Một nghiên cứu đến từ giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã xác định được tác động qua lại giữa trung gian tài chính và các hiệp định thương mại khu vực đối với thương mại quốc tế thông qua mô hình trọng lực cổ điển.
“Tác động
qua lại giữa trung gian tài chính và các hiệp định thương mại khu vực đối với
thương mại quốc tế” là nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Đức
Bảo (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) và
Anne‐Gaël Vaubourg (Đại học Poitiers, CH Pháp) vừa được
công bố chính thức đầu
năm 2021(1) trên tạp chí The World Economy,
Wiley Blackwell - tạp chí thuộc nhóm Q1 (top 25%) theo
phân loại của Tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học SCImago.
Mục đích của bài báo này nhằm xác định liệu những tác động thuận lợi của
trung gian tài chính đối với xuất khẩu có bị suy yếu khi chi phí xuất khẩu thấp,
tức là trong trường hợp hai quốc gia này cùng tham giao vào một hiệp định
thương mại tự do (FTA). Ước tính mô hình trọng lực trên dữ liệu thu thập từ 69
quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới trong giai đoạn 1986-2006,
tác giả chỉ ra rằng hiệu ứng thúc đẩy thương mại từ trung gian tài chính ở quốc
gia xuất khẩu sẽ yếu hơn khi tồn tại một FTA giữa đối tác xuất khẩu và nhập khẩu.
Tác giả cũng chứng minh tác động giảm thiểu của trung gian tài chính được mô tả
ở trên sẽ thể hiện ở một mức độ yếu hơn đối với các lĩnh vực, mặt hàng bị hạn
chế về tài chính, trong đó việc tiếp cận các nguồn vốn từ bên ngoài vẫn đóng
vai trò quan trọng. Cuối cùng, tác giả thu được bằng chứng cho thấy mức độ
trung gian tài chính ở nước nhập khẩu cũng tạo ra hiệu ứng tương đồng như tại
nước xuất khẩu lên kim ngạch xuất khẩu từ quốc gia xuất khẩu tới đối tác nhập
khẩu.
Trung gian tài chính trong bài báo này được đo lường bởi tỉ suất của các
nguồn tài chính tài trợ cho khu vực tư nhân bởi các tổ chức tài chính (như ngân
hàng có nợ phải trả dưới hình thức tiền gửi có thể chuyển nhượng) trên GDP, hoặc
rộng hơn là tỷ suất của các nguồn tài chính cung cấp cho khu vực tư nhân bởi
các tổ chức tài chính khác (như ngân hàng tiết kiệm, ngân hàng hợp tác, ngân
hàng cầm cố, công ty tài chính) và các tổ chức tài chính phi ngân hàng (các tổ
chức trung gian gây quỹ trên thị trường tài chính, chẳng hạn như công ty bảo hiểm,
quỹ hưu trí, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tương hỗ và ngân hàng phát triển)
trên GDP.
Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên xác định tác động qua lại giữa
trung gian tài chính và các hiệp định thương mại khu vực đối với thương mại quốc
tế thông qua mô hình trọng lực cổ điển. Bài báo đóng góp vào chuỗi các nghiên cứu
liên quan tới việc chứng minh tương tác giữa các quy định tài chính và độ mở
thương mại ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy thương mại (Manova, 2008), năng suất
(Peters & Schnitzer, 2015; Taylor, 2010; Topalova & Khandelwal, 2011)
và tăng trưởng (Chang, Kaltani & Loayza, 2009).
Kết quả của tác giả thể hiện rằng việc thúc đẩy trung gian tài chính tại thị
trường nội địa và có một đối tác thương mại có trình độ trung gian tài chính
cao là vô cùng quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là khi các đối
tác không cùng tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Những phát hiện của
tác giả trong bài báo cũng củng cố thêm cho quan điểm việc phát triển trung
gian tài chính sẽ hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy thương mại đối với các sản
phẩm bị hạn chế về tài chính nhất, so với việc phát triển thị trường tài chính dựa
trên thị trường chứng khoán (Allen & Gale, 2000).
Nhóm tác giả cho biết: “Nghiên cứu này có thể được làm phong phú và phát
triển thêm theo nhiều cách. Đầu tiên, chúng tôi có thể nghĩ tới việc khám phá
cơ sở lý thuyết cho những tương tác này. Thứ hai, trong khi bài nghiên cứu đề cập
tới trung gian tài chính, sẽ rất thú vị nếu các nghiên cứu tiếp theo có thể
khai thác chủ đề ổn định tài chính và xem xét cách thức tương tác của yếu tố
này với các FTA sẽ tác động thế nào tới hoạt động xuất khẩu”./.
____________________
(1) Bạn đọc có thể đọc toàn văn công bố tại link:
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/twec.13010
hoặc https://www.researchgate.net/publication/343143545_Financial_intermediation_trade_agreements_and_international_trade
Vài nét về
TS. Nguyễn Đức Bảo: TS.
Nguyễn Đức Bảo hiện là giảng viên Bộ môn Quản lý kinh tế, Khoa Kinh tế Chính
trị. TS. Đức Bảo nhận bằng cử nhân hạng xuất sắc chuyên ngành Kinh tế đối ngoại
tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2014. Thông qua Chương trình học bổng của Chính phủ Cộng hoà Pháp, TS. Đức Bảo đã
nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế - Tài chính quốc tế và Tiến sĩ ngành
Kinh tế tại Đại học Bordeaux (CH Pháp) lần lượt vào năm 2015 và năm 2019.
Trước
khi trở thành giảng viên tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN từ tháng 8/2020,
TS. Đức Bảo đã đảm nhận công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Kinh tế Ứng
dụng (GREThA), Đại học Bordeaux. TS. Đức Bảo đã tham gia nhiều hoạt động tư vấn
nghiên cứu trong các dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế tại Tổ chức Nông nghiệp
và Lương thực thế giới (FAO Châu Á - Thái Bình Dương) và Viện Nghiên cứu Chính
sách Thực phẩm quốc tế (IFPRI). Nghiên cứu của TS. Đức Bảo tập trung vào các
chủ đề liên quan tới thương mại quốc tế, toàn cầu hoá, khu vực hoá, vai trò của
nhà nước trong nền kinh tế thị trường, kinh tế phát triển, kinh tế nông nghiệp.
TS. Đức Bảo đã công bố 3 bài báo quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín thuộc
danh mục SSCI/Scopus.
|