản phẩm NCKH của trường đạt chất lượng cao, là nền tảng để nâng cao chất lượng giảng dạy và tư vấn chính sách cũng như doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong kế hoạch nhiệm vụ được xây dựng hàng năm, 2 mảng nhiệm vụ luôn được nhà trường đặt trọng tâm là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các giảng viên bên cạnh giảng dạy còn có nhiệm vụ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu các cấp theo định hướng khoa học công nghệ của nhà trường với các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể. Trong những năm gần đây, Trường ĐHKT đã chủ trì/ phối hợp tổ chức nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế, các hội thảo chuyên đề có chất lượng và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và cơ quan hoạch định chính sách. Đây là cơ hội để các giảng viên được giao lưu học thuật với các nhà nghiên cứu trong khu vực và thế giới, cập nhật những kiến thức mới, từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu của mình. Nhà trường có những cơ chế khen thưởng thích đáng cho những cán bộ, giảng viên tham gia nghiên cứu và có những sản phẩm khoa học chất lượng.

Ngoài việc triển khai sâu rộng hoạt động NCKH tới đội ngũ giảng viên, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý, NCKH cũng được nhà trường phát động mạnh mẽ tới sinh viên, tạo thành các phong trào sôi nổi. Vào đầu mỗi năm học, các khoa đều tổ chức những buổi định hướng NCKH cho sinh viên, khơi dậy niềm yêu thích, đam mê và mở ra cho các em những hướng nghiên cứu phù hợp với năng lực bản thân. Hội nghị NCKH sinh viên cấp khoa và cấp trường hàng năm đã được sinh viên tham gia với tinh thần và chất lượng sản phẩm tốt. Sinh viên của trường cũng thường xuyên tham gia các diễn đàn, hội thảo giao lưu quốc tế như diễn đàn GPAC, giáo dục xanh, giao lưu với các đại học lớn…, qua đây các em được mở rộng tri thức, tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, thêm tự tin trong công việc tương lai.

Bên cạnh việc tạo điều kiện, khuyến khích nghiên cứu như vậy, nhà trường luôn chủ động mời các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước đến trường diễn thuyết, tạo cơ hội cho các giảng viên, sinh viên nắm bắt được những tư tưởng và những vấn đề nghiên cứu mới dưới nhiều góc độ khác nhau. Đó chính là cách thức chúng tôi đã và đang triển khai để khơi dậy niềm say mê nghiên cứu khoa học trong mỗi giảng viên của trường” - PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT chia sẻ.

 

Nghiên cứu thúc đẩy đào tạo

Tại Trường ĐHKT, các hoạt động và sản phẩm NCKH bên cạnh phục vụ tư vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tư vấn phát triển doanh nghiệp, còn đã và đang góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ công tác đào tạo. Chia sẻ về mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo thông qua nghiên cứu khoa học tại ĐHKT, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mục tiêu của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đến năm 2020 là trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu với những đặc trưng cơ bản là giảng dạy dựa trên cơ sở nghiên cứu và quá trình giảng dạy cũng chính là quá trình nghiên cứu. Trên thực tế, việc xác định xây dựng trường đại học theo định hướng mô hình đại học nghiên cứu không phải là việc mà trường nào cũng làm.” Ông khẳng định, một trong những nhiệm vụ quan trọng của NCKH tại Trường ĐHKT chính là việc ứng dụng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của trường, hay nói cách khác là “nghiên cứu dẫn dắt đào tạo”.

Ở góc độ tài nguyên, nghiên cứu khoa học chính là một cách để nhà trường có thể sử dụng các kết quả thu được xây dựng cơ sở dữ liệu, giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo, học liệu… cho các chương trình đào tạo của mình. Tại Trường ĐHKT, thông qua các hệ đề tài dự án nghiên cứu mà giảng viên tham gia hàng năm, trường sẽ có những yêu cầu cụ thể về sản phẩm đầu ra. Chẳng hạn đối với các đề tài nghiên cứu cấp trường, mục tiêu trường ưu tiên đặt ra cho giảng viên là một tình huống thực tiễn, một khía cạnh cụ thể nào đó về lý luận… có thể phục vụ chính cho bài giảng môn học của giảng viên. Điều này sẽ giúp giảng viên cập nhật được những kiến thức mới cho việc giảng dạy.

Ngoài ra, Trường có chính sách gắn kết sự tham gia của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh vào các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu như là một trong các sản phẩm đầu ra và là yêu cầu bắt buộc đối với công trình nghiên cứu của giảng viên. Điều này sẽ giúp hoàn thiện triết lý giáo dục của trường “người học là trung tâm”, “tự học và nghiên cứu” và “học tập suốt đời” và qua đó tăng cường tính chủ động cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đạt được mục tiêu của mình.

Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xã hội, chương trình đào tạo cũng cần có sự nghiên cứu và cập nhật với sự phát triển trên thế giới. Ở góc độ này, Trường ĐHKT đã tiên phong chủ trì thành công đề án nghiên cứu về mô hình CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate, nghĩa là: hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành) quốc tế và ứng dụng vào việc đổi mới xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo từ đại học lên tiến sĩ hiện tại và cho cả các chương trình mở mới của trường. Đây là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic và về phương pháp tổng thể mang tính chung, có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau.

Có thể nói, chỉ với một khoảng thời gian chưa dài kể từ khi thành lập và với một quy mô nhỏ về đội ngũ các nhà khoa học tham gia giảng dạy và nghiên cứu toàn thời gian, nhờ có chiến lược định hướng đúng đắn, sự đầu tư nghiêm túc về nguồn lực con người, sự hỗ trợ lớn từ phía ĐH Quốc gia Hà Nội cũng như nỗ lực của nhà trường, Trường ĐHKT đã đạt được những thành tựu được xã hội ghi nhận. Với mục tiêu nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, và sự kết hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả hai lĩnh vực hoạt động này, Trường ĐHKT đã và đang phát triển với những bước đi vững chắc theo hướng chất lượng và đẳng cấp quốc tế./.


Thạch Anh Bài đăng trên báo Thanh tra, số 84(1799), ngày 13/7/2013