Là khóa học đầu tiên của một ngành học mới nên lớp chúng tôi được Nhà trường và các cơ quan Đảng đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo khoa ngày đó đều là các thầy đang đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo ở các cơ quan Trung ương. Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy cho lớp tôi đều là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, triết học. Các giáo sư đã khéo léo kết hợp nội dung bài học với định hướng nghề nghiệp cho chúng tôi qua từng bài giảng. Chúng tôi thực sự bị cuốn hút từ những bài học đầu tiên.
Dần dần chúng tôi cũng hiểu được rằng, chúng tôi được đào tạo để trở thành những chuyên gia kinh tế chính trị, một lĩnh vực mà lúc bấy giờ chưa được đào tạo nhiều tại các trường đại học. Nếu khi nhập học trong lớp có rất nhiều đơn xin chuyển ngành thì chỉ sau một tháng học tập, lớp chúng tôi đã khá ổn định. Những cảm giác ngỡ ngàng, thất vọng ban đầu đã dần được thay thế bằng sự háo hức, xen lẫn một chút tự hào về tương lai nghề nghiệp của mình.
Đến bây giờ tôi vẫn rất ấn tượng về hình thức tổ chức lớp học của chúng tôi ngày đó: tất cả sinh viên trong lớp đều phải ở nội trú trong t
rường. Những sinh viên Hà Nội như tôi phải cắt hộ khẩu vào ở ký túc xá và chỉ được về nhà vào chiều thứ Bảy và ngày Chủ nhật. Ngoài giờ học chính khóa, mỗi tuần chúng tôi có 2 buổi sinh hoạt theo tổ vào tối thứ Ba và tối thứ Sáu từ 18h đến 20h. Đó là khoảng thời gian chúng tôi ngồi trật tự để nghe đọc báo, trao đổi với nhau những vướng mắc trong học tập và có cả những câu chuyên tầm phào riêng tư...
Sinh viên Trịnh Mai Hoa (ngồi thứ 2 từ phải sang) cùng các bạn khóa 1 - Khoa Kinh tế, Đại học Tổng hợp Hà Nội
Quả là một lớp học đặc biệt mà chẳng bao giờ có thể lặp lại nữa. Cái cách tổ chức như vậy lúc đầu cũng đem lại cho chúng tôi cảm giác gò bó. Tuy nhiên, phải công nhận rằng, theo năm tháng, lớp chúng tôi đã là một tập thể rất gắn bó, rất chan hòa, giúp đỡ nhau trong học tập và sẵn lòng chia sẻ cho nhau chuyện gia đình, bè bạn, chuyện tương lai...
Trưởng thành từ sinh viên khóa 1 của Khoa và làm việc tại Khoa ngay sau khi ra trường cho đến nay, tôi thuộc số không ít thầy cô đã chứng kiến nhiều đổi thay của Trường ĐHKT ngày nay, thụ hưởng những chính sách đúng đắn của lãnh đạo Khoa qua các thời kỳ. Nay nhìn lại chặng đường đã qua trong tôi trào dâng thật nhiều cảm xúc. Sự thành đạt của chúng tôi bây giờ là kết quả của chính sách quan tâm đào tạo đội ngũ giảng viên trẻ của lãnh đạo Khoa ngày đó.
Ngay từ những ngày đầu xây dựng Khoa, mặc dù mới thành lập, cán bộ thiếu, số sinh viên giữ lại Khoa còn thiếu kinh nghiệm, nhiệm vụ đặt ra nặng nề, nhưng lãnh đạo Khoa đã tạo điều kiện cho chúng tôi đi tu nghiệp nâng cao trình độ. Các giảng viên ở lại đã phải gánh thêm phần công việc cho chúng tôi trong thời gian dài 4 năm ở nước ngoài. Nhiều thầy, cô giáo trẻ được nhận về Khoa những ngày đầu như cô Tuyết Mai, cô Kim Nga, cô Phương Thảo, thầy Đoàn Đình Nghiệp, cô Bùi Thiêm, cô Anh Thu, thầy Trần Trọng Kim, cô Võ Thị Vân vốn là sinh viên tốt nghiệp bằng đỏ ở Liên Xô cũ, Bungary, CHDC Đức… đã cùng với một số thầy, cô các khóa sau được giữ lại như cô Vũ Dậu, thầy Phạm Quang Vinh, thầy Vũ Đức Thanh, thầy Phạm Văn Chiến, thầy Tạ Đức Khánh… đều phải gồng mình lên để hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy cho cả những người đi học như chúng tôi.
Những năm học giai đoạn 1985-1991 diễn ra trong điều kiện khó khăn chung của cả nước. Nhưng những công việc như tham gia giảng dạy, mời giảng viên, đi tiền trạm để tổ chức cho sinh viên thực tập… đã được các thầy cô hoàn thành chu đáo, đầy trách nhiệm. Chỉ có lòng nhiệt tình, sự hy sinh quên mình vì sự nghiệp phát triển của một ngành học mới giúp các thầy cô làm được những việc như vây. Nếu không có lòng yêu nghề, trách nhiệm với tương lai của một Khoa mới thì khó có thể giữ chân các thầy cô ở lại khi mà xã hội ngày đó, hiện tượng giảng viên rời bỏ nhà trường ra ngoài kiếm sống khá phổ biến. Thực sự, tôi rất tri ân những đóng góp của các thầy cô ngày đó.
Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, cùng với sự chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường, Khoa đã tạo điều kiện để các giảng viên được tham gia các khóa ngắn hạn để nâng cao kiến thức về kinh tế thị trường, phục vụ trực tiếp cho việc đổi mới chương trình đào tạo. Có thể nói, chính sách vừa tuyển chọn, vừa mạnh dạn cử giảng viên đi đào tạo, đã giúp Khoa có được một đội ngũ giảng viên vững vàng, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Năm học 1995-1996, đáp ứng nhu cầu xã hội, Khoa đã xây dựng thêm 2 ngành học mới là Kinh tế Đối ngoại và Quản trị Kinh doanh. Điều này đã tạo cho Khoa một diện mạo mới, từ đào tạo đơn ngành sang đa ngành với số sinh viên theo học ngày càng tăng ở các ngành, các hệ khác nhau, cung cấp nguồn nhân lực lớn cho xã hội trong giai đoạn chuyển đổi xây dựng kinh tế thị trường.