Đó là nội dung đã được đề cập trong bài báo “To settle or to fight to the end? Case-level determinants of early settlement of investor-state disputes” của TS. Vũ Duy vừa được đăng trên tạp chí Review of Law & Economics - tạp chí thuộc danh mục ISI.
Toàn cầu hóa đã kéo theo nhiều thay đổi trong
hoạt động kinh tế quốc tế, thể hiện rõ nhất là sự dịch chuyển của dòng đầu tư
và thương mại giữa các quốc gia. Một mặt, các nước xuất khẩu vốn có những
lo lắng về sự an toàn của dòng vốn, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi
tiềm ẩn nhiều rủi ro về chính trị và kinh tế vĩ mô. Mặt khác,
các nước tiếp nhận vốn đang tìm cách dung hoà giữa việc thực
thi các chính sách quốc gia (ví dụ các tiêu chuẩn môi trường cao cho
các dự án khai thác đá hoặc năng lượng) và mục tiêu đảm bảo môi
trường tự do, khuyến khích đầu tư quốc tế. Dòng vốn quốc tế nhẽ ra
sẽ dịch chuyển chậm chạp và tốn kém hơn nếu như không
có các thỏa thuận về bảo hộ đầu tư giữa các quốc gia (ví dụ hiệp
ước đầu tư song phương - BIT). Các thỏa thuận này thường cung cấp
cả cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nước sở tại và nhà đầu tư nước
ngoài thông qua hệ thống trọng tài đầu tư quốc tế.
Tranh chấp là dấu hiệu căng thẳng trong quan hệ
giữa các bên, nó có thể cắt đứt mối quan hệ cá nhân hoặc thậm chí phá hủy mối
quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa hai quốc gia. Khi tranh chấp xảy ra giữa nhà
đầu tư nước ngoài và nhà nước sở tại tại tòa trọng tài, cả hai bên có thể dừng
vụ kiện bất cứ lúc nào nếu như họ đạt được thỏa thuận hòa giải sớm. Hòa giải
sớm không chỉ là giải pháp nhằm giảm chi phí, thời gian của trọng tài đầu tư
quốc tế, mà còn “bảo vệ” được uy tín của các bên liên quan, cùng nhiều lý do
chính trị khác. Về mặt lý thuyết, tác giả đồng tình một phần với Fiss
(1984) rằng hòa giải sớm không đơn giản là thỏa thuận để chấm dứt tranh chấp.
Đặc biệt, trong bối cảnh đầu tư quốc tế, tranh chấp có thể liên quan đến, hoặc
bắt nguồn từ việc nhà nước sở tại thực thi các chính sách có lợi cho lợi ích
công cộng, nhưng lại có tác động tiêu cực đến dự án của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi phần lớn các hoạt động dàn xếp, hòa giải giữa các bên
thường không được công khai, xã hội có quyền nghi ngờ về kết quả
"thực sự" của một cuộc dàn xếp như vậy, chẳng hạn như liệu quy định
về môi trường cho một sự án khai thác quặng gây ô nhiễm có bị nhà nước chủ quản
rút lại không nếu dựa trên các điều khoản hòa giải?
Dựa trên khung lý thuyết kinh tế thương lượng và
đàm phán trong bối cảnh thông tin bất đối xứng, bài nghiên cứu xác định những
yếu tố quyết định xác xuất xảy ra hòa giải sớm giữa các bên. Việc lồng ghép các
yếu này vào mô hình kinh tế lượng Probit và kiểm nghiệm trên bộ dữ liệu về các vụ
việc trọng tài đầu tư từ năm 1996 đến năm 2016 đem lại nhiều phát hiện thú vị: Đầu
tiên, một quốc gia chủ nhà thiếu kinh nghiệm giải quyết tranh chấp trọng
tài thường có xu hướng lựa chọn hòa giải sớm. Thứ hai, nếu nước sở
tại dự đoán một kết quả thuận lợi, đặc biệt là dựa trên việc quan sát kết quả
của các tranh chấp cùng loại của các nước trong cùng một khu vực địa lý, thì họ
sẽ ít có khả năng lựa chọn giải quyết thông qua hòa giải sớm. Thứ ba, nếu
tranh chấp xuất phát từ một biện pháp mang tính cực đoan, tước bỏ gần như khả
năng hoạt động cơ bản của nhà đầu tư nước ngoài thì việc giải quyết nó thông
qua hòa giải là khó có thể xảy ra. Thứ tư, so với các nhà đầu
tư là các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư cá nhân có xu hướng chờ đợi phán
quyết cuối cùng của trọng tài hơn là hòa giải sớm. Cuối cùng, có bằng chứng cho
thấy xác suất hòa giải sớm cao hơn nếu nhà đầu tư nước ngoài viện dẫn sự bảo hộ
của các hiệp ước đầu tư do Hà Lan ký kết.
