Trang tin tức sự kiện
 
Đạo đức Hồ Chí Minh toả sáng trong thơ ca

Đạo đức là một bộ phận của thế giới quan chi phối toàn bộ nhận thức và hành động của con người. Đạo đức theo nghĩa chung nhất là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác và với toàn xã hội. Đạo đức với những chuẩn mực giá trị đúng đắn là một bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội. Những chuẩn mực đạo đức được bồi dưỡng hình thành trong mỗi công dân sẽ tạo nên chất lượng mới của nguồn nhân lực.


Đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối. Bác Hồ đã viết : Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giải mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

 Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của người cộng sản, đòi hỏi sự thống nhất giữa động cơ và hiệu quả, giữa lời nói và việc làm, từ đời sống chung đến đời sống riêng. Dân tộc ta, nhân dân ta vô cùng tự hào về lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại. Người đã để lại kho tàng di sản văn hóa đạo đức vô giá.

Chính vì lẽ đó, trong văn học, nói chung và thơ ca nói riêng, không ít những nhà thơ đã ca ngợi đạo đức Hồ Chí Minh thông qua ngôn ngữ văn học. Những bài thơ ca ngợi Bác Hồ dễ đi sâu vào lòng người, tình người, làm rung động trái tim thương nhớ, kính yêu lãnh tụ.

Trong bài thơ “ Sáng Tháng Năm”, Tố Hữu viết:

Người là Cha, là Bác, là Anh

Trái tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”

Đã nói lên tấm lòng thương yêu nhân dân mông mênh, vô bờ bến của Bác Hồ; diễn đạt một cách thâm trầm vai trò bảo bọc, chở che với trách nhiệm to lớn của Bác Hồ đối với dân tộc. Cũng với ý tứ đó, trong bài “ Bác ơi”, có những câu:

“Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già”

Ở bài “ Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, nhà thơ diễn đạt sự chăm chút, ân cần của vị lãnh tụ tối cao đối với người chiến sĩ:

Anh đội viên thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Đêm nay Bác không ngủ”.

Bác Hồ không ngủ vì cảm thương chiến sĩ ngày mai sẽ ra trận, cần có một giấc ngủ ngon để lấy sức mà đánh giặc. Tình thương yêu của Bác đã làm cho anh đội viên du kích phải rưng rưng nước mắt, cảm động vô cùng. Tấm lòng của Bác như người cha đối với con, tình thương nồng ấm, chứa đựng một đức độ bao dung nhân hậu, hiếm có trong những người lãnh tụ cách mạng xưa nay. Và anh đội viên du kích nằm ngủ mà cứ rưng rưng trong lòng, thương cảm vị cha già thân yêu:

Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm”.

 Nhà thơ Vũ Quần Phương đã diễn đạt về đạo đức sáng ngời của Bác:

Suốt một đời Bác đã nghĩ về ta

Nói về Đảng cũng vì dân mà nói

Nước còn giặc, dân còn khi lạnh đói

Ôi lòng Người đo sao hết mông mênh

Bác đắng lòng trong mỗi miếng cơm ǎn”.

Và nhà thơ đã nói với mọi người về tình cảm lớn lao cảm động của Bác Hồ đối với dân, với nước:

Ôi tim Bác sao mà mênh mông thế!

Gương trong ngần cho muôn thuở cùng soi”.

Trong suốt cuộc đời vì nước, vì dân, Hồ Chủ tịch luôn nêu tấm gương mẫu mực về đạo đức thực hành của người cộng sản. Gương sáng đạo đức Hồ Chí Minh đã quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và hành động của quảng đại quần chúng nhân dân yêu nước, từ đó đưa đến những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

 Và rất nhiều bài thơ ca ngợi đạo đức của Bác Hồ. Có những nhà thơ được hạnh phúc với thời gian sống gần gũi với Bác Hồ nên cảm nhận được tình cảm, đạo đức lớn lao của Bác. Và nhà thơ đã tổng kết một cầu rất hay, coi như là lời tâm nguyện trong suốt cuộc đời học tập theo đạo đức của Bác:

“Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta

Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”.

S.T Nguồn: http://www.ubmttq.hochiminhcity.gov.vn