Trang tin tức sự kiện
 
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN mãi là địa chỉ tin cậy và là niềm tự hào

Một buổi chiều đầu thu tôi đi làm về muộn. Con gái tôi ra mở cửa và reo lên: "Bố ơi! Con đỗ vào trường của bố rồi! Trường của Bố bây giờ cũng là trường con đấy!” Tôi đứng lặng người vì xúc động.


Dẫu rằng, cháu sẽ vào Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là điều không đường đột lắm bởi chúng tôi đã hướng cháu theo ngành của bố và cháu đã vượt điểm chuẩn vào trường. Song, khi nghe câu nói thốt lên của đứa con gái bé bỏng tự nhiên mắt tôi cứ nhòe đi. Trời ơi! Đã gần 40 năm rồi ư? Mới ngày nào đó chúng tôi từ mọi miền quê ra Hà Nội để mong trở thành sinh viên của các Khoa Toán, Khoa Lý, Khoa Sinh, Khoa Văn, Khoa Sử… của Trường Đại học Tổng hợp, ai có ngờ rằng khi nhập học lại là thành viên của một khoa mới lạ: Khoa Kinh tế Chính trị.
Nhớ về ngày đó, những kỷ niệm đầy ắp về Khoa Kinh tế Chính trị, về lớp Kinh tế I thân yêu cứ ùa đến, cứ dội về… khiến lòng tôi thổn thức không nguôi. Có lẽ hiếm có một tập thể nào có sự gắn bó với nhau như lớp chúng tôi và ra trường khá thành đạt đến như vậy.
Với 20 người có học vị Tiến sĩ, trong đó có 1 Giáo sư và 10 Phó Giáo sư…, nhiều anh chị trong lớp đang giữ những cương vị và trọng trách cao như GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, TSKH. Trịnh Huy Quách - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và nhiều nhiều người nữa đang là Viện trưởng, Vụ trưởng, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Hiệu trưởng các trường đại học, Tổng biên tập báo, tạp chí…
Dù giờ đây mái đầu đã điểm bạc; nhiều người đã thành ông, thành bà; không ít người thành đạt, cũng có người đã về hưu… song, mỗi dịp gặp nhau chúng tôi như sống lại những ngày tuổi trẻ của một thời sinh viên đầy gian khó nhưng mộng mơ, sôi nổi và lại vui đùa gọi nhau bằng những tên riêng, rất ngộ nghĩnh mà chỉ có bạn bè lớp Kinh tế khóa I mới hiểu được ngọn nguồn và ý nghĩa của những biệt danh vốn chỉ “lưu hành nội bộ” và vẫn còn tồn tại đến tận bây giờ.
Dẫu chưa thực sự bằng lòng với chính mình, nhưng với những gì anh chị em lớp Kinh tế khóa I đã nổ lực cố gắng và gặt hái được, chúng tôi tự hào vì mình đã khởi đầu một cách trọn vẹn, trưởng thành và phấn đấu hết sức mình để không phụ lòng mong đợi của thầy cô, của Khoa và Nhà trường. Chúng tôi đã làm được điều mà mọi người đều đồng lòng từ khi vào Trường cho đến tận bây giờ: Phải làm sao thực sự xứng đáng là những người anh cả của Khoa Kinh tế Chính trị trước đây và của Trường Đại học Kinh tế hiện nay.
Những ngày này, chúng tôi bồi hồi nhớ đến những người thầy thân yêu đã hết lòng vì học sinh, chăm lo cho cả lớp từ những buổi đầu còn hết sức bỡ ngỡ, đầy khó khăn và thiếu thốn. Đó là Giáo sư Trần Phương - cây “đại thụ” trong giới kinh tế nước nhà, là Giáo sư Đào Văn Tập “người đặt viên gạch đầu tiên cho nền khoa học kinh tế Việt Nam”, đó là thầy Nguyễn Diệu, thầy Hoàng Kim Giao, thầy Võ Đại Lược, thầy Lê Văn Sang, thầy Đỗ Lộc Diệp, thầy Chánh, thầy Hơn, cô Đoàn Phương, cô Trang, thầy Căng… Các thầy dạy Toán như thầy Thu, thầy Phạm Trọng Quát… Thầy Nguyễn Văn Nghĩa, thầy Dương Phú Hiệp dạy Triết học, thầy Nhẫn dạy Tiếng Nga, cô Hằng dạy Anh văn...