Nghiên cứu đã mở rộng những công trình sơ bộ do
một số học giả thực hiện trước đó (Franck 2009; Harten 2012; Hafner-Burton và
Victor 2016) để cố gắng tìm hiểu và làm cho quá trình giải quyết tranh chấp bởi trọng tài quốc tế trở
nên minh bạch hơn, đồng thời cũng cung cấp một số hàm ý chính sách
dành cho nước sở tại khi giải quyết tranh chấp:
Thứ nhất, hiện nay, tranh chấp giữa nhà đầu tư nước
ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư là mối quan tâm của cả các nước đang phát
triển lẫn các nước phát triển. Để giảm thiểu khả năng xảy ra tranh chấp, các quốc
gia đã ký kết hoặc đang đàm phán các hiệp định quốc tế về bảo hộ đầu tư nên xem
xét cả khung pháp lý quốc gia về đầu tư nhằm tránh xung đột về luật, cũng như
có các phương án dự phòng để đối phó với các vụ kiện có thể xảy ra trong tương
lai.
Thứ hai, việc hòa giải sớm cần được cân nhắc kỹ lưỡng,
đặc biệt nếu vụ việc ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng. Theo Che và Yi (1993,
tr.401), “việc thiết lập một án lệ thuận lợi sẽ hiệu quả hơn việc chống lại một
án lệ bất lợi đã được thiết lập trước đó”. Do vậy, nếu quốc gia sở tại đã chuẩn
bị kỹ lưỡng bằng chứng, tài liệu và và có những hỗ trợ pháp lý đầy đủ, họ có
thể từ chối hòa giải sớm (hoặc chỉ đồng ý hòa giải sớm nếu các điều khoản hòa
giải không gây phương hại đến lợi ích cộng đồng và chúng được công khai).
Thứ ba, các điều khoản của nhiều hiệp định đầu tư song
phương còn chưa đầy đủ về mặt pháp lý, ví dụ: một số hiệp định đầu tư
quốc
tế của Hà Lan. Khe hở này vô hình chung đã khuyến khích các nhà đầu tư từ các
nước thứ ba sử dụng các hiệp định của Hà Lan như một công cụ để khởi kiện nước
chủ nhà trước trọng tài quốc tế. Các hiệp định không hoàn chỉnh có thể gây bất
lợi cho các quốc gia khi đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài về tranh chấp trước
hội đồng trọng tài. Do vậy, chúng ta cần hướng đến một giải pháp tổng thể, đó
là cải cách chế độ đầu tư quốc tế và khung pháp luật quốc tế về đầu tư hiện
hành, và nên bắt đầu bằng việc các quốc gia chủ động đàm phán, điều chỉnh lại
các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương.
Chúng tôi tin rằng nghiên cứu này đã cung cấp bộ
dữ liệu có giá trị về các tranh chấp đầu tư quốc tế, đồng thời đóng góp đáng kể
vào lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới về trọng tài đầu tư quốc tế bằng cách áp
dụng và chứng mình một cách thực nghiệm các lý thuyết kinh tế về thương lượng
và hòa giải được thừa nhận rộng rãi trong thực tiễn giải quyết tranh chấp.
>> Xem bài báo tại đây:
- To Settle or to Fight to the End? Case-level Determinants
of Early Settlement of Investor-State Disputes. Review of Law & Economics, No. 17 (1), 2021
>> Về tác giả của bài báo:
| TS. Vũ Duy hiện là giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, kiêm Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Sau khi tốt nghiệp cử
nhân xuất sắc tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, anh nhận học bổng toàn phần
cho chương trình đào tạo bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Cộng hoà Pháp. TS. Vũ Duy
có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế và đã
tham gia cộng tác nghiên cứu với Trung tâm Nghiên cứu Luật, Kinh tế và Quản lý
tại Pháp (GREDEG-CNRS), Viện Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam và Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam. Hướng nghiên cứu và giảng dạy chính của anh là Kinh tế
chính trị, Kinh tế học ứng dụng và Lịch sử các học thuyết kinh tế. TS. Vũ Duy
là tác giả của nhiều bài báo đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước
và quốc tế. |