Là người đầu tiên đặt nền móng cho nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam, GS. Trần Phương cũng là người sáng lập Khoa Kinh tế Chính trị và dìu dắt những thế hệ học trò đầu tiên của Khoa. Ngay cả khi đã nắm giữ nhiều vị trí quan trọng (Bộ trưởng, Phó Thủ tướng…) thì với ông “Nghề gõ đầu trẻ là nghề tôi thích nhất trên đời”, nghề đó cho phép người ta tự nhân mình lên nhiều lần.
Bén duyên kinh tế học
- Tham gia Cách mạng từ những năm 1943 và hoạt động ở vùng địch hậu ròng rã 9 năm trời, từ một người cách mạng, cơ duyên nào đã đưa Giáo sư đến với kinh tế học?
Tôi xuất thân là một học sinh trường Bưởi tham gia cách mạng. Hết kháng chiến, tôi được cử đi học ở Trung Quốc về lý luận. Năm 1957, tôi về trường Nguyễn Ái Quốc, làm công tác giảng dạy, đồng thời dự một lớp bồi dưỡng cán bộ lên trình độ Phó tiến sĩ, do giáo sư Liên Xô giảng dạy. Đến năm 1959, tôi được chuyển về Ủy ban Khoa học Nhà nước, cùng anh Bùi Công Chừng thành lập Viện Nghiên cứu Kinh tế. Có lẽ tôi “bén duyên” với nghiên cứu kinh tế Việt Nam từ đó.
- Là người tiên phong đặt những viên gạch đầu tiên cho nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam, khi mà nghề này vẫn còn khá mới mẻ, chắc hẳn không thiếu những khó khăn?
Những ngày đầu thành lập, Viện chỉ có mấy chục cán bộ. Ở thời điểm đó chưa có ai nghiên cứu về kinh tế. Các trường đại học đào tạo về kinh tế thì chỉ đào tạo theo chuyên ngành hẹp như kinh tế kế hoạch, kinh tế nông nghiệp, lao động, vật tư… Nhưng nghiên cứu khoa học về kinh tế thì lại đòi hỏi kiến thức rộng về kinh tế.
Tôi phát hiện ra rằng đào tạo đại học về kinh tế theo chuyên ngành hẹp không thích hợp với việc cung cấp cán bộ cho nghề nghiên cứu khoa học về kinh tế. Tôi đã dành thời gian đi tham quan, nghiên cứu hai trường đại học có tiếng ở Liên Xô là Đại học Lomonoxop và Đại học Plekhanop. Khi đến Đại học Lomonoxop, tôi thấy ở đây họ có một ngành học dạy về kinh tế học nói chung, gọi là ngành “Chính trị kinh tế học”. Khái niệm “chính trị kinh tế học” được một nhà khoa học Pháp sử dụng năm 1615, sau đó được Adam Smith và Các Mác sử dụng cho môn khoa học của mình; sau này được gọi là kinh tế học.
Từ kinh nghiệm của Đại học Lomonoxop, tôi cho rằng Việt Nam cũng phải có một ngành học “chính trị kinh tế học” thì mới tạo ra được nguồn cán bộ cho nghề nghiên cứu khoa học về kinh tế.
Khoa Kinh tế Chính trị những ngày đầu thành lập
- Từ khi lớp đào tạo chuyên về kinh tế học chỉ mới là một ý tưởng cho đến khi chứng kiến sự trưởng thành của những khóa sinh viên đầu tiên là cả một chặng đường dài. Giáo sư có thể chia sẻ một chút về những ngày đầu vất vả nhưng đầy tin tưởng đó?
Sau khi soạn thảo bản Đề án thành lập Khoa Chính trị Kinh tế học, tôi tìm gặp anh Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Bộ Đại học và anh Trần Tống - lúc đó là Bí thư Đảng - Đoàn. Cả hai anh đều ủng hộ đề án của tôi. Đề án được trình lên Ban Bí thư - Bộ Chính trị và được phê duyệt. Tôi được phép mở Khoa Kinh tế Chính trị tại Trường ĐHTHHN, thời đó do anh Nguyễn Đình Tứ làm Hiệu trưởng.
Năm 1974, Khoa tuyển sinh khóa đầu tiên. Vì chương trình đào tạo rất “nặng”, tôi được Bộ Đại học cho phép Khoa được lựa chọn những sinh viên đạt điểm đầu vào cao nhất của Trường ĐHTHHN.
- Lúc bấy giờ sinh viên cần đạt những tiêu chuẩn nào để được học tập tại Khoa Kinh tế Chính trị?
Tôi đặt điều kiện phải lấy những học sinh giỏi nhất của khối A, và có thể cả khối B, C. Khóa đầu tiên chọn được 45 sinh viên, khóa thứ hai được 100. Không ít sinh viên rất ngạc nhiên vì khi họ thi vào trường để học toán, lý lại bị chuyển sang học kinh tế học. Tôi đã trực tiếp thuyết phục các em, giảng giải cho các em về tầm quan trọng và những điều lý thú của kinh tế học. Tôi trực tiếp giảng dạy cho sinh viên nhiều môn học, truyền cảm hứng và tình yêu đối với kinh tế học cho các em.
Tôi nghĩ, mình cũng có duyên với cái nghề “gõ đầu trẻ” này khi những học trò của tôi đền đáp công lao của tôi bằng chính sự thành công của họ. Từ những khóa học đầu tiên đã có những sinh viên thành danh như Nguyễn Xuân Thắng, Trần Đình Thiên, Phí Mạnh Hồng - Khóa 1; Lê Danh Tốn; Trần Anh Tài - Khóa 2; Phùng Xuân Nhạ - Khóa 6.
