Trang tin tức sự kiện

Mở rộng giáo dục và giá trị kinh tế của giáo dục đại học ở Việt Nam: Phân tích không cần biến công cụ

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của chính sách mở rộng giáo dục đại học tới thị trường lao động. Câu hỏi nghiên cứu là cùng với việc cánh cửa vào đại học trở nên dễ dàng hơn, liệu tỷ lệ lao động có bằng đại học tăng lên có dẫn đến việc thị trường lao động dành cho lao động trí thức bị bão hòa hay không? Tỷ suất sinh lợi của giáo dục đại học đã thay đổi như thế nào trong hơn 10 năm qua, khi mà trước đây việc bước vào đại học là cánh cửa hẹp dành cho một số học sinh xuất sắc, còn cho đến gần đây, nhiều trường đại học mới đã được thành lập và các trường lớn đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh, dẫn đến việc vào đại học trở nên dễ dàng hơn rất nhiều?



Nghiên cứu sử dụng số liệu trong hơn 10 năm từ 2002 đến 2014 để quan sát sự thay đổi tương đối tỷ suất sinh lợi giáo dục của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với chính sách mở rộng giáo dục đại học. Số liệu được thu thập từ hai nguồn: dữ liệu 6 vòng điều tra VHLSS trong các năm 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012 và 2014, kết hợp với số liệu thống kê về số lượng sinh viên và học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học ở mỗi tỉnh/thành phố tại thời điểm tương ứng. Để giải quyết vấn đề trên, thay vì sử dụng biến công cụ truyền thống cho chính sách, nghiên cứu mã hóa số năm đi học của mỗi cá nhân trong nhóm tuổi tương ứng thành một điểm tỷ lệ. Đồng thời, nghiên cứu cũng sử dụng một biến tương đối là tỷ lệ người có bằng đại học theo nhóm tuổi. Điều này cho phép quan sát sự thay đổi tương đối của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với chính sách mỏ rộng giáo dục đại học. Từ đó, nghiên cứu tính toán tác động của việc mở rộng giáo dục đại học đối với thị trường lao động.

Toàn văn bài báo được đăng tải trên International Journal of Educational Research Open, 2, 100025.

Nghiên cứu chỉ ra rằng chính sách mở rộng giáo dục đại học không làm thay đổi tuyệt đối nhưng lại làm thay đổi tương đối mức tiền lương trên thị trường lao động. Nói cách khác, thị trường lao động Việt Nam đang vận hành theo hướng là trình độ học vấn tuyệt đối của mỗi cá nhân không còn là yếu tố quyết định, mà điều quan trọng là so sánh tương đối giữa bằng cấp của cá nhân với những người cùng trình độ khác. Điều này có thể là kết quả của một vài nguyên nhân. Thứ nhất, nguồn cung ứng viên tốt nghiệp đại học đang tăng nhanh hơn so với nhu cầu về lao động trình độ đại học trên thị trường lao động. Nếu đúng như vậy, sự mất cân đối giữa cung và cầu của lao động có trình độ cao trên thị trường lao động sẽ dẫn đến mức lương thấp hơn cho cử nhân đại học trong các ngành có lượng lao động dôi dư. Một khả năng khác giải thích cho hiện tượng này là do chất lượng của các chương trình đào tạo giáo dục đại học có xu hướng giảm sút. Trong quá trình mở rộng giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở tư nhân, có thể phải đánh đổi giữa số lượng và chất lượng sinh viên tốt nghiệp của họ. Như trong nghiên cứu đã đề cập, các yếu tố chính về phía cung góp phần vào việc mở rộng giáo dục đại học ở Việt Nam là việc bãi bỏ quy định chặt chẽ về chỉ tiêu và sự nở rộ của các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong giáo dục đại học. Một lý do khác gây ra khó khăn trong việc tìm việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học là sự không phù hợp giữa kỹ năng và kiến thức của họ với nhu cầu của thị trường lao động. Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng đối với chất lượng sinh viên mới tốt nghiệp tại 60 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (dựa trên kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc và năng lực chuyên môn) cho thấy chỉ 5% tổng số học sinh tham gia khảo sát được đánh giá ở mức khá, 40% ở mức không đạt. Điều này nhấn mạnh sự không phù hợp của các chương trình đào tạo giáo dục đại học trong việc trang bị cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết để tham gia vào thị trường lao động. Việc xây dựng các chương trình đào tạo bám sát nhu cầu thị trường cũng như vai trò của Nhà nước trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông là một vài gợi ý chính sách được đề xuất trong nghiên cứu này.

>>> THÔNG TIN BÀI BÁO

Thu Ha Truong, Keiichi Ogawa, Jean-Baptiste M. B. Sanfo (2021). Educational Expansion and the Economic Value of Education in Vietnam: An Instrument-Free Analysis.
International Journal of Educational Research Open, 2, 100025. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S266637402030025X

>>> GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ

TS. Trương Thu Hà hiện là giảng viên Bộ môn Chính sách công thuộc Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Bà là Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế Giáo dục, với các hướng nghiên cứu chính gồm: Chính sách công, kinh tế giáo dục, bất bình đẳng và đói nghèo.

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Tag:


Các tin khác
<123456>
Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành