Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN - nơi tôi gắn bó gần 15 năm, sắp tổ chức 40 năm truyền thống và sinh nhật lần thứ 7. Có lẽ, đồng nghiệp của tôi sẽ chia sẻ những kỷ niệm về ngôi trường, về những tấm gương đã cống hiến hết mình giúp nhà trường có vị thế hôm nay. Tôi suy nghĩ nhiều nhưng không biết nên bắt đầu từ ai hoặc từ đâu để nói lên cảm xúc của mình. Chỉ đơn giản là những nấc thang lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi không thể thiếu được Trường ĐHKT.
Nấc thang thứ nhất: Chọn trường đại học
Đó là những tháng cuối đông 1995 khi đó tôi học lớp 12. Lớp chúng tôi nhận cuốn sổ tay hướng dẫn tuyển sinh đại học và cao đẳng từ cô chủ nhiệm để tìm hiểu. Vốn học lớp chuyên Anh, chúng tôi đều muốn chọn các trường khối D. Trong danh sách nhiều trường năm đó, tôi nhắm ngành Kinh tế Đối ngoại - Khoa Kinh tế trực thuộc Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN. Đơn giản tôi suy nghĩ, ngành có Khối D, mấy đứa bạn thân cùng đăng ký và đây là ngành mới của Trường nên chắc ít bạn đăng ký dự thi. Thực sự, ngày đó chúng tôi không có những đợt hướng nghiệp hay thăm quan trường như chương trình Đại học Kinh tế đang làm nên việc lựa chọn trường rất cảm tính. Dẫu sao, thần may mắn đã mỉm cười với tôi. Tôi chọn đúng trường và mơ ước sinh viên thành hiện thực….Tôi đặtbước chân đầu tiên trên nấc thang đại học ngay tại mái trường này.
Nấc thang thứ hai: Đời sinh viên
Tôi không thể quên ngày nắng chói chang của buổi nhập học đầu tiên trong đời sinh viên ngay tại khu Ký túc xá Mễ trì. Hơn 500 sinh viên khoá chúng tôi mồ hôi nhễ ngại với ánh mắt nhập tràn hạnh phúc khi có trên tay tờ giấy nhập học. Hai chữ“sinh viên” thay chỗ “học sinh” mới thiêng liêng làm sao. Suốt quãng đời sinh viên, chúng tôi không dám nghĩ tới máy chiếu, thang máy, không mơ tới wifi, hay điều hoà trong những ngày nóng nực. Tất cả những thứ xa xỉ đó chỉ có trongtruyện cổ tích. Hôm nay, mọi thứ đã khác, Trường ĐHKT đã tạo nên những thứ không thể có của hôm qua để phục vụ sinh viên và giảng viên tốt hơn.
Cũng trong quãng đời sinh viên, tôi có được niềm vui khôn tả khi Khoa Kinh tế sẽ trực thuộc ĐHQGHN. Chúng tôi vui vì sẽ được nhận tấm bằng Cử nhân song ngữ do Giám đốc ĐHQGHN ký. Tuy nhiên, sự thật không như mơ. Năm đó, nhà trường vẫn phải dùng phôi bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và bằng của chúng tôi vẫn chỉ có mỗi tiếng việt. Rồi năm tháng đời sinh viên nhanh chóng qua đi, cuốn theo hết những vui buồn trong cơn mưa đầu hạ. Tôi đã hoàn thành chương trình đại học, hoàn thành nấc thang thứ hai với mơ ước về một việc làm đúng ý nguyện.
Nấc thang thứ ba: Việc làm
Cầm tấm bằng trên tay nhưng có việc phù hợp thực sự không dễ dàng đối với sinh viên mới ra trường cùng kinh nghiệm số “0” như chúng tôi. Có lẽ, tôi đã may mắn hơn nhiều bạn sinh viên bởi tôi được giữ lại trường. Tôi không dám nghĩ những nỗ lực tôi bỏ ra trong suốt thời gian học Đại họccùng kết quả tốt nghiệp ấn tượng giúp tôi có được công việc tốt. Tôi thực sự biết ơn các thầy cô trong Khoa Kinh tế lúc bấy giờ đã cho tôi cơ hội. Tôi đặc biệt cám ơn thầy Tốn, thầy Tài, cô Thu, cô Tuyết Mai, thầy Thiên, cô Chi, thầy Oánh và thầy Nhạ, những người thầy đã cho tôi cơ hội khi chấp nhập nguyện vọng xin ở lại trường làm trợ giảng của tôi. Một cánh cửa mới rộng mở, một nấc thang lớn tiếp theo trong đời được hoàn thành.Tôi theo nghề sư phạm, có thêm cơ hội vừa học vừa làm ở chính mái trường này.