Dẫu giờ đây các thầy đã ở cái tuổi “hoàng hôn của cuộc đời”, nhiều thầy sức khỏe yếu lắm rồi, có thầy đã đi xa…, nhưng với chúng tôi, các thầy luôn là những tấm gương tuyệt vời nhất về tri thức, nhân cách, về lòng nhân hậu của những trí thức tâm huyết, mong muốn đào tạo và phát triển một ngành học mới mẻ. Chúng tôi luôn ghi nhớ và tri ân công lao mà các thầy, cô đã dành cho lớp, cho sinh viên Khoa Kinh tế và lớp lớp đàn em ngay cả hiện tại khi mà Trường Đại học Kinh tế đã lớn mạnh, đàng hoàng hơn, trở thành một địa chỉ tin cậy, có uy tín trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu kinh tế của nước nhà.
Gần bốn muơi năm đã đi qua, có lẽ không ai không đong đầy những kỷ niệm về cuộc đời, về một thời sinh viên vui tươi, trong sáng. Có biết bao điều đọng lại, cũng không ít những nỗi niềm mong muốn được sẻ chia… Thật khó có thể viết hết, kể hết được!
Điều mà chúng tôi thường đặt câu hỏi và lý giải: Tại sao sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị trước đây, Trường Đại học Kinh tế hiện nay có thể hoàn thành tốt các công việc khi ra trường ở nhiều lĩnh vực khác nhau và tạo nên một "thương hiệu" khó trộn lẫn? Điều gì đã khiến cho sinh viên nhà trường gắn bó với nhau đến như vậy khi mà thời gian học tập cùng nhau chỉ có 4, 5 năm (các khóa trước đây học 5 năm)? Câu hỏi đó luôn là chủ đề khá thời sự cứ theo mãi với chúng tôi, để rồi có không ít cách lý giải, không thiếu các lý do khác nhau. Mỗi khi có dịp nhìn lại mình và bạn bè, có hai điều luôn được ghi nhớ và đi mãi cùng tôi theo năm tháng khi cắt nghĩa cho sự thành công đó. Ấy là vì chúng tôi được rèn luyện trong một môi trường lành mạnh, đầy tình thương yêu và sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản, thực tế với tư duy tổng hợp, liên ngành trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.
Chúng tôi không thể quên những ngày đầu khi Khoa tập trung gặp mặt sinh viên. Ai nấy đều buồn rười rượi không chỉ bởi xa quê, nhớ nhà mà do “được gọi” vào một lớp học đầu tiên của một Khoa mới thành lập mà mình hoàn toàn không hiểu biết gì. Thấu hiểu được điều đó, các thầy cô càng chăm chút tận tình hơn, nhà trường ưu ái lớp nhiều hơn từ chổ ở, phòng sinh hoạt đến cả cái bàn, cái ghế "dã chiến".
Để có thể học tập tốt lớp phải là một tập thể đoàn kết gắn bó, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Những bóng áo xanh màu lính của các anh "già" - những người đã từng là sinh viên nay trở về học tập luôn luôn bên cạnh động viên các bạn lần đầu tiên ra Hà Nội. Các bạn trẻ thông minh nhanh nhẹn lại là những "thầy giáo" giảng giải giúp các anh khi gặp bài khó.
Chúng tôi khó có thể quên được sự nghiêm khắc nhưng đầy trách nhiệm và thương yêu của các anh Lâm, anh Phiệt, anh Toán, anh Kiên, anh Vui, anh Tứ, anh Tường, chị Hường, chị Xuân... Dẫu rằng không ít lần, không thiếu các bạn tỏ ra khó chịu khi phải tuân thủ cách quản lý theo kiểu "quân đội" của các anh, chị. Khi viết những dòng này nước mắt tôi cứ tuôn trào nhớ về anh Bường, anh Toán - những người anh cả của lớp nay đã đi xa và chẳng bao giờ trở về họp lớp được nữa.
Ngày đó, cả lớp được ở nhiều phòng cùng một dãy ở ký túc xá của Trường. Thầy Chánh, thầy Diệu, cô Phương... ở với lớp cả ngày giúp đỡ và "canh" giờ giấc lên lớp, học bài, nghỉ ngơi… Cũng không biết dùng từ nào để có thể diễn tả hết công việc của các thầy thời đó. Có lẽ trách nhiệm và tấm lòng nhân ái đầy tình người của các thầy đã là động lực là niềm vui để họ trở thành nhà giáo, người cha, người anh, người chị chăm chút cho chúng tôi.
Tình thương của thầy đã lan truyền cho học sinh, thấm đẫm đến từng thành viên và chúng tôi đã trở nên thân thương gắn bó nhau hơn. Thế là cả lớp say sưa miệt mài lao vào học tập, vui chơi thể thao văn nghệ và giành được những kết quả tốt đẹp - trở thành tập thể học sinh luôn được nêu gương trong Khoa và Trường.
Cũng không chỉ có lớp tôi mà hầu hết anh chị em trong Khoa đã trưởng thành và đang là những cán bộ lãnh đạo đầy năng lực của các bộ ngành và địa phương. Đó là PGS.TS Vũ Văn Phúc (Khoá II) hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Lê Bộ Lĩnh (Khoá II) là Đại biểu Quốc hội - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; TS Nguyễn Ngọc Quang (Khóa II) hiện là Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn (Khoá V) hiện là Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS.TS Phùng Xuân Nhạ (Khoá VII) - Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Giám đốc thường trực, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh (Khoá VIII) hiện là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN...
Chỉ riêng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã có khoảng 20 người vốn là sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị nay hiện đang là lãnh đạo Viện Khoa học Xã hội, các viện chuyên ngành: Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế Chính trị Thế giới, Viện Đông Nam Á, Viện Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Nam Á, các Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, các tạp chí và nhà xuất bản.... Và còn nhiều gương mặt ưu tú khác ở khắp mọi miền đất nước mà tôi không thể nhớ và biết hết được.
Nếu như được sống trong một môi trường trong sáng, đầy tình yêu thương đã sưởi ấm và hun đúc cho nhiệt huyết và tình cảm của con người, thì việc đào tạo một cách có bài bản với những phương pháp tốt là cơ sở quan trọng để giúp sinh viên tích luỹ kiến thức và biết xử lý hiệu quả các vấn đề trong cuộc sống. Kiến thức trong trường không bao giờ đủ, cái mà chúng tôi được trang bị và cũng là cẩm nang để đạt được những kết quả trong công tác đó chính là lối tư duy tổng hợp, phương pháp liên ngành... mà sinh viên đã được các thầy cô truyền thụ, từ đó tạo nên "đặc sản" riêng có của Khoa và Trường ta.
Chúng tôi không bao giờ quên buổi học đầu tiên khi thầy Trần Phương sang sảng, say sưa nói về một ngành học mới trước hơn 40 anh em chúng tôi còn đang ngơ ngác. Với kiến thức uyên bác, sự hùng biện tuyệt vời và lối kể chuyện dí dỏm hiếm có, Thầy đã đưa chúng tôi đến một thế giới của khoa học kinh tế mới lạ, đầy lý thú, hấp dẫn..., để rồi những buổi sau đó cũng chẳng có ai còn ý định xin chuyển khoa nữa.
Đôi lần thầy tâm sự: “Ở nước ta trong lĩnh vực kinh tế không thiếu các trường đào tạo chuyên ngành, song, điều chúng ta chưa có là những người nghiên cứu kinh tế tổng hợp với lối tư duy vĩ mô, liên ngành... Tôi đã đi nhiều nước, nhưng sang Liên Xô tôi đã bắt gặp điều đó khi đến thăm Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Tổng hợp Matxcova”. Và đó cũng là lý do khi về nước thầy đề nghị thành lập Khoa Kinh tế Chính trị tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Chúng tôi không chỉ được học lý thuyết mà việc thâm nhập thực tế thực sự là những dịp vô cùng quý giá để quan sát, nhìn nhận so sánh. Lúc bấy giờ cuộc sống vô cùng thiếu thốn, sinh viên và nhà trường luôn tất bật lo cái ăn, chốn ở… Dù chưa đến mức “đói quay đói quắt” nhưng cũng không thiếu những lần cồn cào cái bụng, run rẩy đôi chân khi tan học muộn. Trong khó khăn đó chúng tôi vẫn được Khoa và Trường tạo mọi điều kiện để có những chuyến đi bổ ích và lý thú.
