Trang tin tức sự kiện
 
Trò chuyện với TS. Nguyễn Việt Khôi - Người có duyên với học bổng

TS. Nguyễn Việt Khôi
Là giảng viên trẻ năng động, hiện đang giữ vị trí Phó Chủ nhiệm Bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Khoa KT&KDQT, Trường ĐHKT - ĐHQGHN, TS. Nguyễn Việt Khôi được sinh viên yêu quý không chỉ bởi phương pháp dạy cuốn hút, hiệu quả mà còn vì sự chan hòa, nhiệt huyết với sinh viên.


Bên cạnh danh sách giải thưởng và học bổng đáng ngưỡng mộ như học bổng UNDP tại Singapore năm 2002, Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Á - Âu tại Hà Lan năm 2004, Quỹ ABS tại Hoa Kỳ năm 2006, Học bổng 322 dành cho Nghiên cứu sinh tại Hoa Kỳ năm 2007, Học bổng Quỹ FET (Foundation for Economics Teaching) tại Hoa Kỳ năm 2008... và đầu tháng 4/2012, anh lại vui mừng nhận kết quả trúng tuyển từ Chương trình Học giả Fulbright 2012. Nhân dịp anh đang chuẩn bị cho chương trình học tập và nghiên cứu này tại Hoa Kỳ vào tháng 9 tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhỏ với “người có duyên với học bổng” này. 
- Xin chào anh! Giữa hàng loạt học bổng mà anh đã được nhận thì tin vui về học bổng Fulbright có ý nghĩa như thế nào?
TS. Nguyễn Việt Khôi: Hiện nay, cơ hội học bổng ngày một nhiều nhưng trong số đó, Fulbright là học bổng uy tín, cạnh tranh và được nhiều người muốn có. Tôi rất vui khi nhận được kết quả trúng tuyển từ Fulbright sau khi vượt qua rất nhiều ứng viên trên toàn quốc để có được học bổng này. Thầy hướng dẫn tôi đã từng nhận được học bổng danh giá này, và thầy chính là người vun đắp hoài bão đạt được học bổng Fulbright trong tôi. Bây giờ mơ ước của tôi đang thành hiện thực. Tôi xin được cảm ơn thầy.
- Tại sao anh chọn chương trình học bổng Fulbright?
TS. Nguyễn Việt Khôi: Tôi lựa chọn Fulbright vì sự uy tín của chương trình này. Những ứng viên nhận được học bổng Fulbright đa số được gửi đến những trường đại học danh tiếng nhất Hoa Kỳ và được làm việc với những giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực họ nghiên cứu.
- Với những tiêu chí khá nghiêm ngặt đó, anh có bí quyết gì để đạt kết quả đáng khâm phục như vậy? Quá trình hoàn thiện hồ sơ anh có gặp nhiều khó khăn?
TS. Nguyễn Việt Khôi: Với mỗi học bổng, các tiêu chí tuyển chọn phụ thuộc vào từng mục đích của mỗi quỹ. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần đáp ứng hết các tiêu chí của quỹ như tất cả các ứng viên, tôi nghĩ mình đã chuẩn bị được bộ hồ sơ ấn tượng để có thể được lựa chọn đi sâu vào vòng phỏng vấn và tận dụng cơ hội đó trình bày với hội đồng đánh giá những ý tưởng nghiên cứu, cũng như kế hoạch hoạt động tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện hồ sơ cũng không thật dễ dàng. Trong thời gian đó, tôi vừa đi dạy, vừa tham gia các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của khoa, đồng thời theo học lớp nghiệp vụ sư phạm do nhà trường tổ chức. Về mặt hồ sơ, tôi phải hoàn thành một đề cương nghiên cứu chi tiết, phải xin được 3 thư giới thiệu của những giáo sư uy tín trong ngành. Ngoài ra, khó khăn nữa là việc nộp hồ sơ trên mạng theo chuẩn của hệ thống embark khá phức tạp và tốn nhiều thời gian.
- Các học bổng nhận được có ý nghĩa gì với anh, đặc biệt là quá trình giảng dạy, nghiên cứu ở ĐHKT?
TS. Nguyễn Việt Khôi: Mỗi học bổng đánh dấu một cột mốc trên chặng đường sự nghiệp của mỗi người và mang theo từng ý nghĩa riêng của nó. Đối với cá nhân tôi, mỗi học bổng tôi nhận được dù lớn hay nhỏ đều giúp tôi hoàn thiện mình hơn, là điều kiện cho tôi tham gia vào mạng lưới các tổ chức giáo dục có uy tín, kết nối với bạn bè quốc tế để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và có thêm những cơ hội học bổng mới. Đối với học bổng Fulbright, nhờ vào mạng lưới của Quỹ, trong thời gian tham gia học tập và nghiên cứu tại Đại học Columbia, tôi đã nhận được lời mời của Đại học Duke và Đại học California - Irvine để sang chia sẻ kết quả nghiên cứu. Cơ hội được đào tạo ở những môi trường giáo dục khác nhau giúp tôi cập nhật kiến thức, tiếp cận những góc cạnh mới của chủ đề nghiên cứu đang theo đuổi, lựa chọn được phương pháp giảng dạy phù hợp để hoàn thành tốt hơn công việc chuyên môn tại Trường Đại học Kinh tế.