Nấc thang thứ tư: Những chuyến đi
Kế từ khi được giữ lại trường làm giảng viên, tôi bắt đầu có các chuyến đi dài ngày xa gia đình. Phải kể tới những chuyến đi cùng cả trăm sinh viên thực tập tại các thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn ròng rã suốt một tuần, hay những chuyến đi thực tế cùng toàn bộ sinh viên lớp Đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc, những chuyến làm việc với nhà máy Toyota cùng thầy Phùng Xuân Nhạ. Nhiều hơn nữa là các chuyến đi dạy tại chức mỗi cuối tuần ở các tỉnh dọc Bắc chí Nam... Sau những chuyến đi, tôi trưởng thành hơn. Tôi tích luỹ thêm kinh nghiệm đứng lớp, xử lý tốt hơn các tình huống bất ngờ xảy ra trên lớp. Tôi học được thêm những văn hoá vùng miền mà tôi chưa từng biết tới. Và hơn tất cả, điều tôi phát hiện trong những chuyến đi đó là phải tạo ra sự khác biệt. Nó vô cùng quan trọng đối với sự sinh tồn của cá nhân và tổ chức.
Nấc thang thứ năm: Đam mê và khác biệt
Với sự điều hành tài ba của những người cầm lái, tổ chức của tôi lớn mạnh hơn rất nhiều sau khi trở thành Trường ĐHKT năm 2007. Nhiều nhân tài mới xuất hiện, mang theo những gam màu khác nhau, tạo nên dấu ấn và thành công cho Trường ĐHKT. Dưới áp lực sinh tồn, chúng tôi - những người tạm coi là cũ, nếu say mê với nghề bắt buộc phải hành động để tồn tại. Chính các thầy cô lãnh đạo cấp Trường, Khoa cũng nhận ra điều này và khuyến khích, tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thiện bản thân. Hàng loạt khóa học ngắn hạn về chuyên môn và ngoại ngữ được mở ra. Nhiều diễn giả nổi tiếng được mời đến trường nói chuyện với giảng viên trẻ. Cứ như vậy, chúng tôi lớn mạnh từng ngày. Bản thân tôi không thể quên ơn những thầy cô đã cho tôi cơ hội ra nước ngoài học tập, giúp tôi hiểu hơn về thế giới rộng lớn, để từ đó tôi có cơ hội tìm hướng đi khác biệt trong nghiên cứu và giảng dạy. Tôi biết ơn thầy Phí Mạnh Hồng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế - ĐHQGHN đã gần gũi, cởi mở, đánh thức tiềm năng của thế hệ chúng tôi. Cuối cùng, tuy không xuất sắc nhưngtôi bắt đầu đang tạo ra khác biệt để tiếp tục tồn tại ở mái trường này.Tôi luôn tâm đắc với giá trị cốt lõi mà Nhà trường đã đưa ra: “Khuyến khích sáng tạo, nuôi dưỡng say mê. Tôn trọng sự khác biệt, thúc đẩy hợp tác”. Tôi mong muốn Nhà trường tiếp tục thực hiện điều này. Riêng tôi sẽ giữ giá trị này làm phương châm hành động. Tôi tin rằng nếu tôi còn đam mê, tiếp tục "stay foolish and hungry", tôi sẽ còn phát triển. Cuối cùng, tôi chắc chắn rằng, những nấc thang quan trọng tiếp theo trong đời của tôi sẽ không thể thiếu sự chắp cánh của trường tôi: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bài viết này của một giảng viên trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Tuy nhiên, tác giả xin phép không ghi tên để có cơ hội viết tiếp câu chuyện cuộc đời vào những sinh nhật tiếp theo của Trường Đại học Kinh tế.
(To be continued…)