Năm thứ nhất chúng tôi đi tham quan các cơ sở công nghiệp tại Hà Nội. Năm thứ hai cả lớp về nông thôn một tháng để tìm hiểu sản xuất nông nghiệp. Năm thứ ba chúng tôi đến các bộ ngành để làm quen với các kiến thức thực tế chuyên ngành. Năm thứ 4 cả lớp được tham gia đoàn công tác 3 tháng trong đợt cải tạo công thương nghiệp ở Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Những chuyến đi dù gặp nhiều gian khó nhưng là những trải nghiệm hết sức cần thiết. Có lẽ đó cũng là cách thức để chúng tôi được rèn người, bồi đắp kiến thức lý thuyết và thực tế, và đó cũng chính là một trong những lý do quan trọng nhất để chúng tôi có được thành công như ngày hôm nay.
Chúng tôi vẫn đùa với nhau mỗi lần gặp lại, khi nói về Khoa và Trường ta: “Không biết giảng dạy kiểu gì mà sinh viên ra trường làm gì cũng được, toàn đào tạo những người hay nói, nhưng được cái nói rất hay...” Quả vậy, để có được điều đó chính là Nhà trường đã lựa chọn và trang bị cho học sinh lối tư duy khoa học và phương pháp đúng... Đó chính là công cụ quan trọng để xử lý một cách năng động, hiệu quả các vấn đề đặt ra trong cuộc sống ở các lĩnh vực khác nhau. Vì lẽ đó, không có gì ngạc nhiên khi sinh viên của Khoa ta, Trường ta đã thành đạt trên hầu hết các lĩnh vực, kể cả những công việc vốn không gần gũi với kinh tế.
Bất chợt tôi nhớ đến câu chuyện của đạo diễn điện ảnh khá nổi tiếng Đinh Đức Liêm - là sinh viên lớp chúng tôi. Để có được những bộ phim có tiếng vang như: Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối, Cỏ dại, Đón con về, Công ty thời trang... theo Liêm, phải nhờ đến những kiến thức và phương pháp kinh tế chính trị mới có sự hiểu biết sâu rộng, mới lý giải các vấn đề một cách thuần thục trong phim đến như vậy.
Chuyên gia tư vấn kinh tế Trịnh Huy Hóa (sinh viên Kinh tế khóa I) và cũng  là dịch giả tài hoa với thể loại sách về các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là bộ sách khá đồ sộ "Đối thoại với các nền văn hóa"… hoàn toàn chia sẻ và đồng tình với tâm sự của bạn Liêm. Vì thế, dù cần phải thay đổi để phù hợp với thời cuộc, song tôi vẫn rất mong nhà trường cùng sinh viên luôn phải giữ gìn và phát huy những điều cốt lõi trên để làm làm rạng danh hơn thương hiệu của khoa, của trường ta.
Tôi may mắn có khá nhiều dịp đến Trường Đại học Kinh tế. Dẫu đôi khi vẫn không khỏi ngỡ ngàng, luyến tiếc và ngơ ngác vì không còn "cảnh cũ" dù vẫn gặp không ít bạn bè xưa, nhưng nhìn cảnh các thầy cô nhiệt tình, trẻ trung, đầy tâm huyết với lớp lớp sinh viên xinh tươi, thông minh, năng động… lòng tôi tràn đầy niềm vui xen lẫn chút kiêu hãnh, tự hào về sự lớn mạnh của Khoa, của Trường - nơi mình đã một thời là sinh viên.
Nhân dịp Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN kỷ niệm 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống, với tư cách là một cựu sinh viên, một đồng nghiệp và cũng là một phụ huynh có con đang học tại Trường, tôi tin rằng Trường mãi mãi là địa chỉ tin cậy và là niềm tự hào của chúng tôi. Xin chúc cho Trường ta luôn đạt nhiều thành tích tốt trong đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học!


PGS.TS Nguyễn Duy Dũng
(Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam,
Sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị Khóa I)