- Anh có chia sẻ hay có lời khuyên nào cho các giảng viên muốn tìm kiếm học bổng nói chung, đặc biệt là học bổng Fulbright? Điều gì là quan trọng và khiến hồ sơ của một ứng viên trở nên đáng chú ý?
TS. Nguyễn Việt Khôi: Với những cá nhân đăng ký bổng dù ngắn hạn hay dài hạn, Fulbright hay học bổng khác thì đều nên lưu ý những điểm quan trọng sau:
Thứ nhất, bạn hãy có trong tay những tài liệu tối thiểu cần cho hồ sơ như CV, văn bằng, bảng điểm (dịch và công chứng).
Thứ hai, bạn cần luôn trau dồi ngoại ngữ, sẵn sàng dự thi để lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS.
Thứ ba, hãy giữ liên lạc với các giảng viên, lãnh đạo trong cơ quan bạn công tác hay các đồng nghiệp để họ cập nhật thông tin về bạn và giúp bạn viết thư giới thiệu tới các quỹ học bổng.
Thứ tư, bạn hãy chuẩn bị khoảng 2 đề cương nghiên cứu về vấn đề mà bạn ấp ủ sẽ thực hiện khi ra nước ngoài. 
Thứ năm, bạn hãy liên lạc với các giảng viên hay cá nhân đã từng nhận được học bổng của các quỹ để họ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm từ chính bản thân họ.
Thứ sáu, để có được hồ sơ đáng chú ý, bạn cần tạo ra sự khác biệt. Sự khác biệt thể hiện trong đề cương nghiên cứu, định hướng nghiên cứu, CV, thư giới thiệu, và ngay cả trong buổi phỏng vấn (nếu bạn được chọn vào vòng tiếp theo). Hãy tự tin và đừng sợ thất bại.
Thứ bảy, bạn hãy tham gia vào các diễn đàn, các nhóm cựu sinh sinh viên đã từng được nhận học bổng mà bạn đang muốn đăng ký để học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ họ.
Cuối cùng, bạn hãy cố gắng hết khả năng của bạn và chờ đợi tin vui. You do your best and God will do the rest (mỉm cười).
- Anh đã có dự định chọn trường đại học hay cơ sở giáo dục nào ở Hoa Kỳ cho khóa học sắp tới? Anh hình dung thời gian sắp tới của mình tại Hoa Kỳ sẽ như thế nào?
TS. Nguyễn Việt Khôi: Tôi đã nhận được thư mời của một vài trường và tôi chọn trường Đại học Columbia (Columbia University) là nơi để học tập và thực hiện nghiên cứu. Lý do tôi chọn ĐH Columbia vì giáo sư bảo trợ cho tôi là chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ về chủ đề nhiên cứu tôi đang theo đuổi. Tôi hy vọng sẽ được học hỏi nhiều điều từ ông. Ngoài ra, Đại học Columbia là Đại học danh tiếng (thuộc nhóm Ivy League) với khu học xá ở ngay trung tâm Phố Wall, thành phố New York, nơi đặt tổng hành dinh của các công ty xuyên quốc gia. Với chủ đề nghiên cứu về “Đánh giá cơ hội Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các công ty xuyên quốc gia Hoa Kỳ”, trung tâm phố Wall chính là địa điểm lý tưởng cho nghiên cứu của tôi.
Tuy nhiên, Trường Đại học Columbia và Thành phố New York cũng là thử thách lớn đối với những ai lần đầu đến đó, bởi bên cạnh chi phí đắt đỏ thì cuộc sống ở thành phố này đầy rẫy những cám dỗ. Tôi mong rằng sẽ có thể vượt qua thử thách này thành công.
- Câu hỏi cuối nhé, sau khóa học anh có kế hoạch “trở về” hay “ở lại” để tiếp tục học tập và nghiên cứu?
TS. Nguyễn Việt Khôi: Mỗi người đều có những cơ duyên trong cuộc đời, tôi may mắn có được nhiều học bổng chính là nhờ vào uy tín của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi thấy mình may mắn khi được làm việc ở đây. Tôi yêu môi trường làm việc của tôi, nơi những thế hệ đi trước luôn tận tình chia sẻ kinh nghiệm và lắng nghe các thế hệ đi sau. Tôi tự hào về các đồng nghiệp của tôi, những người đang ngày hết mình cống hiến cho xã hội dẫu rằng thu nhập còn khiêm tốn. Tôi yêu nghề giáo viên bởi áp lực cập nhật kiến thức từ những vấn đề mà sinh viên đặt ra. Chính vì vậy, sau khi học tập và nghiên cứu tại Hoa Kỳ, tôi sẽ trở lại Trường Đại học Kinh tế để tiếp tục theo đuổi những đam mê của tôi tại đây.
- Xin cảm ơn anh. Chúc anh đạt nhiều thành công hơn nữa trong chặng đường sắp tới!


Hải Đăng (thực hiện)