Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Hội thảo quốc tế "Tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam"

Đoàn chủ tọa phiên đầu tiên của hội thảo
Ngày 11/10/2013, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam” với sự tài trợ của Quỹ Friedrich Naumann (FNF) và Bộ Khoa học Công nghệ.


Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật cũng như kinh nghiệm thực tiễn, cung cấp diễn đàn cho các học giả, các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về kinh nghiệm hội nhập kinh tế, kinh nghiệm của các nước ASEAN trong việc tham gia và đóng góp cho việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 cũng như những gợi ý cho Việt Nam tham gia thành công AEC. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ đề tài “Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN) làm chủ nhiệm, thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước KX.01/11-15.
Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện các bộ, ban, ngành như Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; đại diện lãnh đạo một số địa phương (Thái Nguyên, Bắc Giang); đại diện Quỹ Friedrich Naumann (FNF), đại diện lãnh đạo Phái đoàn EU tại Việt Nam và một số đại sứ các nước Đông Nam Á tại Việt Nam; đại diện các viện nghiên cứu, các trường đại học khối kinh tế, kinh doanh và quản lý, cùng đại diện các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp là đối tác của Trường ĐHKT.
Về phía Trường ĐHKT có đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên Trường ĐHKT. Hội thảo cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều phóng viên báo chí, truyền hình Trương ương và Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN khai mạc hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
Sau hơn 40 năm thành lập, ASEAN là một tổ chức liên kết khu vực thành công, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong khu vực và quốc tế. Quyết tâm xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN cùng với Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội vào năm 2015 thể hiện bước tiến mới trong quá trình hợp tác của các nước ASEAN.
Việt Nam nhận thấy rằng việc tích cực và chủ động tham gia AEC sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho các nước thành viên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện AEC của Việt Nam vẫn phải đối đầu với khá nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước ASEAN trong quá trình hội nhập kinh tế là hết sức cần thiết.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ: “Trường ĐHKT - ĐHQGHN mong muốn quý vị đại biểu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia hội thảo này chủ động nêu sáng kiến và đóng góp công sức, hợp tác với Trường ĐHKT - ĐHQGHN để góp phần vào sự thành công của Việt Nam trong lộ trình tham gia vào AEC”.
Ông Mai Xuân Hùng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội...

...và ông Hans-Georg Jonek - Trưởng đại diện, Quỹ FNF tại Việt Nam phát biểu chào mừng và nhấn mạnh ý nghĩa hội thảo
Ông Mai Xuân Hùng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã có diễn văn chào mừng hội thảo, trong đó nhấn mạnh hội nhập trong ASEAN luôn là một vấn đề ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Ông Hans-Georg Jonek - Trưởng đại diện, Quỹ FNF tại Việt Nam đã phát biểu đại diện nhà tài trợ, thể hiện quan điểm của Quỹ về ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo này hướng tới việc thành lập AEC vào năm 2015.
Hội thảo gồm 2 phiên chính, trong đó, phiên đầu tiên bàn về AEC dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế.

Ông Sanjay Kalra - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam phân tích triển vọng của các nước ASEAN và một số thách thức khi thành lập AEC
Ông Sanjay Kalra - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam trình bày bài thuyết trình với việc phân tích những thành tựu và triển vọng của các nước ASEAN, trong đó tập trung vào một số nội dung như thương mại, đầu tư, những thành tác động tích cực của hội nhập ASEAN tới các nước thành viên. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập tới những khó khăn, thách thức mà các nước ASEAN còn phải đối đầu như vấn đề chênh lệch khoảng cách phát triển, vấn đề nhận thức của cộng đồng về AEC, vấn đề an sinh xã hội.

Ngài Franz Jessen - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phân tích những bài học hội nhập kinh tế Châu Âu

