Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển kinh tế với xu hướng mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Một trong những mục tiêu chính của chiến lược này là thu hút nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA).
Đây là nguồn vốn đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam xây dựng nền
tảng để thu hút các nguồn lực khác, góp phần thực hiện cải cách kinh tế và hội
nhập quốc tế. Với chủ đề “Đầu tư công và vai trò của nguồn vốn ODA tại Việt Nam
hiện nay”, Tọa đàm do Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
tổ chức trực tuyến đã mang lại những giải đáp thỏa đáng về thực trạng giải ngân
nguồn vốn ODA tại Việt Nam, đánh giá vai trò và nguồn lực của ODA trong thời
gian tới cũng như dự đoán về nền kinh tế hậu đại dịch, và đặc biệt là những
khuyến nghị chính sách đến từ diễn giả, TS. Nguyễn Việt Hà - Chuyên gia Kinh
tế, Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan phụ trách chung về
các hoạt động tiếp nhận viện trợ tại Việt Nam.
Theo kinh nghiệm công tác nhiều năm trong lĩnh vực đầu tư công, TS.
Nguyễn Việt Hà đã chỉ ra rằng hiện nay đầu tư công của Việt Nam còn vấp phải
nhiều rào cản, dẫn đến “điểm nghẽn” trong các dự án sử dụng vốn ODA. Cụ thể như
vấn đề hạn chế trong đi lại khảo sát và hoàn thiện các báo cáo tiền khả thi, khả
thi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vấn đề chuyển đổi ngoại tệ hay những thiếu
sót trong việc thực hiện triển khai dự án…
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh vai trò của nguồn vốn ODA cũng
như đánh giá tiềm năng phát huy của nguồn vốn này ở nước ta trong giai đoạn hiện
nay. Các đánh giá về tình hình hợp tác công tư (PPP) tại Việt Nam và những lĩnh
vực kinh tế thuận lợi trong hoạt động PPP đã được phân tích và nêu rõ. Đặc biệt,
chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị chính sách để phục hồi nền kinh tế hậu
đại dịch COVID-19 như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, số hóa nghiệp vụ vận hành
của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp; Kịp thời có các chính sách hỗ trợ
những người yếu thế và chịu ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh với sự hỗ trợ của các
công cụ công nghệ để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng; Tăng cường điều hành trực
tiếp bằng các chính sách tài khóa, các gói kích cầu, trợ cấp xã hội…
Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công vẫn là bệ đỡ chính cho tăng
trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới và các doanh nghiệp vẫn nên kỳ vọng vào
các chính sách của Chính phủ. Trong khi cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và
người dân giảm mạnh thì Nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính,
thể hiện ở việc đẩy mạnh chi tiêu đầu tư công cũng như tháo gỡ các vướng mắc
liên quan đến giải ngân nguồn vốn ODA.