- Để làm nên những thành công bước đầu của Khoa Kinh tế Chính trị, ngoài việc lựa chọn kỹ càng ở khâu đầu vào, chắc không thể thiếu những giảng viên giỏi chuyên môn và tận tâm với nghề?
Viện Kinh tế của tôi lúc đó đã có 30 cán bộ tốt nghiệp đại học và được bồi dưỡng đạt trình độ Phó Tiến sĩ, do giáo sư Liên Xô giảng dạy (thời đó, nước ta chưa có chế độ cấp bằng Phó Tiến sĩ). Họ là những người đã cùng tôi giảng dạy lớp sinh viên này.
- Ngoài việc được giảng dạy bởi một đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm, sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị thời đó còn nhận được sự “ưu ái” nào khác?
Như tôi đã nói, ở nước ta thời bấy giờ, các trường đại học chỉ đào tạo theo chuyên ngành hẹp. Tôi là người đầu tiên mở lớp đào tạo ra những nhà kinh tế có kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực về kinh tế, có thể giúp các cơ quan Trung ương thiết kế chính sách mà nay ta gọi là chính sách kinh tế vĩ mô. Bởi thế sinh viên có nhiều cơ hội để được tuyển vào các cơ quan tham mưu của các Bộ ngành Trung ương, từ đó mà họ trưởng thành.
Tôi không chỉ trực tiếp giảng dạy mà còn đưa các em đến các nhà máy và hợp tác xã để học hỏi, thực tập, nghiên cứu, để các em được tiếp xúc với thực tế kinh tế Việt Nam. Tôi cũng mời nhiều chuyên gia kinh tế đến giảng dạy và báo cáo chuyên đề, để các em nắm bắt được những vấn đề kinh tế nóng hổi của đất nước. Thời đó được đăng bài trên những tạp chí chuyên về kinh tế là điều mơ ước của không ít người, điều đáng tự hào là sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị đã làm được. Về sau, nhiều Khoa của Trường ĐHTHHN còn “tị” với tôi vì sao tôi lại được phép lựa chọn những sinh viên tốt nhất vào Khoa của mình.
Sẵn sàng thay đổi để phù hợp
- Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không khỏi “trầm trồ” về những cải cách táo bạo của ông trong chính sách Nhà nước thời kỳ bao cấp, đặc biệt là việc bãi bỏ “nghĩa vụ bán lợn” cho nông dân. Phải chăng chính những kiến thức về kinh tế học là nguồn của những đột phá đó?
Sau khi chuyển từ công tác nghiên cứu khoa học về kinh tế sang công tác quản lý kinh tế, tôi đã vận dụng được nhiều kiến thức về kinh tế học để xử lý các vấn đề chính sách của Nhà nước, mà theo cách gọi của thời nay thì đó là chính sách kinh tế vĩ mô. Chính con mắt của một nhà kinh tế học đã cho tôi thấy những bất cập trong hệ thống chính sách của nước ta thời bấy giờ để mạnh dạn kiến nghị điều chỉnh và sửa đổi như: cắt bỏ các dự án đầu tư không hiệu quả của các ngành và các địa phương (hồi tôi làm Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), xóa bỏ các cửa hàng cung cấp, tiền tệ hóa tiền lương và chuyển ngành thương mại sang cơ chế thị trường (hồi tôi làm Bộ trưởng Bộ Nội thương).
Còn về “nghĩa vụ bán lợn” thì hồi đó mỗi hộ nông dân có nghĩa vụ phải bán cho Nhà nước 20 kg thịt lợn mỗi năm theo giá 7 kg thóc/1 kg thịt lợn. Tỷ lệ này không có gì bàn cãi nhưng vấn đề là giá thóc, theo cách tính của Ủy ban Vật giá Nhà nước, thường chỉ bằng nửa giá thành. Thấy rõ bất cập này, tôi đã nhiều lần phản ánh với Tổng Bí thư Lê Duẩn, và cuối cùng, với tư cách Phó Thủ tướng, tôi đã bãi bỏ được nghĩa vụ này cho nông dân.
- Với tư cách một nhà lãnh đạo cấp Nhà nước, ông là người tiên phong trong công cuộc đổi mới các chính sách. Vậy còn với tư cách một nhà giáo dục, Giáo sư đánh giá như thế nào về sự đổi mới và phát triển của Trường ĐHKT?
Khi tôi thành lập Khoa Kinh tế Chính trị thì xã hội đang thiếu các nhà kinh tế học có kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề kinh tế vĩ mô. Vì vậy, mô hình đào tạo như vậy là phù hợp. Ngày nay, khi nhu cầu xã hội đa dạng hơn thì việc Trường chuyển đổi thành cơ sở đào tạo đa ngành, mở thêm các ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh… là điều cần thiết.
Tôi thực sự vui mừng được chứng kiến sự lớn mạnh của Trường ĐHKT. Từ mốc ban đầu là Khoa Kinh tế Chính trị của Trường ĐHTHHN, nay đã phát triển thành một trường đại học có uy tín về đào tạo đa dạng ngành nghề và gắn giảng dạy với nghiên cứu khoa học. Đó là một hướng đi đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự phát triển, lớn mạnh hơn nữa của Trường trong những chặng đường tiếp theo.