Tiếp theo là bài trình bày của Ngài Franz Jessen - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam về chủ đề “Quan hệ EU - ASEAN: hướng tới tương lai”. Ngài Đại sứ đã tóm tắt và so sánh hai tiến trình hội nhập của EU và ASEAN, những điểm giống và khác nhau giữa hai khối liên minh Châu Âu và ASEAN. Ông cũng đưa ra những bài học trong quá trình hội nhập kinh tế Châu Âu và những cam kết mà EU và ASEAN có thể cùng nhau thực hiện hướng tới tương lai,. Ông kết luận bằng nhận xét mối quan hệ EU - ASEAN đang lớn mạnh hơn bao giờ hết và sẵn sàng để tăng trưởng.
Trao đổi cùng các chuyên gia về nội dung này, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh những vấn đề chính: liệu đến năm 2015 AEC có được thành lập? hay làm thế nào để có một chương trình hiệu quả nhất để người dân được thụ hưởng nhiều nhất?
Trả lời hai câu hỏi này, theo đại diện của IMF hiện nay các hàng rào thuế quan đã dần được dỡ bỏ, có những mặt hàng thuế xuất nhập khẩu gần như bằng không. Về cơ bản, cơ chế chính sách của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trên thực tế còn có nhiều khó khăn, đặc biệt việc tự do hoá các hàng rào phi thuế quan. Với những vấn đề kinh tế hiện nay, Việt Nam phải mất khoảng 2-3 năm để ổn định nền kinh tế và tạo ra sự cạnh tranh với những nước khác.
Đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết tại thời điểm hội nhập của EU, các nước trong khối đã chuẩn bị tương đối sẵn sàng. Còn ở Việt Nam và ASEAN thì còn thiếu quá trình chuẩn bị này. Vì vậy, ông Franz Jessen nhấn mạnh Việt Nam phải chuẩn bị kỹ càng cho sự hội nhập và phía Phái đoàn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm này.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng bàn luận thêm về việc cần phân tích các bài học kinh nghiệm của Việt Nam (như sự chênh lệch trình độ, khác biệt thể chế, lợi ích của các thành viên) khi tham gia một số tổ chức kinh tế quốc tế trước đó, đánh giá hiệu quả, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam khi tham gia AEC. Các ý kiến cũng nêu ra một số câu hỏi mà hội thảo cần quan tâm như: Tham gia AEC sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam? Việt Nam sẽ gặp thách thức gì khi gia nhập AEC và cần giải quyết như thế nào?
Trong phiên thứ hai của hội thảo, các tham luận tập trung vào kinh nghiệm tham gia AEC của các nước ASEAN và những khuyến nghị cho Việt Nam.

PGS.TS. Đỗ Đức Định nêu lên các nhân tố chính tạo nên thành công của ASEAN, qua đó rút ra bài học cho gia nhập thành công AEC
Tham luận “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Các yếu tố chủ chốt dẫn tới thành công trong quá khứ và tương lai” của PGS.TS Đỗ Đức Định (chuyên gia Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông) nêu lên các nhân tố chính tạo nên thành công của ASEAN và qua đó rút ra những điểm cần phát huy và một số vấn đề cần giải quyết hướng tới việc thành lập của AEC.


TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng cộng đồng nên có cái nhìn lạc quan hơn về AEC

Tham luận “Hội nhập kinh tế ASEAN, AEC và Việt Nam” của TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nêu ra một số điểm quan trọng như: những mục tiêu của AEC đặt ra từ nay đến 2015 (về việc làm những gì, làm đến đâu và kết thúc như thế nào; về sự kết nối, về vai trò trung  tâm của ASEAN trong việc hội nhập khu vực); tầm nhìn của AEC sau 2015 và cuối cùng là sự chuẩn bị tích cực của Việt Nam vào thành lập AEC năm 2015 và giai đoạn sau 2015. Trong đó, ông Thành khẳng định, việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN là tất yếu. Từ nay cho đến 2015, Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung còn nhiều vấn đề cần thực hiện nhưng đó là một quá trình, và cộng đồng kinh tế nên có cái nhìn lạc quan hơn về AEC.
Trao đổi về những thách thức trong việc thực hiện các cam kết hướng tới thành lập AEC năm 2015, một số ý kiến cho rằng các thách thức lớn hiện nay chính là nhận thức của cộng đồng về AEC còn chưa được sâu rộng, nhiều thành viên của ASEAN còn nôn nóng trong thực hiện, cơ sở hạ tầng và các cơ chế liên quan còn chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn. Các đại biểu đồng tình một trong những điểm yếu và cũng là thách thức trong hoạt động này chính là việc cập nhật thông tin về thành lập AEC và công tác truyền thông về AEC còn chưa đạt được kết quả tốt, đặc biệt đối với các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế. Chuyên gia Cấn Văn Lực (BIDV) lưu ý thêm việc hội nhập về tài chính là hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện cho hội nhập về thương mại và đầu tư, tuy nhiên Nhà nước cần có các chính sách điều tiết và giám sát phù hợp.
Một trong những điểm được các đại biểu nhất trí là cần có nhiều hơn nữa những hội thảo về chủ đề này để công tác nghiên cứu và truyền thông đạt được hiệu quả cao; và trong công tác nghiên cứu cần có sự phối hợp giữa trường đại học và các doanh nghiệp.
Sau 4 tiếng làm việc tích cực, hội thảo đã thành công tốt đẹp và nhận được nhiều ý kiến trao đổi chất lượng. Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cảm ơn sự quan tâm và đóng góp ý kiến của các đại biểu, sự phối hợp và ủng hộ từ các nhà tài trợ… Ông cho biết, việc nghiên cứu về AEC sẽ được Trường ĐHKT tiếp tục thực hiện và ông mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác của các chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp.

Chủ đề hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều phóng viên báo chí, truyền hình

Đỗ Chiêm - Nguyễn Thúy


Các tin khác