Tiếp nối thành công của hội thảo “Nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ Việt Nam” lần thứ nhất được tổ chức tháng 7/2012, ngày 6/9/2013, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo lần hai với sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường chủ trì hội thảo
Tham dự hội thảo lần này có các chuyên gia về quản lý chất lượng đến từ các cơ quan Nhật Bản và Việt Nam như GS.Yoshiki Matsui (Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yokohama), ông Manabu Matsumoto và ông Kiyasu Masahide - chuyên gia của JICA (The Japan International Cooperation Agency - tổ chức hoạt động với mục tiêu góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các nước đang phát triển thông qua việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của Nhật Bản với các nước này), TS. Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, TS. Trần Ngọc Trung - Chuyên gia tư vấn quản lý, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE), cùng các đại diện đến từ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.
Đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham dự hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, Trường ĐHKT - ĐHQGHN mong muốn trở thành một trung tâm nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn, chuyển giao các kiến thức về quản lý và phát triển năng suất chất lượng. Vì vậy, trường hy vọng tiếp tục nhận được sự hợp tác, chia sẻ và phối hợp thực hiện các chương trình/dự án của các tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học để thúc đẩy việc nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng về năng suất và chất lượng.
Trong lần tổ chức thứ hai này, hội thảo tập trung vào các nội dung chính như: (i) hoạt động chất lượng tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam: xu hướng, triển vọng và thách thức năm 2013; (ii) giới thiệu một số kinh nghiệm thực tế về thực hành quản trị chất lượng tại các doanh nghiệp Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà quản trị doanh nghiệp, nhà nghiên cứu tư vấn và chuyên gia quốc tế; (iii) giới thiệu một số vấn đề thực tiễn liên quan đến quan hệ giữa thực hành quản trị chất lượng và đổi mới sáng tạo tại Nhật Bản và các nước phát triển.
TS. Vũ Văn Diện trình bày tham luận tại hội thảo
Trong đó, tham luận của TS. Vũ Văn Diện nêu lên thực trạng tổ chức quản lý hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tại Việt Nam hiện nay và những định hướng cơ bản của hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Tham luận cho thấy, cơ sở pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng về cơ bản đã được xây dựng; nhiều tổ chức đã thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; hay các doanh nghiệp cũng tham gia hoạt động này, hình thành một hệ thống ngành dọc về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng từ trung ương đến địa phương, cơ sở... Dù vậy, việc tổ chức quản lý hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ở nước ta hiện nay vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Phân tích nguyên nhân những hạn chế đó, tham luận đưa ra phương hướng cho hoạt động này từ nay đến năm 2020.
GS . Yoshiki Matsui chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng tại Nhật Bản
Chuyên gia từ ĐH Yokohama - GS.Yoshiki Matsui trình bày những kết quả nghiên cứu về quản lý chất lượng trong ngành sản xuất Nhật Bản, đặc biệt là phương pháp quản lý chất lượng tổng thể (TQM).
TS. Nguyễn Đăng Minh trình bày về áp dụng 5S, Kaizen tại CNC VINA
Tham luận “Thực hành cải tiến chất lượng tại Công ty CNC” do TS. Nguyễn Đăng Minh trình bày cho thấy kinh nghiệm áp dụng các phương pháp cơ bản trong hệ thống sản xuất tinh gọn như 5S, cải tiến liên tục (Kaizen) tại Công ty CNC VINA. Tham luận chỉ ra, nhờ việc phổ biến liên tục tới cán bộ/nhân viên, áp dụng linh hoạt các phương pháp mà hoạt động sản xuất tại CNC VINA đạt được nhiều thành tựu như: nâng cao năng suất lao động, khuyến khích tinh thần và trách nhiệm làm việc của nhân viên, tận dụng tối ưu nguồn lực của doanh nghiệp...
TS. Trần Ngọc Trung tại hội thảo
Cùng trình bày một trường hợp điển hình về cải tiến liên tục tại Việt Nam, TS. Trần Ngọc Trung mang đến những thông tin về hoạt động này tại Công ty CP kính Viglacera ABC. Trong đó ông nhấn mạnh đến yếu tố phối hợp, đồng lòng của mọi người trong tổ chức, doanh nghiệp để đạt hiệu quả cao hơn.
Các chuyên gia JICA chia sẻ kinh nghiệm thực tế áp dụng 5S, Kaizen
Tiếp đó, hai chuyên gia đến từ JICA - ông Manabu Matsumoto và ông Kiyasu Masahide - đã chia sẻ những thông tin và bài học kinh nghiệm trong việc áp dụng 5S, Kaizen tại doanh nghiệp Nhật Bản và một số doanh nghiệp Việt Nam mà JICA đã từng hỗ trợ áp dụng những phương pháp này. Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố con người trong việc cải tiến chất lượng, và cho rằng những phương pháp chỉ được thực hiện hiệu quả khi chúng được thấu hiểu và thực hiện bằng cả tinh thần, trái tim.
Các tham luận tại hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi và câu hỏi của đại biểu tham dự. Trả lời về một số khó khăn trong việc áp dụng công cụ quản lý chất lượng tại doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Trung cho rằng khó khăn lớn nhất chính là sự nóng vội của cấp lãnh đạo doanh nghiệp, cần hiệu quả nhanh mà chưa tính đến dài hạn; thêm vào đó, việc thực hiện ý tưởng của cấp lãnh đạo đến các cấp thấp hơn nhiều khi còn chưa thống nhất nên hiệu quả đạt được chưa cao. Bàn về việc áp dụng chương trình năng suất lao động quốc gia, ông Diện nhận định nhiều doanh nghiệp còn ỷ lại vào Nhà nước. TS. Nguyễn Đăng Minh nêu quan điểm tuy nhân công Việt Nam giá rẻ nhưng được sử dụng một cách tràn lan, chưa hiệu quả dẫn đến lãng phí.
Các sinh viên ĐHKT tích cực trao đổi với diễn giả
Ngoài ra, một số câu hỏi khác liên quan đến làm sao để nâng cao hiệu suất lao động của người Việt Nam, hay việc khen thưởng cho các cá nhân xuất sắc trong áp dụng công cụ cải tiến liên tục... cũng được đặt ra tại hội thảo.
Tại hội thảo, nhà trường cũng giới thiệu đến các đại biểu ấn phẩm nghiên cứu về quản lý chất lượng của trường - “Quản lý chất lượng tại các doanh nghiệp Việt Nam”. Cuốn sách trình bày kết quả nghiên cứu khảo sát thực địa, phỏng vấn, phân tích kết quả kinh doanh trước và sau khi áp dụng ISO 9000 tại 108 doanh nghiệp, và áp dụng công cụ Kaizen tại 52 doanh nghiệp cho thấy việc áp dụng ISO 9000 và thực hành Kaizen đã bước đầu giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức của nhân viên, cải tiến một số chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nâng cao được sự hài lòng của khách hàng và đặc biệt là đã nâng cao được trình độ quản lý của cán bộ nhân viên.
Đây là một trong những cuốn sách chuyên khảo công bố kết quả nghiên cứu độc lập đầu tiên về quản lý chất lượng tại doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện bởi trường đại học.
|